Đảm bảo tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Bà Võ Thị Quế Hương, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP Huế cho biết, liên quan đến việc triển khai dự án (DA) tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đoạn tuyến đi qua địa bàn TP Huế có chiều dài khoảng 95,1km, trải dài qua 12 xã, phường, với tổng diện tích bị ảnh hưởng lên tới 825 ha. Trong đó, hơn 8.100 hộ dân chịu tác động trực tiếp từ công tác giải phóng mặt bằng. Khoảng 900 hộ trong số này sẽ phải di dời và bố trí vào khu tái định cư (TĐC) và khoảng 6.850 lăng mộ phải di dời.
Nhằm đảm bảo cuộc sống ổn định, an cư của người dân sau khi bị di dời, TP Huế dự kiến bố trí 22 khu TĐC với tổng diện tích khoảng 66 ha. Ngoài ra, TP Huế sẽ xây dựng 6 khu nghĩa trang với diện tích khoảng 6 ha để di dời số lăng, mộ bị ảnh hưởng.

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam qua TP Huế sẽ có nhà ga Chân Mây đặt tại xã Chân Mây – Lăng Cô.
Đến nay UBND TP Huế đã giao nhiệm vụ cho 3 Ban Quản lý (BQL) dự án Đầu tư xây dựng khu vực cùng với BQL dự án khu kinh tế - công nghiệp làm chủ đầu tư khẩn trương triển khai xây dựng các khu TĐC và nghĩa trang. Mục tiêu đặt ra là hoàn thành toàn bộ công tác xây dựng, giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch cho DA đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào cuối năm 2026. Theo quy hoạch hướng tuyến, DA đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua nhiều khu vực quan trọng của TP Huế gồm ranh giới KCN Phong Điền và khu quy hoạch KCN mở rộng, vượt sông Hươg, đi vào trung tâm thành phố rồi hướng về phía Đông Nam.
Tiếp đó, tuyến đi qua đầm Cầu Hai, vào Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, rẽ phải vượt quốc lộ 1A và đường sắt hiện hữu, qua đèo Hải Vân sang TP Đà Nẵng. TP Huế đã kiến nghị thống nhất tuyến đường sắt Bắc - Nam qua TP Huế sẽ có 2 nhà ga, nhà ga Huế đặt tại phường Mỹ Thượng và nhà ga Chân Mây đặt tại xã Chân Mây - Lăng Cô.
Theo bà Võ Thị Quế Hương, hiện UBND TP Huế yêu cầu các xã, phường có DA đường sắt tốc độ cao đi qua khẩn trương hoàn thành công tác kiểm kê, lập phương án đền bù, ưu tiên triển khai đồng bộ hạ tầng các khu TĐC để đảm bảo điều kiện sống ổn định cho người dân. Phường Phong Dinh (TP Huế) - là một trong những địa bàn có số lượng lớn người dân bị ảnh hưởng bởi DA đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam qua địa bàn Huế.
Ông Trịnh Đức Nhu, Chủ tịch UBND phường Phong Dinh cho biết, trên địa bàn phường dự kiến xây 2 khu TĐC để phục vụ người dân bị ảnh hưởng bởi DA. Thời gian qua, các ban ngành chức năng liên quan và chính quyền địa phương đã nhiều lần tiến hành khảo sát địa điểm xây khu TĐC. Quan điểm của chính quyền địa phương, địa điểm TĐC sẽ tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Hiện, phường cũng đang khẩn trương rà soát, thống kê cụ thể số hộ dân bị ảnh hưởng bởi DA và tiến hành lấy ý kiến, họp dân.
Tại cuộc họp HĐND TP Huế nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra ngày 16 và 17/7 cho biết, TP Huế đã tiến hành rà soát và dự kiến đầu tư xây dựng 4 DA với 22 khu TĐC, 6 nghĩa trang nhằm phục vụ công tác giải phóng mặt bằng dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam với tổng mức đầu tư hơn 1.419 tỷ đồng. Theo tờ trình của UBND TP Huế, DA đường sắt cao tốc Bắc - Nam được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư là DA có ý nghĩa quan trọng đặc biệt của quốc gia.
Trong đó việc giải phóng mặt bằng tại các địa phương có tuyến đường sắt đi qua, trong đó có TP Huế là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện DA. TP Huế đã thành lập Ban chỉ đạo cấp thành phố do Bí thư Thành ủy Huế làm Trưởng ban để thực hiện giải phóng mặt bằng.
Nhằm đảm bảo khởi động, khởi công một số khu TĐC phục vụ cho DA vào ngày 19/8 tới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Huế vừa đề nghị HĐND thành phố thông qua nghị quyết về việc ứng trước 60 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để triển khai các DA đầu tư xây dựng khu nghĩa trang, khu TĐC. Sau khi nghiên cứu tờ trình của UBND TP Huế, các đại biểu HĐND thành phố đã bấm nút thông qua nghị quyết, chấp thuận ứng trước 60 tỷ đồng từ ngân sách để xây dựng khu TĐC, nghĩa trang phục vụ dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Tại cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND TP Huế Nguyễn Văn Phương yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai đồng loạt các khu TĐC để sẵn sàng phục vụ giải phóng mặt bằng. Trên cơ sở hướng tuyến dự kiến, các địa phương được giao khẩn trương rà soát, lập kế hoạch chi tiết, bảo đảm hoàn thành toàn bộ công tác bàn giao mặt bằng cho dự án đường sắt tốc độ cao trước cuối năm 2026. DA đường sắt tốc độ cao được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển bằng đường sắt Bắc – Nam xuống còn khoảng 5 - 6 giờ, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, phát triển đô thị, giao thương và du lịch.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.541km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi, TP Hà Nội và kết thúc tại ga Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh, đi qua địa bàn 20 tỉnh, thành phố. Tuyến đường được thiết kế với tốc độ tối đa 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục, gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.