ĐẢM BẢO TÍNH LOGIC TRONG QUY ĐỊNH VỀ ĐÀO TẠO NGHỀ CÔNG CHỨNG
Cho rằng Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) lần này cần đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, phù hợp với thông lệ quốc tế, các đại biểu Quốc hội đề nghị phải rà soát kỹ, đảm bảo tính logic về vấn đề thời gian, cơ sở đào tạo nghề công chứng. Đặc biệt việc giảm thời gian đào tạo của một số đối tượng cần quy định cụ thể, phù hợp để phát huy hiệu quả triển khai trong thực tiễn.
Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua và sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới đây. Dự Luật được kỳ vọng sẽ thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoạt động công chứng; khắc phục các hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn; bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các luật mới được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới có liên quan đến hoạt động công chứng; tạo điều kiện để phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trong Dự thảo Luật, nội dung về đào tạo nghề công chứng được thiết kế tại Điều 9. Theo đó, dự thảo Luật quy định thời gian đào tạo nghề công chứng là 12 tháng, trừ những đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 9 thì được giảm ½ thời gian đào tạo (là 06 tháng). So với Luật Công chứng hiện hành, dự thảo Luật đã bỏ quy định một số đối tượng nhất định được miễn đào tạo nghề công chứng và phải tham dự khóa bồi dưỡng nghề công chứng 03 tháng.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, quy định của dự thảo Luật là phù hợp nhằm nâng cao chất lượng công chứng viên, tăng cường bảo đảm sự ổn định, an toàn của các hợp đồng, giao dịch có quy mô ngày càng lớn, diễn ra thường xuyên và phức tạp hơn trong đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá tác động đối với việc xác định nhóm đối tượng được đào tạo nghề công chứng 06 tháng để vừa đáp ứng nhu cầu được hành nghề công chứng của những đối tượng này, phù hợp với năng lực, kinh nghiệm mà họ đã tích lũy được nhưng vẫn phải bảo đảm nâng cao chất lượng của đội ngũ công chứng viên.
Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Lê Nhật Thành – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội chỉ rõ, dự thảo Luật đã sửa đổi quy định về việc miễn đào tạo nghề công chứng và tham dự khóa bồi dưỡng 6 tháng đối với một số đối tượng là người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên điều tra viên từ 5 năm trở lên, Luật sư đã hành nghề từ 5 năm trở lên, Giáo sư, Phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật, người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật. Trong khi đó, Luật Công chứng hiện hành quy định những đối tượng này phải tham gia 1 khóa đào tạo nghề với thời gian là 6 tháng, tức là giảm thời gian một nửa thời gian đào tạo. Đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ sự cần thiết phải có sự thay đổi này để đảm bảo tính logic theo hướng: Việc miễn đào tạo nghề công chứng với những đối tượng trên trong thời gian qua có gặp phải những khó khăn, vướng mắc hay phát sinh những tiêu cực gì hay không mà đặt ra vấn đề phải cần thiết phải thay đổi?
Liên quan đến quy định đào tạo nghề công chứng tại Điều 9, đại biểu Nguyễn Thị Yến – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm đối tượng được giảm một phần hai thời gian đào tạo nghề công chứng vào khoản 3 Điều 9 như sau: "Người đã có thời gian từ đủ năm năm trở lên làm công tác quản lý bổ trợ tư pháp tại Sở Tư pháp". Đại biểu cho rằng, đối tượng này có trình độ, kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động quản lý công chứng và am hiểu về hoạt động công chứng. Do đó bổ sung đối tượng này được tham gia đào tạo nghề công chứng là phù hợp, bổ sung nguồn đào tạo để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay cũng như thời gian tới.
Cùng đưa ra quan điểm hoàn thiện quy định về những trường hợp giảm thời gian đào tạo nghề công chứng, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung thêm 1 trường hợp được giảm thời gian đào tạo, đó là chức danh pháp chế viên chính. Đại biểu phân tích, Chính phủ mới ban hành Nghị định 56/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 55 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. Trong đó có quy định 3 chức danh của pháp chế, đó là pháp chế viên, pháp chế viên chính và pháp chế viên cao cấp. Do đó, đề nghị bổ sung thêm trường hợp pháp chế viên chính vào trường hợp được giảm thời gian đào tạo nghề công chứng.
Đóng góp ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thanh Phong – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long đề nghị cân nhắc bổ sung quy định về cơ chế đào tạo nghề công chứng và quy định về sự tham gia của cơ sở đào tạo nghề vào cơ sở đánh giá kết quả quá trình tập sự hành nghề để cấp chứng chỉ hành nghề nhằm kiểm soát chặt chẽ quá trình tập sự hành nghề và nâng cao chất lượng đầu vào của công chứng viên. Đồng thời, trao quyền cho cơ sở đào tạo tổ chức thi tuyển để chọn lựa người học phù hợp.
Quan tâm đến vấn đề về cơ sở đào tạo, đại biểu Nguyễn Thanh Sang – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh cho biết tại khoản 4 Điều 9 có quy định Học viện Tư pháp là nơi đào tạo nghề công chứng. Đại biểu cho rằng những cơ sở nào đáp ứng đầy đủ điều kiện, nhu cầu đều được đào tạo nghề công chứng, tránh tình trạng quy định như một sự độc quyền. Ví dụ Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Luật Hà Nội là những cơ sở đào tạo có danh tiếng, có đầy đủ cơ sở vật chất cũng như trình độ thì cũng được đào tạo nghề công chứng chứ không cứ phải là Học viện Tư pháp.
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Kim Nhung – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nêu rõ chúng ta đang có chủ trương xã hội hóa đào tạo phổ thông, đào tạo mầm non và sẽ còn xã hội hóa rất nhiều. Vậy tại sao đào tạo đối với hành nghề công chứng này lại không thể hiện xã hội hóa hay có sự tham gia của xã hội mà vẫn giữ quy định hiện hành là Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết về chương trình đào tạo công chứng. Và về cơ sở đào tạo, dự thảo Luật khẳng định rất rõ rằng cơ sở đào tạo nghề công chứng là Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp, tức là chúng ta khẳng định luôn một đơn vị sự nghiệp công của Bộ Tư pháp đào tạo nghề này. Điều này đồng nghĩa với việc không có một tổ chức, một cơ sở nào khác có đủ điều kiện nguồn lực để tham gia đào tạo nghề này. Đại biểu đề nghị cần giải trình rõ lý do vì sao quy định như vậy và phải có đánh giá tác động kỹ lưỡng; đồng thời phải hướng đến sự công bằng giữa người học và đơn vị đào tạo. Đại biểu băn khoăn, tại sao chúng ta không đặt ra vấn đề xã hội hóa để nâng cao chất lượng đào tạo ngành nghề này.
Tán thành với quan điểm nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc thể hiện lại quy định tại khoản 4 Điều 9 của dự thảo luật về cơ sở đào tạo. Đại biểu cho rằng, nên kế thừa quy định tại khoản 3 Điều 9 của Luật Công chứng năm 2014. Theo đó Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết về cơ sở đào tạo nghề công chứng, chương trình khung đào tạo nghề công chứng và việc công nhận tương đương đối với những người được đào tạo nghề công chứng ở nước ngoài. Quy định này bảo đảm được sự phù hợp của hoạt động đào tạo nghề công chứng với sự phát triển của ngành công chứng và nhu cầu của người học cũng vừa tránh được tình trạng độc quyền trong đào tạo, bồi dưỡng chức danh công chứng viên.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=88474