Đảm bảo tính khả thi của các quy định trong dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Chiều 12/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về một loạt dự án luật quan trọng, trong đó có dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tại Tổ 9, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân không chỉ mang ý nghĩa pháp lý mà còn là yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo quyền riêng tư, an toàn thông tin cho người dân và doanh nghiệp.

Cần đánh giá kỹ tính khả thi trong triển khai

Tham gia góp ý tại tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số, xây dựng xã hội số và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, ông cho rằng các quy định trong dự thảo cần được rà soát kỹ để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn, nhất là đối với khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại Tổ 9.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại Tổ 9.

Đáng chú ý, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ băn khoăn tại khoản 3 Điều 39 quy định về việc miễn trừ yêu cầu có chuyên gia bảo vệ dữ liệu cá nhân trong 5 năm đầu đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Ông Thanh cho rằng, đây là một ưu đãi thể hiện đúng tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, sau thời gian miễn trừ, việc bắt buộc doanh nghiệp phải có chuyên gia bảo vệ dữ liệu có thể tạo thêm gánh nặng về chi phí, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

"Trong khi mục tiêu của chúng ta là giảm chi phí vận hành cho doanh nghiệp, thì quy định này cần được cân nhắc lại để bảo đảm tính khả thi khi triển khai", Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Cũng tại phiên thảo luận, ông Vũ Hồng Thanh nêu ý kiến về quy định tại khoản 2 Điều 4 dự thảo, theo đó các tổ chức, doanh nghiệp vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân có thể bị xử phạt hành chính từ 1% đến 5% doanh thu năm liền trước. Ông đề nghị Ban soạn thảo cần tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế để có phương án xử lý phù hợp với thực tế Việt Nam, khi mà 94% doanh nghiệp hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) đề xuất làm rõ nguyên tắc xác định doanh thu - là doanh thu toàn cầu hay doanh thu tại Việt Nam - nhằm đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong áp dụng quy định xử phạt.

Bổ sung quy định về quyền của người dùng trong không gian mạng

Đề cập đến Điều 10 về sự đồng ý của chủ thể dữ liệu, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cho rằng dự thảo chưa làm rõ các trường hợp dữ liệu bị thu thập tự động qua nền tảng số, đặc biệt là các phần mềm theo dõi hành vi. Do đó, bà đề xuất bổ sung quy định yêu cầu bên kiểm soát dữ liệu phải cung cấp cơ chế minh bạch, cho phép người dùng dễ dàng quản lý, từ chối hoặc điều chỉnh sự đồng ý của mình.

Ngoài ra, đối với dữ liệu sinh trắc học tại Điều 35, nữ đại biểu cho rằng cần có quy định rõ ràng về mục đích sử dụng, thời gian lưu trữ và cơ chế phản hồi trong trường hợp có khiếu nại liên quan đến nhận diện khuôn mặt - một công nghệ đang được nhiều cơ quan, doanh nghiệp triển khai trên thực tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) đồng tình với việc làm rõ các khái niệm cốt lõi như “dữ liệu cá nhân cơ bản”, “dữ liệu nhạy cảm”, “dữ liệu phi cá nhân” trong dự thảo luật. Tuy nhiên, bà bày tỏ lo ngại về quy định tại Điều 15 yêu cầu mã hóa toàn bộ dữ liệu cá nhân nhạy cảm khi truyền tải qua mạng. Đại biểu cho rằng nên quy định dữ liệu này chỉ được mã hóa trong nội bộ tổ chức để tránh gây khó khăn trong vận hành và lưu thông thông tin.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị bổ sung cơ chế giám sát rõ ràng đối với hoạt động xử lý dữ liệu không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu. Riêng với quy định về việc cho phép thử nghiệm các công nghệ mới để lưu trữ, sử dụng, chia sẻ dữ liệu cá nhân, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề xuất cần nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm tránh rủi ro liên quan đến an toàn, an ninh mạng.

Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu đã cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Đa số đại biểu đồng tình với việc sửa đổi 47/98 điều, coi đây là bước cần thiết để thể chế hóa chủ trương tinh gọn bộ máy và phù hợp với Hiến pháp đang được sửa đổi, tạo cơ sở pháp lý cho cuộc bầu cử sớm của Quốc hội khóa XVI và HĐND nhiệm kỳ 2026-2031.

Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cùng các dự án luật liên quan đến tố tụng dân sự, hành chính, tư pháp người chưa thành niên, phá sản và hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Huy Tùng

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/dam-bao-tinh-kha-thi-cua-cac-quy-dinh-trong-du-thao-luat-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-727366.html