Đảm bảo trật tự an toàn giao thông gắn liền với phát triển kết cấu hạ tầng
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết, công tác đảm bảo TTATGT gắn liền với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông những năm qua được nâng cao.
Đầu tư hạ tầng, kéo giảm tai nạn giao thông
Phát biểu tại Hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới ngày 6/7, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Xuân Sang cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATGT và xây dựng hạ tầng đảm bảo TTATGT, Bộ GTVT đã phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng hoàn thiện trình Quốc hội Dự thảo Luật Đường bộ, phối hợp với Bộ Công an xây dựng và trình Dự thảo Luật TTATGT đường bộ và chỉ đạo tổng kết các luật chuyên ngành GTVT.
Đến nay, cơ bản hoàn thiện thể chế, chính sách nhà nước về kinh doanh vận tải, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, tăng tính cạnh tranh.
Bộ GTVT cũng thường xuyên tăng cường công tác phối hợp liên ngành, tăng cường kiểm tra bảo vệ ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông, rà soát khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 13 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chỉ thị số 18 của Ban bí thư, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai loạt giải pháp huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường và góp phần kéo giảm TNGT.
Đến nay, đã đưa vào vận hành khai thác 1.729km đường bộ cao tốc, hoàn thành nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, nhiều công trình cầu lớn vượt sông.
Về đường sắt đã tập trung cải tạo nâng cấp 1 số công trình khẩn cấp thiết yếu, đưa vào khai thác hiệu quả tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và tới đây sẽ đưa vào khai thác tuyến Bến Thành - Suối Tiên, Nhổn - Ga Hà Nội.
Về hàng không, đã cải tạo nâng cấp 6 sân bay quốc tế, trong khi đó, ở lĩnh vực đường thủy nội địa đã xây dựng một số cảng đầu mối, bến cảng hàng hóa ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng, nâng cấp các tuyến đường thủy phía Nam từ TP.HCM đi Cà Mau, Kiên Lương, hành lang đường thủy từ Quảng Ninh đến Việt Trì, từ Lạch Giang đến Hà Nội.
Về hàng hải đã cải tạo nâng cấp luồng sông Hồng, đầu tư các khu bến cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Lạch Huyện, đưa công suất thiết kế của hệ thống lên trên 750 triệu tấn/năm.
“Được sự quan tâm của Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia, công tác đảm bảo TTATGT gắn liền với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được nâng cao, góp phần kéo giảm TNGT trong các năm qua”, thứ trưởng nhấn mạnh.
10 giải pháp đảm bảo TTATGT trong năm tới
Theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, triển khai Chỉ thị 23 của Ban Bí thư, cần chú trọng thực hiện 10 giải pháp chủ yếu.
Thứ nhất, nghiêm túc quán triệt mục tiêu yêu cầu và các nhiệm vụ, giải pháp của Chỉ thị 23 đồng thời, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện đến tất cả các tổ chức Đảng, đảng viên, viên chức, nhất là người đứng đầu; Lập kế hoạch triển khai Chỉ thị 23 gắn với chức năng nhiệm vụ của Bộ GTVT, yêu cầu các cơ quan đơn vị trực thuộc khẩn trương cập nhật, bổ sung thực hiện kế hoạch công tác, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân.
Thứ hai, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về tất cả các lĩnh vực GTVT, trước tiên là Luật Đường bộ và Luật TTATGT đường bộ, xây dựng cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ phạm vi quản lý nhà nước của Bộ với chính quyền địa phương, giữa trách nhiệm tập thể với trách nhiệm cá nhân, khắc phục tình trạng chồng chéo.
Thứ ba, tập trung ưu tiên thực hiện các mục tiêu quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cụ thể, đến năm 2030 có 26 tuyến đường bộ cao tốc, 173 tuyến quốc lộ, tập trung hoàn thiện kết nối đường bộ với các cảng biển, các tuyến đường thủy nội địa, cảng hàng không, các cửa khẩu quốc tế chính.
Về đường sắt, đầu tư bổ sung 9 tuyến đường sắt. Về đường thủy nội địa, đầu tư 55 tuyến vận tải thủy nội địa, 60 cụm cảng hàng hóa, 27 cụm cảng hành khách, phát triển đồng bộ luồng tuyến và cảng bến vận tải công-te-nơ kết nối với hệ thống cảng biển.
Về hàng không, đến năm 2030, quy hoạch 30 cảng hàng không bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế, 16 cảng hàng không quốc nội, tổng công suất thiết kế dự kiến 294,5 triệu hành khách/năm.
Về hàng hải, đến năm 2030 quy hoạch 5 nhóm cảng biển với 36 cảng biển lượng hàng hóa thông qua đến 1,4 tỷ tấn.
Thứ tư, huy động tối đa sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tổ chức thực hiện đột phá về chiến lược xây dựng kết cấu hạ tầng và tăng cường công tác bảo trì, khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT.
Thứ năm, tăng cường cải cách thủ tục hành chính.
Thứ sáu, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước về đảm bảo TTATGT.
Thứ bảy, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giao thông.
Thứ tám, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu quả hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra.
Thứ chín, tăng cường phòng chống tham nhũng tiêu cực, thực hành tiết kiệm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Cuối cùng là tăng cường sự phối hợp của Bộ GTVT với các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng các văn bản pháp luật, chỉ đạo điều hành, phối hợp thanh tra, kiểm tra và các mặt công tác khác.