Đám cưới ma: Tập tục quái lạ
Tập tục 'đám cưới ma' được cho là có từ triều đại nhà Tần (221 - 206 TCN) của Trung Quốc.
Truyền thống này nhằm bảo đảm khi một người đàn ông hoặc phụ nữ chết trẻ mà chưa lập gia đình cũng sẽ có vợ / chồng ở thế giới bên kia chứ không đơn độc. Tuy nhiên, đám cưới ma không chỉ có ở Trung Quốc.
Các hình thức “đám cưới ma”
Hình thức phổ biến nhất của “đám cưới ma” ở Trung Quốc là gả một người đàn ông chết cho một người phụ nữ cũng đã lìa đời, cho dù họ đã đính hôn trước đó hay chưa.
Tuy nhiên, tập tục này không chỉ bảo đảm bạn đời cho những người đàn ông hay phụ nữ đã khuất, mà theo truyền thuyết, nếu những người độc thân qua đời mà không được tổ chức “đám cưới ma” đúng nghĩa, họ sẽ ám ảnh ngôi nhà mãi cho đến khi gia đình sắp đặt chuyện hôn nhân cho họ.
Nếu gia đình bị ám, các thế hệ trẻ có nguy cơ bị sa sút về đường công danh và làm ăn lụn bại. Vì vậy, “đám cưới ma” không chỉ đơn thuần bảo đảm cho người chết có vợ/chồng ở thế giới bên kia, mà quan trọng không kém, cũng vì lợi ích của những thành viên còn sống trong gia đình.
Ngoài ra, theo phong tục, em trai không thể kết hôn trước anh trai. Trong trường hợp người anh trai độc thân đã qua đời thì gia đình phải làm “đám cưới ma” cho anh ta trước rồi mới tổ chức lễ cưới cho người em để tránh vong linh của người anh bất mãn, khiến gia đình lục đục.
Tuy nhiên, đám cưới giữa hai người đã khuất không phải là kiểu “kết hôn ma” duy nhất. Nhiều trường hợp, một trong hai đối tượng tham gia không phải là người chết.
Theo truyền thống, nếu một thanh niên chết trẻ, hôn thê của anh ta có thể quyết định tiến hành đám cưới với một người thay thế anh ta (chỉ trong buổi lễ). Dù người đàn ông đã qua đời, người phụ nữ sẽ được đại gia đình của “chồng” đón nhận về ở và che chở, bảo vệ. Do đó, người phụ nữ sẽ không gặp rủi ro vì không được kết hôn, điều bị xem thường trong văn hóa Trung Quốc cổ đại.
Tuy nhiên, nếu một thiếu nữ chết trẻ và chưa kết hôn, cô ấy sẽ không được tổ chức tang lễ thích hợp theo nghi thức, bởi vì việc này là trách nhiệm của gia đình chồng, chứ không phải của gia đình sinh ra cô.
Một người đàn ông còn sống cũng có thể trải qua cuộc “hôn nhân ma” tương tự, nếu hôn thê của anh ta chẳng may qua đời. Tuy nhiên, khác với phụ nữ, tình trạng hôn nhân của người đàn ông không liên quan gì đến việc anh ta có được chôn cất đàng hoàng sau khi chết sớm hay không.
Trộm xác làm đám cưới
Mặc dù khái niệm về đám cưới ma có vẻ như xa lạ, kỳ quặc đối với những người lần đầu tiên nghe về nó, nhưng truyền thống này phổ biến rộng rãi hơn so với những gì người ta nghĩ. Nó thể hiện một mức độ thành kính đối với người bạn đời đã khuất của người hôn phối còn sống, phần nào làm lu mờ mục đích ban đầu của nó ở Trung Quốc cổ đại.
Tập tục này đã biến đổi và phát triển theo thời gian ở Trung Quốc nhưng vẫn thuộc về truyền thống (đôi khi là bất hợp pháp) tại các vùng nông thôn.
Gần đây, có tài liệu cho thấy nhiều trường hợp phụ nữ đã chết bị đào mồ đem bán để làm “cô dâu ma” dưới hình thức kinh doanh bất hợp pháp.
Tờ Firstpost của Ấn Độ đưa tin, tại quận Hongtong, thuộc tỉnh Sơn Tây có ít nhất 30 vụ trộm xác phụ nữ từ năm 2013 - 2016. Người ta tin rằng, các thi thể này được bán làm cô dâu cho những người đàn ông đã qua đời. Họ giải thích thủ tục hiện đại cho “đám cưới ma”: “Trong nghi lễ “đám cưới ma”, các bộ xương của phụ nữ được gia cố bằng dây thép và bọc vải, trước khi được đem chôn cùng với những đàn ông độc thân đã chết với tư cách là “cô dâu ma””.
Mặc dù về cơ bản, chính phủ đã cấm tập tục này từ năm 1949, nhưng người dân ở nông thôn Trung Quốc, đặc biệt là những người ở các tỉnh Sơn Tây, Hà Nam và Thiểm Tây, vẫn tiếp tục thực hiện nghi lễ trên.
Trong một thời gian dài, người ta thường thay cơ thể của một cô dâu bằng một bức tranh hoặc hình nộm làm bằng giấy hoặc bột. Tuy nhiên, cho rằng những cô dâu bột, giấy đại diện sẽ không đủ để xua đuổi vận đen, người ta vẫn đánh cắp xác chết phụ nữ và bán chúng cho gia đình có thanh niên độc thân qua đời, thường với giá cao.
Có một gia đình đã trả 180.000 nhân dân tệ (khoảng 620 triệu đồng) cho xác cô dâu để gả cho người con trai độc thân đã chết của họ. Thậm chí, có những công ty mai mối được thành lập để giúp các gia đình ghép các thanh niên độc thân đã chết với xác một phụ nữ.
Không chỉ ở Trung Quốc
Trung Quốc không phải là nền văn hóa duy nhất thực hiện truyền thống “hôn nhân ma”. Trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất, một thực tế tương tự đã được áp dụng ở Pháp, vì những phụ nữ mất chồng chưa cưới trong chiến tranh vẫn muốn kết hôn với họ.
Bốn mươi năm sau, tập tục này lại được vận dụng, với tên gọi là “hôn nhân sau khi chết”, từ một vụ vỡ đập bi thảm dẫn đến việc một phụ nữ cầu xin được phép kết hôn với vị hôn phu đã chết trong vụ tai nạn. Kể từ đó, tập quán trên đã được bảo vệ theo luật hôn nhân của Pháp và được chấp nhận vì nhiều lý do khác nhau.
Các nền văn hóa khác cũng đã áp dụng phong tục lạ lùng kể trên, đáng chú ý là ở một số bộ tộc thuộc Sudan. Tại bộ tộc Nuer, thông thường em trai của chú rể sẽ thay thế vị hôn phu đã chết, phải làm lễ đính hôn, làm lễ cưới với “vợ của anh trai mình” như người chồng thực sự của cô ấy. Do đó, nếu bất kỳ đứa con nào ra đời từ sự kết hợp giữa em trai của chú rể quá cố và người vợ, những đứa trẻ đó sẽ được coi là con của người đàn ông đã chết, chứ không phải của em trai còn sống
- Video: Bí ẩn ngọn đèn "cháy sáng ngàn năm không tắt" trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Nguồn: VTV24.
Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/dam-cuoi-ma-tap-tuc-quai-la/20231206072627194