Đảm bảo truy xuất nguồn gốc thực phẩm: Tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng
An toàn thực phẩm có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống của người dân mà còn có tác động lớn tới phát triển kinh tế, thương mại, an sinh xã hội. Việc kiểm soát chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm, minh bạch, đảm bảo truy xuất nguồn gốc thực phẩm là vấn đề trọng tâm trong hoạt động của các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp
Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường liên tiếp phát hiện, xử lý các vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm. Ông Thân Đức Công, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng Cục Quản lý thị trường cho rằng, hàng giả vẫn luôn tiềm ẩn và có những diễn biến phức tạp trong giai đoạn hiện nay, lĩnh vực thực phẩm cũng không ngoại lệ.
“Trong 1 năm kiểm tra và xử lý trên 7.000 vụ về an toàn thực phẩm, từ những cái nhỏ nhất như hộp sữa cho đến bánh kẹo, bia nhập lậu. Thậm chí từ củ khoai tây, người ta nhập về rồi gắn nhãn mác của Việt Nam, kể cả hoa quả, các đối tượng cũng làm những việc như vậy. 6 tháng đầu năm 2024, kết quả xử phạt vi phạm hành chính, kể cả truyền thống và sàn thương mại điện tử rất lớn. Số vụ kiểm tra trên 6.000 vụ và số vụ xử phạt gần 5.000 vụ. Lực lượng quản lý thị trường bên cạnh xử phạt hành chính thì tiêu hủy tang vật vi phạm, tất nhiên, tùy theo từng loại mà trong chế tài quy định, có thể tịch thu hay buộc tiêu hủy” - ông Thân Đức Công nói.
Với thu nhập ngày càng cao, nhu cầu đầu tư cho sức khỏe của người tiêu dùng tăng nhanh, người tiêu dùng sẵn sàng trả chi phí cao hơn để có được những sản phẩm thực phẩm chất lượng, tốt cho sức khỏe.
Bà Nguyễn Thị Mai Phương, Giám đốc Thương mại ngành hàng, Tập đoàn Central Retail (quản lý hệ thống siêu thị GO! BigC, Top Market) cho biết, kể từ sau đại dịch Covid-19, khách hàng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến yếu tố sức khỏe và chất lượng thực phẩm. Thậm chí, khách hàng muốn được truy xuất nguồn gốc chất lượng cũng như tính minh bạch của chất lượng thực phẩm….
“Người tiêu dùng muốn được biết về chất lượng sản phẩm, về tính minh bạch của chất lượng đến đâu, không thể nói sản phẩm là VietGap hay GlobalGap mà thông tin lại thiếu. Nhiều khi truy xuất bằng QR thì thông tin không hiển thị hoặc truy xuất bằng QR sẽ có sự khác nhau giữa các doanh nghiệp. Ví dụ có những doanh nghiệp khi truy xuất điện thoại thì đường link chỉ dẫn đến tên doanh nghiệp nhưng có những doanh nghiệp khi chúng ta truy xuất QR thì sẽ thấy doanh nghiệp muốn chứng minh cho khách hàng sản phẩm có chất lượng” - Bà Nguyễn Thị Mai Phương nói.
Hiện nay, hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ với tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ, đạt 11,8%/năm. Hàng hóa trong các hệ thống bán lẻ hiện đại đa số được kiểm soát về chất lượng, mẫu mã và giá cả. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã hình thành các chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn; quảng bá nông sản, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, gắn với thị trường và theo chuỗi giá trị.
Để bảo đảm tính minh bạch trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai xây dựng hệ thống phân phối xanh, áp dụng nguyên lý kinh tế tuần hoàn; chuyển đổi và phát triển các chợ đầu mối trở thành các trung tâm logistics theo hướng đáp ứng cho hệ thống phân phối thực phẩm, lương thực minh bạch, bền vững. Đồng thời tập trung đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp nâng cao nhận thức để có thể truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm và ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực này.
“Chúng ta cũng phải đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng khoa học công nghệ để tìm ra được những giải pháp khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào việc xây dựng mô hình phân phối xanh, làm sao để phòng ngừa được những việc trục lợi hoặc gian lận thương mại, ngăn chặn hàng hóa ảnh hưởng sức khỏe của người dân tới môi trường” - bà Lê Việt Nga nói.
Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin giữa đơn vị chức năng, tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều phương thức khác nhau đến người tiêu dùng về an toàn thực phẩm.