Đảm bảo thống nhất giữa Luật Nhà ở (sửa đổi) với Luật Đất đai (sửa đổi)
Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) là một trong số 10 dự án Luật được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Trong đó, nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị cần rà soát Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để đảm bảo thống nhất với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Tại phiên họp, nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị cần rà soát Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để đảm bảo thống nhất với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Tại phiên thảo luận, Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông quan tâm tới tính thống nhất của thành viên hộ gia đình phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, tại khoản 19, Điều 3 của dự thảo luật và hộ gia đình sử dụng đất tại khoản 28 Điều 3 của dự thảo luật Đất đai (sửa đổi).
Cụ thể, theo dự thảo luật Đất đai (sửa đổi), hộ gia đình sử dụng đất gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có quyền sử dụng đất chung trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Tuy nhiên, theo dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, thành viên hộ gia đình phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung, cùng thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở trên diện tích đất thuộc quyền sử dụng chung hoặc trên đất thuê, đất mượn và cùng tham gia quản lý, sử dụng nhà ở đó.
Pháp luật quy định nhà ở là tài sản gắn liền với đất, do đó, các quy định về nhà ở, đất đai phải có sự thống nhất. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn các vấn đề về hộ gia đình trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Về việc lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng trong việc xây dựng chương trình phát triển nhà ở địa phương, đại biểu đề nghị, khi xây dựng, phê duyệt chương trình phát triển nhà ở, cấp tỉnh giao hoàn toàn trách nhiệm cho UBND, HĐND cấp tỉnh, nên bỏ quy định về việc lấy ý kiến của Bộ Xây dựng để tạo tính chủ động, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng của chính quyền địa phương, giảm bớt chi phí, thời gian, không làm tăng thời gian giải quyết công việc của các cơ quan trung ương.
Ngoài ra, xét về quy định hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, Luật Nhà ở năm 2014 đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 03 năm 2022 đã quy định về hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại, trong đó có quy định trường hợp có quyền sử dụng đất ở và đất khác thuộc diện được chấp thuận để thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.
Trên cơ sở rà soát, tổng kết thi hành luật, dự thảo luật đã bổ sung quy định về trường hợp sử dụng đất được thực hiện để phát triển nhà ở thương mại nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ sử dụng đất, thúc đẩy phát triển nhà ở. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ báo cáo Chính phủ để tiếp thu ý kiến của đại biểu và tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh lại quy định nêu trên để đảm bảo thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi).
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 hoàn thiện có bố cục gồm 16 chương, 263 điều; trong đó tăng 5 mục, bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo ban đầu lấy ý kiến nhân dân.
Đáng chú ý, so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, dự thảo luật lần này đã có rất nhiều quy định được bổ sung trên cơ sở ý kiến của cử tri và nhân dân. Trong đó một số chương, mục, điều đã được chỉnh sửa, thay đổi cơ bản về cấu trúc và nội dung và đã có đánh giá cũng tương đối sâu sắc về từng nhóm vấn đề.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương với 196 Điều. So với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật (sửa đổi) đã tăng hơn 13 Điều; trong đó bãi bỏ 7 Điều trong Luật hiện hành; giữ nguyên 47 Điều; sửa đổi, bổ sung 104 Điều; bổ sung mới 34 Điều; Luật hóa từ Nghị định 11 Điều.
Các nội dung của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bám sát và cụ thể hóa 8 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình khi lập đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi).