Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 đang đến gần, nhu cầu về thực phẩm của người dân tăng cao. Thời điểm này các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn chuẩn bị lượng hàng hóa rất lớn bán ra thị trường. Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đang được các cấp, ngành địa phương đặc biệt chú trọng.

 Người dân thị trấn Chợ Rã (Ba Bể) ký cam kết đảm bảo vệ sinh ATTP với cơ quan chuyên môn.

Người dân thị trấn Chợ Rã (Ba Bể) ký cam kết đảm bảo vệ sinh ATTP với cơ quan chuyên môn.

Dịp cuối năm là thời điểm lượng du khách đến tỉnh tăng, nhất là tại khu du lịch hồ Ba Bể. Đồng thời, đây cũng là thời điểm thường diễn ra nhiều cuộc liên hoan, gặp mặt; tổ chức ăn, uống giao lưu tập thể nhân tổng kết cơ quan, đơn vị, tổ chức tiệc tất niên, khai xuân lễ hội, làm gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Nắm rõ thực trạng đó, Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Kạn đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội xuân năm 2024.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện toàn tỉnh Bắc Kạn có 4.080 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể. Trong đó, vừa sản xuất, vừa kinh doanh thực phẩm là 528 cơ sở; kinh doanh thực phẩm 1.777 cơ sở; kinh doanh dịch vụ ăn uống 883 cơ sở; kinh doanh thức ăn đường phố 892 cơ sở.

Ông Nguyễn Thanh Cao, Trưởng phòng An toàn thực phẩm (Sở Y tế) cho biết: Để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội xuân 2024, các đoàn liên ngành của tỉnh đã triển khai các đợt thanh tra, kiểm tra, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng. Trong đó, tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết như: Các sản phẩm từ thịt; bia, rượu, nước giải khát; bánh, kẹo; rau, củ, quả; phụ gia thực phẩm. Kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý các vi phạm về vệ sinh ATTP, kiểm soát không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc rượu do methanol.

Chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhằm tăng cường, kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm, hướng tới mục tiêu an toàn, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua đường thực phẩm đã được triển khai.

Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội. Công tác truyền thông được yêu cầu đẩy mạnh dưới nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng.

Chị Đàm Quỳnh Mai, chủ homestay Quỳnh Mai, thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu (Ba Bể) chia sẻ: "Để bảo đảm an toàn thực phẩm, trước đó gia đình tôi đã được cơ quan chuyên môn đến kiểm tra, tuyên truyền và được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về ATTP để nâng cao kiến thức. Qua đó chúng tôi có thêm kiến thức để lựa chọn nguồn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, rõ ràng, hoàn thiện hồ sơ, hợp đồng cung cấp thực phẩm"...

Nhằm bảo đảm ATTP, ngành chức năng khuyến cáo mỗi người tiêu dùng hãy là một giám sát viên, đấu tranh với các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Không nên lạm dụng rượu, bia trong các bữa tiệc liên hoan dịp trước, trong, sau tết và lễ hội; không sử dụng rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; không ăn và chế biến các sản phẩm đã ôi thiu, ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, gia đình, để tất cả mọi người cùng đón năm mới vui tươi, trọn vẹn./.

Lý Dũng - Hoàng Chúc

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/dam-bao-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-dip-tet-nguyen-dan-post59032.html