Đám cưới mùa nước nổi, cô dâu chú rể miền Tây thả dép, đi chân trần
Ngày cưới, cô dâu chú rể tháo giày bỏ vào túi nilon, ba vợ buộc bọc vào chân còn mang nguyên giày, các cụ hai bên cũng nhón gót đi, đội bê tráp đỡ lễ đi chân đất.
Có lẽ, mùa nước lũ, mùa nước nổi luôn là những ký ức khó quên đối với người miền Tây. Họ thậm chí còn sống quen, thích ứng với việc tổ chức các hoạt động trong mùa nước lũ. Cũng bởi vậy mà có những đám cưới tổ chức vào những ngày đó.
Nó sẽ là một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời của cô dâu chú rể và hai bên gia đình. Đám cưới của cô dâu Minh Thư (sinh năm 1997, nhân viên văn phòng) và chú rể Nhật Quang (sinh năm 1997, làm về sự kiện, quảng cáo) được tổ chức vào một trong những ngày nước lũ tháng 9 như thế tại Long Xuyên, An Giang.
"Yêu 2 năm thì hai bên gia đình ngỏ ý cưới chứ bọn mình cũng chưa tính. Ngày hai bên nói chuyện cũng lạ lắm, không có trịnh trọng hay bày vẽ gì hết. Dưới nhà phụ huynh nói chuyện, trên lầu đằng trai do nhiều công việc nên ngủ quên mất. Phụ huynh bàn việc xong mình lên thông báo ngày cưới là quyết cưới thôi", cô dâu Minh Thư kể.
Hồi đó, hai bên chốt lịch cưới là vào tháng 9. Khi đó cũng là cuối mùa nước nổi, gia đình hi vọng trời quang mây tạnh chứ cũng không nghĩ đến việc mưa lớn gây ngập như thế.
"Bọn mình chuẩn bị cho đám cưới khoảng 4 tháng. Tháng 5 là đi chụp hình rồi bắt đầu chuẩn bị mọi thứ như thuê cổng hoa, thuê rạp cưới, làm thiệp, chuẩn bị lễ gia tiên rồi dàn bưng mâm và mâm quả. Hành trình chuẩn bị cũng giống như nhiều đám cưới miền Tây khác, đơn giản có mà cầu kỳ cũng có", Thư kể.
Thời tiết vẫn đẹp cho đến ngày diễn ra lễ rước dâu. Khi đó, một cơn mưa bất chợt đổ xuống và bắt đầu lũ lên, gây ngập. Khu vực rạp cưới thì khô ráo song vào phía trong gần nhà cô dâu, nước mấp mé ở mép, suýt tràn vào tận nhà, gây khó khăn cho việc di chuyển.
Minh Thư kể tiếp: "Cô dâu chú rể tháo giày bỏ vào túi nilong xách đi. Ba vợ buộc bọc vào chân còn mang nguyên giày. Các cụ hai bên cũng nhón gót đi, đội bê tráp đỡ lễ tháo luôn cả giày đi chân đất... Vợ chồng nhà hàng xóm đối diện có con nhỏ mà để con bé đó chạy ra che dù hộ tống đoàn rước dâu. Dàn bưng mâm thì có người đội mâm chạy ra, có vài người kèm cô dâu thì cầm áo mưa làm đoàn tàu đi ra. Nói chung đó là một trải nghiệm khá đặc biệt của đám cưới miền Tây, hôn lễ trong cơn mưa khá bất ngờ".
Trong những bức hình được cô dâu chia sẻ, hình ảnh chú rể, các cô các bác mặc áo dài xách giày trên tay nhưng vẫn cười tươi khiến người ta thấy đặc biệt quá.
Cũng may, qua nhà chú rể xe hơi có thể đi nên không cần rước dâu bằng ghe xuồng làm phương tiện giao thông. Từ nhà gái, nước không quá ngập, xe chạy bon bon đến nhà trai thì trời hết mưa đầy bất ngờ.
"Nhờ trời tạnh mưa mà tiệc diễn ra vẫn bình thường. Khách về hết thì lại mưa tiếp, lại tiếp tục bì bõm. Hôm đó đúng là ai cũng bảo may, khi làm lễ chính không mưa gió gì, thuận lợi cho tất cả mọi chuyện", Minh Thư tâm sự.
Với nhiều cô dâu chú rể, việc có đám cưới mà xảy ra mưa lũ gây ngập sẽ gây phiền phức về nhiều mặt. Tuy nhiên với Minh Thư, nó giống một trải nghiệm đáng nhớ và có chút gì đó bản sắc quê hương.
"Miền Tây gắn liền với sông nước. Từ ngày xưa mình đã được nghe kể những câu chuyện rước dâu bằng xuồng ba lá hay nhà trai nhà gái tất bật chuẩn bị đám cưới vào mùa nước nổi. Bây giờ chính mình lại được trải nghiệm chính điều đó. Những người lớn ở đây cũng truyền tai nhau rằng có nước là có tiền. Ngày đám cưới mà nhiều nước như thế này thì cô dâu chú rể sau này sẽ làm ăn phát đạt, bởi vậy mình không coi đây là vấn đề gì cả. Trái lại, mình còn nghĩ nó sẽ là kỷ niệm đẹp khó quên suốt cuộc đời", Minh Thư kể thêm.