Đảm bảo sức khỏe cho người lao động làm ca đêm
Lương tối thiểu thấp, mức sống không đảm bảo nên nhiều người lao động (NLĐ) phải lựa chọn tăng ca liên tục hoặc làm ca đêm để tăng thu nhập. Tuy nhiên, việc thức đêm nhiều nhưng chế độ dinh dưỡng ít đang khiến sức khỏe NLĐ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Sau nhiều năm làm việc xoay ca với chu kỳ tuần làm ngày, tuần làm đêm và chế độ ăn uống không phù hợp, sức khỏe của bà Hà Thị Mến (ngụ phường An Bình, thành phố Biên Hòa) suy giảm, buộc bà phải nghỉ việc ở độ tuổi 50.
Sức khỏe sa sút
Bà Mến cho biết, khi còn làm công nhân may mặc, bà đăng ký làm ca đêm để được phụ cấp thêm tiền. Thời gian đầu, do còn trẻ, bà vẫn đảm bảo công việc bình thường. Được một thời gian, bà thấy việc thức đêm nhiều khiến người mệt mỏi, có lúc ngồi làm không vững do mất ngủ. Trong khi đó, khoản phụ cấp ít ỏi không đủ để bù đắp lại được phần sức khỏe đã đánh đổi. Cuối cùng, bà chọn nghỉ việc, xin làm gia công cho một cơ sở nhỏ gần nhà.
“Nhiều công nhân vì hoàn cảnh, tính chất công việc hoặc nhiều lý do khác mới chấp nhận làm ca đêm. Tuy nhiên, không phải ở đâu cũng có môi trường làm tốt, doanh nghiệp (DN) quan tâm đến sức khỏe NLĐ. Công nhân làm ca nhiều, bữa ăn giữa ca không đảm bảo đủ chất dinh dưỡng là nguyên nhân chính khiến NLĐ bị sa sút sức khỏe nhanh chóng” - bà Mến chia sẻ.
Còn chị Trần Thị Hà, công nhân sản xuất giày da tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, cho hay: “Có tháng phải làm 12 giờ/ngày, ca ngày tràn qua ca đêm khiến tinh thần tôi luôn căng thẳng. Nhưng nếu không tăng ca, thu nhập giảm không đảm bảo mức sống. Trong khi đó, lương vừa tăng thì giá cả thị trường cũng leo thang, khiến công nhân vẫn gặp nhiều khó khăn”.
Hiện nhiều DN sản xuất liên tục đều tổ chức cho công nhân làm 3 ca: ca 1 từ 6-14h, ca 2 từ 14-22h và ca 3 từ 22-6h. Để chống lại cơn buồn ngủ vào ban đêm, NLĐ thường uống cà phê hoặc nước tăng lực. Vì vậy, chỉ sau một thời gian, nhiều NLĐ cảm thấy mệt mỏi, không thể tập trung làm việc.
Anh Nguyễn Văn Minh (quê tỉnh Hà Tĩnh) đã làm việc tại Đồng Nai được 6 năm nay cho biết, công ty có phúc lợi tốt, thu nhập ổn định song do phải làm ca đêm thường xuyên nên nhiều công nhân đã nghỉ việc. Còn anh Minh, sau đại dịch Covid-19, sức khỏe bắt đầu đi xuống, có dấu hiệu bị rối loạn giấc ngủ, sụt cân.
“Ai cũng biết việc thức đêm thường xuyên hại sức khỏe, nhưng vì gánh nặng cơm áo nên phải chấp nhận” - anh Minh bộc bạch.
Theo Sở Lao động, thương binh và xã hội, để NLĐ đảm bảo sức khỏe làm việc, các DN cần tổ chức sản xuất đảm bảo thời gian theo quy định của Bộ luật Lao động. Việc thúc ép NLĐ làm thêm giờ hoặc không thỏa thuận trước với NLĐ khi tổ chức tăng ca, làm thêm giờ là vi phạm. Bên cạnh đó, cần chú trọng khám sức khỏe, đảm bảo đầy đủ chế độ, chính sách để NLĐ yên tâm lao động sản xuất.
DN còn thờ ơ
Anh Nguyễn Tấn Tài (quê tỉnh Bạc Liêu) cho biết, vợ chồng anh làm việc xoay ca nên dù sống cùng nhau nhưng vợ chồng ít khi gặp mặt. Điều anh mong muốn là DN quan tâm hơn đến bữa ăn, cũng như có chế độ phụ cấp thỏa đáng cho NLĐ tăng ca, làm ca đêm.
Mới đây, Sở Lao động, thương binh và xã hội đã ban hành quyết định xử phạt hành chính số tiền hơn 300 triệu đồng đối với 3 DN vi phạm quy định về pháp luật lao động, Luật An toàn vệ sinh lao động. Cụ thể, không thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe đối với NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; chưa thực hiện khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/lần đối với lao động cao tuổi, lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại; chưa lập hồ sơ quản lý sức khỏe và bệnh tật NLĐ…
Ngoài ra, có 4 DN huy động công nhân làm thêm vượt quá số giờ so với quy định nên bị UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng. Cụ thể, huy động NLĐ làm thêm giờ, số giờ làm thêm vượt quá 200 giờ/người/năm. Kết luận thanh tra của Sở Lao động, thương binh và xã hội chỉ ra về hình thức trả lương, công việc phải làm chưa được thỏa thuận đầy đủ. Đây là các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe làm việc và quyền lợi lâu dài của NLĐ.