TP.HCM khẩn trương rà soát mạng lưới metro theo địa giới hành chính mới
Ủy ban nhân dân TP.HCM chỉ đạo khẩn trương rà soát tổng thể quy hoạch mạng lưới metro theo mô hình, tầm nhìn mới, phù hợp với việc mở rộng địa giới hành chính…

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh minh họa.
Văn phòng Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Bùi Xuân Cường tại cuộc họp về kế hoạch triển khai các nội dung của Ban Chỉ đạo phát triển mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM.
RÀ SOÁT QUY HOẠCH METRO
Theo đó, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Đường sắt đô thị khẩn trương tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố trình Ban Thường vụ Thành ủy kiện toàn Ban Chỉ đạo.
Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo thành lập Tổ giúp việc, Tổ chuyên gia tư vấn triển khai hệ thống đường sắt đô thị, bảo đảm phù hợp thực tiễn, bám sát tinh thần Kết luận 49 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 188 của Quốc hội.
Cùng với đó, yêu cầu rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam; xác định rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, phục vụ công tác kiểm tra, giám sát. Các cơ quan liên quan phải tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ Ban Chỉ đạo giao, phục vụ họp giao ban.
Sở, ngành, đơn vị được yêu cầu đề cao trách nhiệm người đứng đầu, chủ động triển khai nghiêm túc, đầy đủ, đúng tiến độ các nhiệm vụ; định kỳ báo cáo về Sở Xây dựng để tổng hợp.
Ủy ban nhân dân Thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Ban Quản lý Đường sắt đô thị và các đơn vị liên quan rà soát tổng thể quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị theo mô hình và tầm nhìn mới, phù hợp với địa giới hành chính mở rộng, trên cơ sở Nghị quyết 188 của Quốc hội. Từ đó, tham mưu kế hoạch triển khai trong tháng 7.
Đồng thời, Sở Xây dựng phối hợp Sở Tư pháp hoàn thiện hồ sơ, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh phương án tuyến và vị trí công trình; quy hoạch khu vực TOD; chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, chỉ tiêu sử dụng đất; điều chỉnh chức năng sử dụng đất trong khu vực TOD.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân Thành phố cũng yêu cầu hoàn thiện nội dung liên quan đến chuyển nhượng chỉ tiêu sử dụng đất giữa các dự án trong khu vực TOD; bảo đảm kịp thời trình tại kỳ họp Hội đồng nhân dân TP.HCM dự kiến diễn ra ngày 27/7.
Bên cạnh đó, Sở Tài chính có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Đường sắt đô thị và các đơn vị liên quan chủ động xây dựng Đề án huy động và bố trí nguồn vốn đầu tư, bảo đảm tiến độ triển khai các tuyến đường sắt đô thị theo phụ lục của Nghị quyết số 188 của Quốc hội. Đồng thời, khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai Luật PPP.
ĐỀ XUẤT BỐ TRÍ VỐN CHO HAI TUYẾN METRO KẾT NỐI KHU VỰC
Trước đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM – MAUR cũng đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân Thành phố và Sở Tài Chính về việc đề xuất giao nhiệm vụ và bố trí vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư hai tuyến metro kết nối với khu vực Bình Dương cũ.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến metro số 1 (TP mới Bình Dương - Suối Tiên) có tổng chiều dài hơn 29 km, toàn bộ đi trên cao. Tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án là 46.725 tỷ đồng. Tuyến bắt đầu tại ga S1 (trung tâm TP mới Bình Dương), kết thúc tại ga Suối Tiên - điểm cuối nối vào tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Tuyến này dự kiến có 17 nhà ga và dùng chung depot Long Bình thuộc metro Bến Thành - Suối Tiên.
Hiện, dự án đã được Hội đồng thẩm định nhà nước hoàn tất thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đã trình Chính phủ. Sau đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội.
Trong khi đó, tuyến metro số 2 (Thủ Dầu Một - Hiệp Bình Phước) có tổng vốn đầu tư khoảng 50.425 tỷ đồng, cũng đã được Hội đồng thẩm định nội bộ của địa phương tổ chức thẩm định. Dự án dài hơn 21,8 km (đi trên cao) với 13 ga và một depot dùng chung với tuyến metro số 3 TP.HCM tại Hiệp Bình Phước (nay là phường Hiệp Bình).
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến metro số 1 (TP mới Bình Dương - Suối Tiên) hiện chưa trình Quốc hội, metro số 2 (Thủ Dầu Một - TP.HCM) chưa thực hiện thủ tục trình quyết định chủ trương đầu tư.
Vừa qua, Quốc hội thông qua Luật Đường sắt 2025 bổ sung thêm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để đầu tư phát triển đường sắt bao gồm cả đường sắt đô thị. Do đó, hai dự án trên thuộc đối tượng thực hiện theo quy định mới về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, theo Luật số 90/2025/QH15 và không phải thực hiện quyết định chủ trương đầu tư.
Theo quy định mới, đối với các dự án đường sắt địa phương, dự án đường sắt địa phương theo mô hình phát triển đô thị mô hình TOD, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền tổ chức lập, thẩm định, quyết định đầu tư và quyết định điều chỉnh theo trình tự, thủ tục tương tự như dự án nhóm A do địa phương quản lý theo quy định của pháp luật có liên quan.
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư hai dự án. Đồng thời, kiến nghị Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân Thành phố bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và năm 2025 để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, trước mắt đề xuất khoảng 10 tỷ đồng cho mỗi dự án.