Đảm bảo tiêm vắc xin phòng Covid-19 an toàn
ĐBP - Trước những diễn biến phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiều địa phương trên cả nước trong đó có Điện Biên đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19. Cùng với thực hiện nghiêm 5K, đây được xem là vũ khí tối ưu nhất vào lúc này để chống lại sự lây lan của đại dịch. Tuy nhiên, những người được tiêm cũng cần lưu ý một số vấn đề để an toàn cho bản thân và đảm bảo hiệu quả của vắc xin mang lại.
Cán bộ y tế tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Điện Biên), tính đến ngày 3/8, trên địa bàn tỉnh đã triển khai được 5 đợt tiêm vắc xin phòng Covid-19 với 45.635 người được tiêm 1 mũi vắc xin, 9.056 người được tiêm đủ cả 2 mũi. Trong đó gồm 4 loại vắc xin chính: Astra Zeneca (36.160 mũi 1, 9.056 mũi 2); vắc xin Pfizer 2.327 mũi; vắc xin Moderna 7.148 mũi; vắc xin Vero Cell 7.579 mũi. Hiện các điểm tiêm chủng đang tiếp tục triển khai tiêm đợt thứ 6 với mục tiêu đặt ra đến ngày 14/8 sẽ có 9.490 người trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và 2 huyện: Điện Biên, Nậm Pồ được tiêm phòng vắc xin Covid-19 mũi 1. Trong đó tiêm vắc xin Moderna là 6.720 người, Pfizer (Comirnaty) là 2.370 người và Astra Zeneca là 400 người. Qua theo dõi và kiểm tra thực tế của cơ quan chuyên môn, các điểm tiêm chủng trong toàn tỉnh đều đảm bảo nghiêm ngặt các điều kiện an toàn, bao gồm thực hành tiêm và theo dõi, xử trí kịp thời các phản ứng bất lợi sau tiêm.
Vắc xin phòng Covid-19 bắt đầu được dùng rộng rãi từ cuối năm 2020 sau những thử nghiệm lâm sàng hết sức nghiêm ngặt và thực tế đã chứng minh sự an toàn của vắc xin và hiệu quả của chúng trước đại dịch. Tuy nhiên khi tiêm phòng vẫn có thể có những phản ứng khác nhau tùy thuộc vào cơ địa, thể trạng của từng người. Thực tế cho thấy qua 5 đợt triển khai tiêm vắc xin trên địa bàn tỉnh, nhiều trường hợp có phản ứng nhẹ sau tiêm, như: Sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ, đau đầu, sưng vết tiêm… Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Đức Tài, Phó khoa Bệnh Truyền nhiễm (CDC Điện Biên) cho biết: Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, người tham gia tiêm cần có sự chuẩn bị trước khi đi tiêm như tự đánh giá nguy cơ bản thân, đo thân nhiệt tại nhà, nếu có nguy cơ mắc Covid-19 cần xét nghiệm để đảm bảo không bị nhiễm virus. Nếu có bất cứ triệu chứng nào, như sốt hoặc triệu chứng nhiễm trùng, cần thông báo cho y tế và tạm dừng việc tiêm chủng. Ngoài ra, nếu là người mắc các bệnh lý nền cần điều trị ổn định trước khi đi tiêm chủng hoặc mang theo giấy khám sức khỏe để các bác sĩ tư vấn trước khi tiêm. Đồng thời, tải phần mềm khai báo y tế trên điện thoại, để đăng ký trước trên đó. Người tham gia tiêm chủng được khuyến cáo không nên sử dụng rượu, bia, chất kích thích trước khi tới các địa điểm tiêm. Khi đi nhớ tuân thủ theo giờ ghi trên giấy mời tránh phải chờ đợi lâu và hạn chế tập trung đông người. Tại thời điểm đi tiêm, người tham gia tiêm chủng cần thông báo đầy đủ cho y, bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bản thân, bao gồm tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng với bất cứ tác nhân nào. Với người tiêm mũi 2 cần thông báo những phản ứng của cơ thể với liều tiêm vắc xin phòng Covid-19 trước đó. Trong buổi tiêm, cần tuân thủ các quy định theo hướng dẫn của cán bộ y tế, đeo khẩu trang, tránh chạm vào các vị trí công cộng; cung cấp đầy đủ thông tin khi được yêu cầu và kiểm tra lại phiếu xác nhận tiêm chủng khi được trao lại.
Sau khi tiêm xong, cần ở lại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế tư vấn và theo dõi ít nhất 30 phút. Thông báo ngay cho cán bộ y tế nếu thấy có bất thường xảy ra với cơ thể. Khi về nhà, người được tiêm chủng cần theo dõi sức khỏe bản thân với sự hỗ trợ của người nhà ít nhất 2 ngày; không nên sử dụng bia, rượu, các chất kích thích ít nhất 3 ngày và hạn chế trong thời gian sau đó. Các phản ứng thông thường có thể gặp sau tiêm, như: Sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, đau nhức cơ bắp, ngứa, sưng đau tại chỗ tiêm. Người được tiêm chủng cần theo dõi thân nhiệt, cặp nhiệt độ khi sốt, sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng và theo dõi đáp ứng với thuốc hạ sốt. Nếu phát hiện bất thường về sức khỏe, phải báo ngay cho nhân viên y tế để được tư vấn và xử lý kịp thời. Các dấu hiệu nguy cơ bao gồm: Hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đau tức ngực, khó thở… hoặc khi có biểu hiện bất thường khác về sức khỏe, cần đến ngay cơ sở y tế.
Những lưu ý trước khi tiêm và thông tin về sức khỏe sau tiêm không chỉ đảm bảo an toàn sức khỏe cho người được tiêm chủng mà còn giúp đánh giá đúng về đặc điểm của vắc xin, góp phần hỗ trợ ngành Y tế kịp thời có những điều chỉnh cần thiết liên quan đến công tác tiêm chủng phòng ngừa Covid-19.