Đảm bảo tốt bữa ăn cho bộ đội và người cách ly
Với mức tiền ăn bộ binh theo quy định, trước sự biến đổi leo thang của giá cả thị trường hiện nay, nhất là giá thịt lợn... việc bảo đảm bữa ăn ngon cho bộ đội đã và đang là bài toán khó đặt ra cho những người nuôi quân nói chung.
Song với phương châm: “Chủ động vượt khó, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ”, trong khi dịch Covid-19, hạn mặn đang hoành hành, các đơn vị vẫn đảm bảo tốt thực phẩm cho bộ đội và người dân nơi cách ly.
Toàn quân bảo đảm đời sống bộ đội trong phòng chống dịch Covid-19
Bảo đảm đời sống bộ đội trong phòng chống dịch Covid-19, ngành Hậu cần các quân khu, quân đoàn, quân, binh chủng đã chỉ đạo các đơn vị trong lực lượng chủ động khắc phục mọi khó khăn, tích cực cải tiến, chế biến món ăn cho bộ đội vừa bảo đảm định lượng, chất lượng, đủ khoáng chất cần thiết, có khả năng tăng sức đề kháng trong phòng chống dịch bệnh.
Để bữa ăn của bộ đội được đầy đủ định lượng, khoáng chất cần thiết, có khả năng tăng sức đề kháng trong phòng chống dịch bệnh, các đơn vị đã chủ động tạo nguồn lương thực, thực phẩm có chất lượng tốt, giá trị dinh dưỡng cao. Thường xuyên thay đổi tạo sự đa dạng trong các món ăn kết hợp với điều chỉnh thực đơn, cơ cấu bữa ăn để bộ đội ăn ngon, ăn hết tiêu chuẩn.
Bữa chính thường xuyên có ít nhất 3 món thức ăn giàu chất đạm, định lượng cân đối phù hợp với mức tiền ăn, điều kiện thời tiết khí hậu và cường độ hoạt động của bộ đội. Đối với thực phẩm thịt lợn, đơn vị đặt mua tại các cơ sở kinh doanh có uy tín và không nằm trong vùng dịch được kiểm dịch rõ nguồn gốc xuất xứ và đầy đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện nghiêm “10 điều quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong quân đội” và chế độ kiểm thực 3 bước; lưu nghiệm thức ăn từng bữa trong ngày theo quy định.
Đến các đơn vị trong thời điểm dịch, ngoài khuôn viên xanh với những hàng cây cảnh được cắt tỉa chu đáo, các bồn hoa đủ màu rực rỡ, ấn tượng nhất là khu tăng gia, chăn nuôi được quy hoạch cẩn thận với đủ loại rau, quả. Lợn rừng, lợn ta, ngan, ngỗng dạo tung tăng trên sân. Bước vào vườn, hiện lên một màu xanh mướt của nhiều loại rau như rau đay, mồng tơi, rau dền, bầu, bí...
Với cán bộ, chiến sĩ, tăng gia, chăn nuôi vừa là nhiệm vụ, vừa là niềm vui. Để có những sản phẩm đó, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã phải đổ bao mồ hôi, công sức cải tạo những vùng đất khô cằn nhất.
Có thể thấy, trên đỉnh núi Thới Lới (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) khô cằn, chỉ có đá và bốn mùa gió biển, những người lính hải quân ở Trạm Radar 550, Trung đoàn 351, Vùng 3 Hải quân đã bỏ ra rất nhiều công sức, đãi đá lấy đất, gom từng xẻng từ nhiều nơi để về đổ vào vườn.
Không có nước ngầm, nguồn nước duy nhất là mấy chiếc bể trữ nước mưa. Tất cả nước sinh hoạt, tắm giặt, nấu ăn đều được gom lại xử lý tận dụng tăng gia không để lãng phí giọt nào. Nhờ những nỗ lực, năm 2019, kết quả tăng gia của đơn vị đạt 1.800.000 đồng/người/năm.
Phủ xanh vùng đất hạn mặn, đảm bảo thực phẩm cho bộ đội và người cách ly
6 tháng qua, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận không có một giọt mưa. Các hồ nước chứa phục vụ trồng trọt, chăn nuôi lần lượt trơ đáy. Không để bộ đội thiếu nước sinh hoạt và nước tưới phục vụ tăng gia sản xuất (TGSX), chăn nuôi, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Thuận đã chủ động tích nước ở hồ, đập và sử dụng nước tiết kiệm, nâng cao chất lượng bữa ăn cho bộ đội.
Hiện lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Bình Thuận có 24 khu TGSX, chăn nuôi tập trung, với diện tích 1.247ha. Tuy nhiên, đa phần là đất xấu, bạc màu, chủ yếu là cát trắng. Với sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ, các đơn vị đã trồng trọt rau, củ, quả gần 21 nghìn m2, chăn nuôi 198 con bò, gần 200 con dê, 654 con heo và hơn 3.500 con gia cầm.
Trong TGSX, chăn nuôi, các đơn vị áp dụng khoa học kỹ thuật, kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố về hiệu quả, an toàn, bền vững, thẩm mỹ, môi trường và gắn với xây dựng đơn vị chính quy, xanh, sạch, đẹp. Để có khu TGSX như hôm nay, cán bộ, chiến sĩ đã không quản vất vả, khó khăn, đồng lòng cải tạo đất, thử nghiệm, lựa chọn cây trồng phù hợp, đem lại hiệu quả cao.
Cán bộ, chiến sĩ đã vận chuyển đất xốp từ nơi khác mang về thay lớp đất bạc màu pha cát, ủ phân xanh làm giàu dinh dưỡng cho đất. Qua thử nghiệm nhiều năm, những bãi đất cao cằn cỗi được cải tạo thành vườn rau xanh, tươi tốt. Do trồng xen canh gối vụ và lựa chọn cây trồng phù hợp nên các đơn vị luôn tự túc 100% rau xanh quanh năm.
Với nhiều cách làm hay và sự cần cù, siêng năng của bộ đội, những tháng qua, LLVT tỉnh Bình Thuận vẫn duy trì được 15kg rau, củ, quả 1 người, 1 tháng. Tất cả các đơn vị tự túc được 100% rau xanh, trên 50% thịt, 100% nước mắm, góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn cho bộ đội và bảo đảm tốt cho người đến lưu trú cách ly phòng chống dịch Covid-19 tại Trung đoàn 812 và Trường Quân sự tỉnh.
Dù trời hạn hán, đất đai khô khốc, những ngày qua, bữa ăn hằng ngày của người dân trong khu cách ly tại Trung đoàn 812 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Thuận) luôn có đầy đủ thịt, cá, rau xanh, trái cây tráng miệng. Một khối lượng lớn trong đó là sản phẩm TGSX của cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị.
Từ đầu dịch đến giờ, Trung đoàn đã thu hoạch gần 10 tấn rau xanh, hơn 1 tấn thịt, cá và hàng tạ trái cây: Xoài, chuối, mít... đưa vào bữa ăn hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ và người cách ly tại Trung đoàn.
Thượng úy, quân nhân chuyên nghiệp Lê Văn Trường, Bếp trưởng Bếp ăn Trung đoàn 812 cho biết, căn cứ số người ăn, mỗi ngày chúng tôi thu hoạch từ 70-80kg rau, củ, quả. Theo hướng dẫn của bác sĩ, mỗi bữa ăn đơn vị làm 4-6 món, gồm rau, canh, cá, thịt, đậu... Các món chế biến được lưu mẫu cẩn thận.
Tại Trường Quân sự tỉnh Bình Thuận, nơi có 41 người dân đang cách ly tập trung, khẩu phần ăn hằng ngày cũng được sử dụng chính sản phẩm TGSX của bộ đội. Nhà trường có hơn 2.000m2 trồng rau xanh, mía và có mô hình nuôi lợn rừng, dê, bò... rất hiệu quả.
Ngoài ra, các đơn vị còn xây dựng nhiều mô hình hiệu quả như trồng thanh long, làm nước mắm...; cung cấp nước ngọt cho 7.600 nhân khẩu trên địa bàn tỉnh tại những thời điểm hạn hán.