Đảm bảo tính khả thi đầu tư đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Cơ quan thẩm tra đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ lưỡng và làm rõ tính khả thi đối với dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Tại phiên họp diễn ra chiều nay, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo về chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Theo đó, dự án được đề xuất đầu tư, tổng chiều dài hơn 403km, qua 9 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất là hơn 2.600 ha; dân số tái định cư: hơn 19.000 người; giải phóng mặt bằng đoạn tuyến chính theo quy mô đường đôi, phân kỳ đầu tư trước mắt theo quy mô đường đơn.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay, Ủy ban thống nhất sự cần thiết đầu tư dự án. Tuy nhiên, đề nghị cần chủ động công nghệ, tránh phụ thuộc. Về hiệu quả của dự án, ông Thanh nêu theo tờ trình của Chính phủ, dự kiến trong 5 năm đầu tiên khai thác dự án, doanh thu dự kiến chỉ bù đắp chi phí vận hành, bảo trì, phương tiện. Nhà nước cần hỗ trợ sơ bộ khoảng 109,36 triệu USD trong 5 năm chi phí bảo trì kết cấu hạ tầng, từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế bố trí cho hệ thống đường sắt như bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia hiện nay.
Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá tổng thể hiệu quả của các dự án đường sắt dự kiến sẽ đầu tư và đánh giá kỹ lưỡng phương án tài chính, các tác động trong quá trình vận hành, khai thác của các dự án để giảm thiểu các rủi ro về sau.
Cũng trong chiều nay, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TP.HCM.
Tại tờ trình, Chính phủ cho biết, mặc dù Hà Nội và TP.HCM là hai thành phố lớn nhất cả nước, là những đầu tàu kinh tế, đã khởi công xây dựng đường sắt đô thị từ năm 2007, nhưng do tiến độ triển khai còn chậm nên không đáp ứng được nhu cầu vận tải. Nguyên nhân là do gặp vướng mắc về cơ chế, chính sách, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư, tổ chức thực hiện và việc huy động vốn. Do vậy Chính phủ đã đề xuất 6 nhóm cơ chế đặc thù, bao gồm: huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục đầu tư; phát triển đô thị theo mô hình TOD - phát triển theo định hướng giao thông công cộng; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách vật liệu xây dựng; các quy định áp dụng riêng cho TPHCM.
Thẩm tra Dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ, trong trường hợp giảm hoặc bổ sung thêm dự án so với Phụ lục danh mục dự án kèm theo Nghị quyết này, thì số vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để thực hiện dự án sẽ được xác định như thế nào, để tránh khoảng trống pháp lý trong quá trình triển khai, thực hiện.
Liên quan tới trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc chỉ định thầu các gói thầu thuộc dự án đường sắt đô thị là phù hợp.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: "Dự thảo Nghị quyết quy định các dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD được chỉ định thầu nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các dự án. Ủy ban Kinh tế cho rằng, đối với việc chỉ định thầu các gói thầu thuộc dự án đường sắt đô thị là phù hợp, do tính chất đặc biệt cần đẩy nhanh tiến độ của loại dự án này. Tuy nhiên, đối với các dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD đề nghị cân nhắc thực hiện công tác chỉ định thầu để bảo đảm tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả trong việc khai thác, phát triển khu vực TOD".
Theo lộ trình, sau khi được Quốc hội ban hành nghị quyết, năm 2025, TPHCM sẽ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để chấp thuận chủ trương đầu tư toàn bộ 7 tuyến. Công tác giải phóng mặt bằng sẽ được thực hiện từ năm 2026 - 2029. Các tuyến metro sẽ bắt đầu được khởi công vào năm 2027.
Theo đề án, TP. Hà Nội sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng 10 tuyến metro trong giai đoạn từ nay đến năm 2035 với tổng chiều dài khoảng 410km. Giai đoạn tiếp theo (2036 - 2045), TP Hà Nội sẽ đầu tư, hoàn thành đầu tư xây dựng thêm 5 tuyến khoảng hơn 200 km.