Đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp

Xác định, an toàn thực phẩm (ATTP) không chỉ cải thiện sức khỏe con người, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, hiệu quả kinh tế, phát triển thương mại, du lịch và an sinh xã hội, thời gian qua, cùng với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành vi của người dân về ATTP, các cấp, các ngành chức năng trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm

Thực hiện “Tháng hành động vì ATTP” năm 2022, từ ngày 15/4-15/5/2022, Sở Công thương đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra 17 cơ sở sản xuất, cung cấp suất ăn, trường học trên địa bàn; trong đó, có 2 cơ sở sản xuất bún, 5 đơn vị cung cấp suất ăn, 1 nhà hàng ăn uống, 5 trường mầm non, 4 trường tiểu học với các nội dung chủ yếu như giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP, cam kết ATTP, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa, việc chấp hành quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, việc niêm yết giá hàng hóa... Đồng thời, kết hợp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP đến người dân, chủ các cơ sở, đơn vị.

Để trang bị thêm kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, góp phần đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp (DN), hằng năm, Cục Quản lý thị trường đã phối hợp với Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) tổ chức hội nghị tập huấn phân biệt hàng giả, hàng thật cho các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ trên địa bàn.

Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành chức năng như Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường và UBND các huyện, thành phố thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP vào các dịp cao điểm như trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu...

Đồng thời, ban hành các Kế hoạch, thành lập đoàn thẩm định thực tế, đoàn kiểm tra hậu kiểm tại các cơ sở đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP… nhằm đánh giá về môi trường, việc chấp hành và duy trì các điều kiện chung về bảo đảm ATTP trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh đối với các sản phẩm, thực phẩm…

Nhờ đó, những năm gần đây, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn đã có chuyển biến tích cực trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP như: Giấy khám sức khỏe định kỳ của người tham gia sản xuất kinh doanh thực phẩm, Giấy chứng nhận tập huấn kiến thức vệ sinh ATTP, hóa đơn, chứng từ xác định nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, đảm bảo nguồn nước, môi trường xung quanh...

Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, lẻ phân tán rộng và liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân; công nghệ sản xuất, chế biến thực phẩm còn thủ công nên việc bảo đảm ATTP còn gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó, nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP thiếu, nhất là cấp huyện, cấp xã không có người chuyên trách thực hiện nhiệm vụ trên. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đã được triển khai nhưng chưa thực sự sâu rộng nên nhận thức của chủ cơ sở kinh doanh và người dân về việc thực hiện các quy định của pháp luật và điều kiện về ATTP còn hạn chế.

Khắc phục tình trạng trên, góp phần bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, lợi ích hợp pháp cho DN, thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên tuyền về Nghị định số 15/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP và các văn bản quản lý về ATTP khác đối với cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn; in ấn tờ rơi, băng zôn, khẩu hiệu, xây dựng cẩm nang tuyên truyền về ATTP trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, tổ chức tập huấn chuyên môn về ATTP cho cán bộ quản lý ATTP tại các địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tại các cơ sở SXKD; kịp thời xử lý nghiêm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về ATTP.

Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo chuỗi, chợ đầu mối nông sản an toàn; tăng cường quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ...

Hồng Tính

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/82787/dam-bao-suc-khoe-nguoi-tieu-dung-loi-ich-hop-phap-cua-doanh-nghiep.html