Đảm bảo sách giáo khoa phục vụ năm học mới

Năm học mới 2022-2023 đã cận kề, thời điểm này hầu hết phụ huynh đã mua sắm sách vở, đồ dùng học tập cho con em. Cùng chung tâm lý mong muốn điều kiện học tập tốt đẹp nhất cho con em mình, ở mỗi cấp học, địa bàn, phụ huynh có những nỗi lo riêng, đặc biệt là giá sách giáo khoa (SGK) năm học này có nhiều biến động.

Thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, ngành GD&ĐT Phú Thọ cũng như các doanh nghiệp phát hành sách, cung cấp thiết bị giáo dục đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp thiết thực để đảm bảo nguồn cung ứng cũng như chia sẻ, giảm tải nỗi lo của phụ huynh trên địa bàn…

Nhân viên Công ty cổ phần Sách và Thiết bị giáo dục Phú Thọ kiểm tra số lượng sách để chuẩn bị phát hành đến các địa phương, nhà trường.

Hàng năm, vào cuối năm học, chị Lương Thị Thu Hà- xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì lại đăng ký với nhà trường mua sách cho con. Theo chị, mua qua kênh của nhà trường không mất thời gian; giá sách và tên sách được thông báo cụ thể nên việc lựa chọn mua những đầu sách theo nhu cầu được dễ dàng hơn. Hiện, chị đã nhận được sách, vở cho con để vào năm học mới. Năm nay, để mua một bộ sách lớp 6 (trừ sách nâng cao) và 20 quyển vở, chị đã phải trả trên 800 nghìn đồng.

Chị Hà cho biết: Quyển sách rẻ nhất có giá 12 nghìn đồng và đắt nhất là các sách Tiếng Anh với tổng ba quyển có giá là 184 nghìn đồng, trong đó sách Tiếng Anh: 78.000 đồng; Bài tập Tiếng Anh 68.000 đồng và Notebook là 38.000 đồng. Như vậy, nếu tôi mua riêng SGK thì chi phí cũng không phải quá cao, nhưng xét thấy sách bổ trợ cũng là cần thiết nên mặc dù kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nên gia đình vẫn mua đủ sách cho con.

Cùng với những suy nghĩ của chị Lương Thị Thu Hà, chị Lê Hậu-Thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn chia sẻ: Tôi có hai cháu đang theo học lớp 9 và lớp 3. Để tiết kiệm chi phí học tập và phù hợp với điều kiện của gia đình, ngoài mua SGK, tôi còn mua các sách bổ trợ, trừ các sách nâng cao. Đặc biệt, tôi thấy SGK lớp 3 theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 có hình thức đẹp hơn các năm trước, chi phí mua sách cũng khá tốn tiền nhưng gia đình vẫn cố gắng đầu tư cho con học tập.

Thời điểm này, học sinh trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập sẵn sàng vào năm học mới.

Có con trai vừa đỗ vào lớp 10 chất lượng cao của Trường THPT chuyên Hùng Vương, chị Vũ Thúy Hà- phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì vừa vui mừng nhưng cũng xen chút lo lắng. Lo vì năm nay, lớp 10 sẽ học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 nhưng đến thời điểm này chị chưa mua được sách cho con vì nhà trường chờ hướng dẫn của Sở để xác định tổ hợp môn học, sách trên thị trường cũng chưa có bán, trong khi đó con chị lại muốn tìm hiểu xem nội dung sách mới ra làm sao để chuẩn bị tâm thế học tập…

Để tìm hiểu về thị trường SGK cho năm học mới, chúng tôi đã làm việc với Công ty cổ phần Sách và Thiết bị giáo dục Phú Thọ - đơn vị có chức năng phát hành SGK trên địa bàn tỉnh... Đồng chí Lê Thị Kim Dung- Giám đốc Công ty cho biết: “Từ năm học 2020-2021, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 bắt đầu từ lớp 1, SGK đã có sự thay đổi về giá, đến nay giá sách lớp 1, lớp 2 và lớp 6 vẫn giữ nguyên, không biến động. SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 có giá mới vì lần đầu đưa vào sử dụng trong năm học 2022-2023. SGK của các lớp còn lại vẫn giữ nguyên mức giá như năm ngoái. Đến thời điểm hiện tại, sách tái bản và sách lớp 1, lớp 2 và lớp 6 theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 về cơ bản đã phát hành đầy đủ theo nhu cầu của học sinh. Sách lớp 3 và lớp 7 nhập đến đâu sẽ bổ sung về các địa phương đến đó, cơ bản cũng đã hoàn thành. Còn sách lớp 10 chưa phát hành, nguyên nhân bởi các nhà trường chưa xác định cho học sinh lựa chọn đăng ký lựa chọn tổ hợp. Để không xảy ra tình trạng thiếu hay không có sách, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo Công ty xây dựng kế hoạch theo số lượng học sinh để đăng ký với Nhà xuất bản Giáo dục, còn về chi tiết thì sẽ điều chỉnh sau”.

Thực tế thị trường hiện nay: Một bộ SGK lớp 3 có giá từ 183.000 đồng đến 190.000 đồng; bộ SGK lớp 7 từ 208.000 đồng đến 235.000 đồng; bộ SGK lớp 10 từ 287.000 đồng đến 436.000 đồng. Tất cả các bộ sách này đều chưa bao gồm sách môn Tiếng Anh, song giá đã đắt gần gấp đôi so với sách của chương trình cũ.

Lý giải về vấn đề này, đồng chí Lê Thị Kim Dung- Giám đốc Công ty cổ phần Sách và Thiết bị giáo dục Phú Thọ cho biết: Công ty chỉ được phát hành chứ không được tham gia bàn bạc như các chi phí để cấu thành giá hay lý do vì sao tăng... Tuy nhiên, qua nắm bắt dư luận xã hội, được họp, nghe Nhà xuất bản thông tin SGK cũ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí nên giá rẻ hơn, nhưng khi thực hiện xã hội hóa xuất bản thì giá sách được tính đúng theo thị trường. Đối với Công ty cổ phần Sách và Thiết bị giáo dục Phú Thọ có chức năng nhập sản phẩm về phát hành, không mang nặng tính chất thị trường mà coi trọng nhiệm vụ của ngành. Công ty luôn tuân thủ về giá, nhập đúng luồng, hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng và nhập sách phải có quyết định lựa chọn của tỉnh”.

Trước thềm năm học mới, Sở GD&ĐT đã có văn bản sử dụng SGK, sách tham khảo (STK) trong các cơ sở giáo dục để yêu cầu các cơ sở giáo dục trong tỉnh thực hiện nghiêm túc. Trong đó, yêu cầu: Tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh về việc giữ gìn, bảo quản SGK; không viết, vẽ vào SGK; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, tăng tỉ lệ SGK được sử dụng lại nhiều lần và được lâu, bền.

Thực hiện nghiêm quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 07/7/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, trong đó có việc: “Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào” được quy định tại Khoản 4 Điều 5 của Thông tư này.

Không được vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục SGK đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt và UBND tỉnh Phú Thọ lựa chọn dưới bất kỳ hình thức nào; không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ SGK kèm sách bài tập, STK và các tài liệu khác ngoài danh mục SGK đã được lựa chọn để học sinh, học viên, cha mẹ học sinh, học viên mua và sử dụng. Bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua SGK, STK, tài liệu dạy kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm cho thư viện nhà trường/trung tâm GDNN-GDTX; tổ chức cho học sinh, giáo viên mượn SGK, sách tham khảo, tài liệu dạy kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm để phục vụ công tác giảng dạy và học tập; vận động các tổ chức, cá nhân và học sinh quyên góp ủng hộ SGK cũ vào thư viện để học sinh, học viên các lớp sau tiếp tục mượn và sử dụng.

Riêng đối với SGK trong Chương trình GDPT 2018, đề nghị các đơn vị ngoài việc mua SGK các cấp học của nhà xuất bản đã được UBND tỉnh Phú Thọ lựa chọn, các đơn vị nên mua bổ sung SGK của các nhà xuất bản khác đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt cho thư viện nhà trường/trung tâm GDNN-GDTX làm tư liệu tham khảo cho giáo viên và học sinh, học viên.

Anh Thơ

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-de-hom-nay/dam-bao-sach-giao-khoa-phuc-vu-nam-hoc-moi/185812.htm