Đảm bảo vệ sinh môi trường tại các cơ sở y tế

Môi trường trong các cơ sở y tế là môi trường đặc thù, tiềm ẩn cao nguy cơ phát sinh mầm bệnh, do vậy, việc đảm bảo vệ sinh môi trường (VSMT) tại các cơ sở y tế đóng vai trò quan trọng, được pháp luật quy định. Để duy trì môi trường sạch sẽ, đảm bảo an toàn cho người dân khi đến khám, chữa bệnh, bên cạnh việc quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phối hợp với đơn vị liên quan xử lý triệt để lượng chất thải phát sinh, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về vấn đề này.

Hệ thống xử lý chất thải y tế tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên được đầu tư theo công nghệ hiện đại, giúp xử lý triệt để một phần chất thải phát sinh

Hệ thống xử lý chất thải y tế tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên được đầu tư theo công nghệ hiện đại, giúp xử lý triệt để một phần chất thải phát sinh

Theo thống kê từ các bệnh viện tuyến tỉnh, tổng lượng chất thải y tế phát sinh mỗi ngày tại các bệnh viện trung bình từ 15 - 20 tấn; trong đó, bình quân 1 người bệnh thải ra từ 0,4 - 0,7 kg rác thải và 10 - 20 lít nước thải/ngày.

Mặt khác, trong rác thải y tế có nhiều tạp chất khó phân hủy, gây nguy hại tới môi trường như: Sắt nhọn, ống nhựa, túi nilon... Dự tính, khối lượng những tạp chất này chiếm tới 1/3 tổng lượng rác thải y tế trên địa bàn tỉnh.

Với quy mô 200 giường bệnh, trung bình mỗi ngày, Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên phát sinh khoảng 15m3 nước thải, 70 kg chất thải y tế thông thường và 15 kg chất thải y tế nguy hại.

Ông Nguyễn Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Môi trường trong bệnh viện được phân thành 3 loại: Môi trường bề mặt, môi trường không khí và môi trường nước.

Trong đó, môi trường bề mặt bao gồm các bề mặt xung quanh người bệnh như: Sàn, tường, trần nhà và các thiết bị chăm sóc người bệnh; nếu để ô nhiễm, đây sẽ là nguyên nhân chính lây lan mầm bệnh.

Để đảm bảo VSMT tại đơn vị, đối với rác thải sinh hoạt, trung tâm đã ký hợp đồng với HTX môi trường thị trấn Hương Canh thực hiện việc thu gom, xử lý; với chất thải y tế, sau khi thu gom, trung tâm ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) để xử lý triệt để.

Vừa qua, trung tâm được UBND tỉnh phê duyệt dự án Đầu tư thí điểm áp dụng công nghệ mới trong xử lý chất thải y tế. Dự kiến sau khi dự án đi vào hoạt động, trung tâm sẽ chủ động hơn trong việc xử lý chất thải của đơn vị, hạn chế thời gian bảo quản chất thải y tế chờ đơn vị xử lý.

Là cơ sở y tế duy nhất trên địa bàn tỉnh được đầu tư hệ thống xử lý chất thải từ nguồn vốn ODA, sau 4 năm đi vào hoạt động, hệ thống xử lý chất thải y tế theo công nghệ vi sinh AAO, màng bọc MBR tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên đã trở thành công cụ đắc lực, giúp bệnh viện xử lý triệt để một phần chất thải y tế.

Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, trung bình mỗi ngày, tổng lượng chất thải rắn phát sinh tại bệnh viện khoảng 250 kg, lượng nước thải phát sinh gần 200 m3.

Ông Lê Anh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Để đảm bảo môi trường an toàn cho người dân khi đến thăm, khám, chữa bệnh, bệnh viện quy định tất cả cán bộ, nhân viên phải nắm được quy trình phân loại chất thải y tế, có trách nhiệm hướng dẫn, nhắc nhở bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cách phân loại chất thải y tế, nâng cao ý thức giữ gìn VSMT trong bệnh viện.

Chất thải y tế dạng rắn sau khi được phân loại sẽ được chia thành 2 nhóm là các vật thể kim loại và phi kim loại. Chất thải y tế thuộc nhóm phi kim loại sẽ được đưa vào hệ thống xử lý tại bệnh viện theo quy trình hấp ướt, cắt nhỏ sau đó nghiền bằng 1/3 thể tích ban đầu.

Công nghệ này sử dụng các chế phẩm vi sinh, bùn hoạt tính để xử lý nước thải, an toàn với người vận hành, đảm bảo thân thiện với môi trường vì không sử dụng hóa chất độc hại. Đối với chất thải y tế thuộc nhóm kim loại hoặc các vật thể sắc nhọn, bệnh viện ký hợp đồng với Công ty cổ phần Môi trường và Đô thị Bắc Sơn (Hà Nội) để xử lý triệt để.

Tìm hiểu tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cho thấy, lượng chất thải y tế có xu hướng ngày một tăng qua các năm, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp; trong khi đó, 100% các đơn vị đều chưa có khả năng tự xử lý chất thải y tế triệt để, phải ký hợp đồng xử lý chất thải với doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực này, dẫn đến thiếu tính chủ động.

Bên cạnh đó, việc phân loại chất thải y tế tại các đơn vị hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn do lực lượng cán bộ, nhân viên y tế có hạn, nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân chưa nắm được quy trình phân loại rác thải, sau khi sử dụng găng tay, bông băng... vứt chung vào thùng rác thông thường.

Mặt khác, khả năng quản lý, vận hành hệ thống xử lý chất thải của phần lớn cán bộ, nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh còn hạn chế do chưa được tiếp cận với công nghệ.

Để đảm bảo VSMT trong các cơ sở y tế, thời gian tới, bên cạnh việc đề xuất tỉnh quan tâm, đầu tư hệ thống xử lý chất thải, các cơ sở y tế cần chủ động đào tạo, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, nhân viên phụ trách chuyên môn liên quan đến vấn đề này; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phân loại rác thải y tế.

Bài, ảnh: Hoàng Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/72521/dam-bao-ve-sinh-moi-truong-tai-cac-co-so-y-te.html