Đậm đà hương vị bánh chưng ngày Tết
Gói bánh chưng là nét đẹp truyền thống từ bao đời nay của người dân Việt mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Để làm những chiếc bánh chưng có chất lượng thơm, ngon, hình thức đẹp thường mất nhiều thời gian, từ công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, gói bánh… đều cần sự tỉ mỉ, khéo léo của người làm. Ngày nay, nhiều gia đình không sắp xếp được thời gian tự làm, nên dịch vụ gói bánh chưng dịp giáp Tết càng trở nên sôi động.
Các hộ gói bánh chưng phục vụ thị trường dịp Tết ở thôn Phú Thị, xã Mễ Sở (Văn Giang)
Những ngày cuối năm, đặt chân đến thôn Phú Thị, xã Mễ Sở (Văn Giang), mọi người dễ dàng nhận thấy mùi bánh thơm lừng tỏa ra từ sự kết hợp của lá dong, gạo nếp cái hoa vàng cùng vị ngọt bùi của đậu xanh, vị ngậy béo của nhân thịt trong chiếc bánh chưng. Hương vị này đã tạo nên nét đặc trưng riêng của bánh chưng Phú Thị. Chị Nguyễn Thị Mai, một người dân ở thôn Phú Thị cho biết: Tôi đã gắn bó với nghề làm bánh chưng được hơn 10 năm. Nếu ngày thường tôi phải thức dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị, còn dịp Tết thì nhiều đêm trắng để gói bánh. Ngày thường nhà tôi chỉ gói khoảng vài trăm chiếc bánh nhỏ nhưng dịp Tết Nguyên đán, mỗi ngày tôi gói từ 500 chiếc bánh chưng to trở lên.
Để làm ra chiếc bánh ngon phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, trong đó gạo phải là giống nếp cái hoa vàng, đỗ phải nấu chín, thịt lợn là loại ba chỉ, lá dong phải chọn những chiếc lá còn tươi màu xanh, tàu lá còn nguyên vẹn, gạo phải ngâm đãi sạch, đỗ phải thổi dẻo rồi nắm lại, thịt thái ngang khổ, ướp gia vị... Người gói bánh phải biết kết hợp, pha trộn nguyên liệu hài hòa, cân bằng. Công đoạn luộc bánh cũng mất nhiều thời gian hơn, khoảng 8 - 10 giờ. Điều đặc biệt là bánh chưng Phú Thị chỉ gói bằng tay, tuy hình thức không đẹp như gói bằng khuôn nhưng bánh chặt và rền hơn, chất lượng ngon hơn. Những ngày này, ở Phú Thị đông vui như hội, nhà nào cũng huy động hàng chục người gói, mỗi ngày gói hàng nghìn chiếc, khách tấp nập đến đặt hàng.
Chị Nguyễn Thị Yến, một người con xa quê đang sống tại Hà Nội cho biết: Mỗi dịp Tết đến, chiếc bánh chưng Phú Thị không thể thiếu trong gói đồ tôi mang đi để làm quà tặng mọi người. Bánh ăn rất dẻo, vừa miệng và đặc biệt nhân đỗ quyện với thịt ba chỉ rất ngậy, thơm.
Vào dịp Tết Nguyên đán, trên mâm cỗ của người dân xã Hải Triều (Tiên Lữ) không thể thiếu món bánh chưng đường. Cũng với những nguyên liệu cơ bản như gạo nếp, thịt, đỗ nhưng vị ngọt của đường cùng với bí quyết riêng đã làm nên hương vị độc đáo khiến ai được thưởng thức một lần thì nhớ mãi.
Từ khi được thưởng thức bánh chưng đường tại nhà một người bạn ở thôn Hải Yến, xã Hải Triều cách đây 5 năm, từ đó đến nay, năm nào anh Nguyễn Phúc Hưng ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) cũng đặt 15 - 20 chiếc bánh chưng đường để làm quà biếu người thân, bạn bè trong dịp Tết. Theo anh Hưng, bánh chưng đường kích thích vị giác, đem lại cảm giác mới mẻ. Gia đình tôi ai cũng thích ăn loại bánh này.
Đối với người dân Hải Triều, dù ở đâu, làm gì thì ngày Tết ai cũng muốn thưởng thức đúng hương vị của món bánh chưng quê nhà. Tiếng thơm đồn xa, nhiều khách thập phương liên hệ đặt bánh ăn Tết. Vì thế, hiện nay trong xã có gần chục hộ nhận gói thuê bánh chưng đường cho những người ở xa quê hoặc cho những gia đình không có điều kiện tự gói.
Bà Đoàn Thị Thuận ở thôn Hải Yến cho biết: Tôi làm nghề gói bánh chưng đường đã hơn 30 năm. Khách đặt bánh từ cuối tháng 11, đến Rằm tháng Chạp, cao điểm thường từ Tết ông Công ông Táo. Trung bình một ngày nhà tôi gói được trên 200 chiếc.
Với người dân Hải Triều, bánh chưng đường chính là hương vị quê nhà, là nét đặc trưng của mảnh đất và con người nơi đây. Sự kỳ công trong khâu làm nhân và luộc bánh giúp chiếc bánh có thể để được lâu. Thời gian nấu loại bánh này thường mất khoảng 15 - 16 giờ.
Trong không khí của những ngày Tết, bánh chưng xanh trở thành lễ vật linh thiêng trong nghi thức thờ cúng tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn đối với ông cha, là món ăn không thể thiếu của mỗi gia đình người Việt.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/van-hoa/202301/dam-da-huong-vi-banh-chung-ngay-tet-88915c2/