Đắm chìm vào công nghệ, chúng ta đang lãng quên sách?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng hiện nay giới trẻ tiếp nhận thông tin một cách nhanh, tiện lợi qua công nghệ; nhưng điều đó không có nghĩa sách mất đi vị thế.
Chiều 1/5, trong khuôn khổ Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 (đang diễn ra tại trang book365.vn), nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã có buổi giao lưu với bạn đọc qua mạng Internet.
Không chỉ là người cầm bút, tác giả Sự mất ngủ của lửa còn là một nhà quản lý xuất bản với cương vị Giám đốc kiêm Tổng biên tập nhà xuất bản (NXB) Hội nhà văn. Ông có những chia sẻ về công tác làm sách, vai trò của sách trong đời sống.
'Quan trọng là thái độ của người dân với sách'
Tại tọa đàm, trả lời câu hỏi về vai trò của các nhà xuất bản trong thị trường sách ngày nay, Nguyễn Quang Thiều nói mỗi đơn vị tham gia thị trường sách có một thế mạnh riêng.
Các NXB có thể lựa chọn sách hay, tìm kiếm, phát hiện nguồn sách tốt, nhưng không mạnh về hệ thống kinh doanh, phát hành. Trong khi đó, các công ty tư nhân lại giỏi về thị trường, am hiểu và có nhiều phương pháp tốt đưa sách tới bạn đọc, tìm và đáp ứng nhu cầu bạn đọc.
Chính sách mở cửa đã sinh ra hình thức liên kết, ở đó, những người biên tập được cấp chứng chỉ và những người phát hành giỏi về thị trường có thể hợp tác cùng nhau.
Một bên là đơn vị kinh doanh được Nhà nước cấp phép, còn một bên có thể kiểm chứng nội dung, được quyền biên tập, ký cho phép cuốn sách xuất bản… “Đây là sự kết hợp cần thiết trong đời sống. Cách làm này rất hay, khiến bộ mặt, cục diện xuất bản thay đổi”, ông Thiều nói.
Theo Giám đốc NXB Hội nhà văn, nếu có nhà xuất bản tư nhân thì khi ấy vẫn cần những người kiểm định xem sách đó chất lượng ra sao, xuất bản thì có lợi hay không…
Tháng 2 vừa qua, Nguyễn Quang Thiều cùng đoàn công tác Việt Nam tham dự Hội sách La Habana, Cuba. Khi được hỏi về hội chợ sách lớn nhất khu vực Mỹ Latin, Nguyễn Quang Thiều nói người Cuba đang trân trọng, gìn giữ sách rất tốt.
“Nói ra điều này có thể các bạn sẽ buồn hay tự ái, nhưng có lẽ người Cuba cần sách hơn chúng ta. Ngày nay, đời sống của chúng ta đã được cải thiện gấp nhiều lần trước đây, chúng ta có mọi điều kiện giải trí, nhưng nhiều người lãng quên sách vở”, Nguyễn Quang Thiều nói.
Ông bảo sở dĩ mình nhận định vậy không phải vì quy mô hội sách La Habana lớn hơn, tổ chức trong thời gian lâu hơn các hội sách của Việt Nam. "Làm hội chợ sách với gian hàng rộng bao nhiêu, lượng đơn vị tham gia nhiều như thế nào, chương trình hay ra sao… chúng ta đều có thể thực hiện. Điều quan trọng là thái độ của người dân với sách", Nguyễn Quang Thiều nói.
Từng du học tại Cuba trong nhiều năm, khi quay lại nơi đây, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã đi thăm thú nhiều nơi, gặp bạn bè cũ, những người Việt đang làm việc ở đó. Ông cảm nhận người Cuba trân trọng sách vở. Ông bảo Cuba thiếu phương tiện, sách vở, dụng cụ y tế… nhưng người Cuba cần sách, giữ gìn sách tốt. Với nền tảng ấy, nếu hết cấm vận, họ sẽ phát triển bền vững.
Phát minh ra công nghệ, nhưng người Mỹ cũng đọc nhiều sách
Tại buổi giao lưu, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng chia sẻ về vai trò của sách trong đời sống hôm nay. Ông cho biết cách đây vài năm có một cuộc khảo sát về việc đọc ở nông thôn. Kết quả cho thấy nhiều gia đình không đọc một cuốn sách trong năm.
“Ngôn ngữ ở các gia đình hàng ngày là ngôn ngữ thực dụng, chỉ chuyên về vật chất. Còn ngôn ngữ của đời sống văn hóa, của chia sẻ, yêu thương, tha thứ, rộng lượng, của dày vò không quá 5% trong đời sống gia đình”, Nguyễn Quang Thiều nêu hiện trạng.
Ngay cả với những người đọc sách, chỉ một lượng thanh niên nhỏ đọc sách xây dựng tri thức, văn hóa, đọc sách về lý tưởng và trách nhiệm. Phần nhiều đọc sách để giải trí. Bởi vậy mới có hiện tượng sách ngôn tình bán chạy, nhà văn viết những điều lớn lao thì thu nhập chỉ bằng 1/10 người viết ngôn tình.
Một cuốn sách hay thay một người ông người bà hướng dẫn cháu, thay bố mẹ hướng dẫn con.
Theo Nguyễn Quang Thiều, ngày nay thanh niên đọc nhiều trên phương tiện điện tử. Nhưng ông cho rằng không nên vì sự ngồn ngộn thông tin ấy mà lãng quên sách vở.
Ông nói: “Tin tức là sự kiện bên ngoài xã hội, còn sách là biến động bên trong chúng ta”. Đó là lý do vì sao chúng ta vẫn cần đến sách vở cho dù có bao phương tiện truyền tải thông tin khác đi chăng nữa.
Giám đốc NXB Hội nhà văn cho rằng để xây dựng một nền văn hóa đọc cần thực hiện từ trong gia đình, với từng trẻ nhỏ. “Thời đói sách đã qua. Giờ đây thư viện các cấp đã khang trang, thư viện trường học, thư viện dòng họ đã phổ biến, chúng ta nên xây dựng thư viện gia đình”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Ông cho rằng mỗi bà mẹ đang nuôi con nhỏ hãy có 2 thực đơn cho con: Thực đơn dinh dưỡng nuôi con lớn về thể chất và thực đơn nuôi dưỡng tâm hồn.
Quay lại với lo ngại liệu phương tiện giải trí có lấn át sách vở, nhà thơ kể khi công nghệ bắt đầu phát triển ở Việt Nam, nhiều nhà văn lo ngại con người sẽ bỏ quên văn chương. Nhưng nghĩ kỹ sẽ thấy rồi bạn đọc sẽ quay lại với sách vở.
Ông dẫn chứng nước Mỹ là nơi khởi nguồn những thành tựu công nghệ, nhưng cũng không ở đâu đọc nhiều như người Mỹ. Càng ngày họ càng chọn lựa sách tốt hơn, làm sách tốt hơn.