Đậm đà phong vị ẩm thực hội thi 'Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương'

Nằm trong chuỗi hoạt động của Liên hoan Gia đình văn hóa tiêu biểu các dân tộc tỉnh Lâm Đồng lần thứ III – 2024 diễn ra tại Đạ Tẻh nhân ngày Gia đình Việt Nam, chiều ngày 25/6, hội thi nấu ăn 'Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương' đã diễn ra sôi nổi.

Gia đình bà Touneh Ma Tina (thôn Diom A - xã Lạc Xuân, Đơn Dương) với mâm cơm gia đình đậm đà văn hóa ẩm thực của người Churu

Gia đình bà Touneh Ma Tina (thôn Diom A - xã Lạc Xuân, Đơn Dương) với mâm cơm gia đình đậm đà văn hóa ẩm thực của người Churu

Tham dự hội thi, 12 gia đình văn hóa tiêu biểu đến từ 12 huyện, thành đại diện cho các dân tộc anh em trong tỉnh đã trổ tài bếp núc mang đến 12 mâm cơm mang đặc trưng ẩm thực truyền thống. Hơn 60 món ăn được chế biến theo những cách riêng với nguyên liệu từ rau rừng, cá suối, thịt gác bếp, những sản vật thu hái từ nương rẫy, vườn nhà được chế biến khéo léo, tinh tế, bày biện sắp đặt sáng tạo, độc đáo mang ý nghĩa yêu thương.

Một món ăn truyền thống từ măng rừng với cách chế biến độc đáo

Một món ăn truyền thống từ măng rừng với cách chế biến độc đáo

Trong không gian hội thi, mùi hương của bếp núc tỏa ra mang theo nhiều hương vị thân quen của những món ăn. Đó là những món dân dã là sản vật của núi rừng được hơ trên than, nướng trên lửa. Mùi thơm của cơm lam, thịt nướng, cá nướng, đọt mây rừng nướng, da trâu nấu cà đắng, canh thụt từ lá bép, măng rừng của đồng bào Mạ, K’Ho, Churu.

Ban Giám khảo chấm điểm thẩm định từng món ăn

Ban Giám khảo chấm điểm thẩm định từng món ăn

Sự độc đáo và khác biệt từ nguyên liệu đến cách tẩm ướp, chế biến với các vật dụng như ống tre, nứa, bương, vầu, lá chuối, than củi. Sự hấp dẫn nhờ vào gia vị tự nhiên cũng lấy từ núi rừng, tất cả được nướng trực tiếp trên lửa, mùi khói hòa quện lưu giữ hương vị nguyên bản, độ ngọt tự nhiên của các loại thức ăn.

Hội thi làm nên bữa "đại tiệc" lớn để các dân tộc anh em giao lưu văn hóa ẩm thực

Hội thi làm nên bữa "đại tiệc" lớn để các dân tộc anh em giao lưu văn hóa ẩm thực

Không là sơn hào hải vị, nhưng những món ăn được chế biến công phu, được giã, được xay với đậm đà gia vị của người Thái, người H' Mông từ các sản vật thu hoạch từ vườn nhà cũng không kém phần tinh tế, thịnh soạn. Những món cơm canh, chiên, xào của người Kinh không cầu kỳ mà mang đậm vẻ đẹp của ẩm thực Việt.

Dù các món có được chế biến theo cách nào đi nữa thì các món ăn, những mâm cơm ấm áp của các dân tộc anh em cũng rất khoa học, đủ chất đảm bảo 4 nhóm dinh dưỡng chính bột - đường, chất đạm, chất béo, các vitamin và khoáng chất.

Thưởng thức nhiều món ăn từ sản vật núi rừng

Thưởng thức nhiều món ăn từ sản vật núi rừng

Bữa cơm gia đình không chỉ là bữa ăn hàng ngày, nuôi dưỡng thể xác khỏe mạnh mà còn là thời gian để cả gia đình quây quần ấm cúng, chia ngọt sẻ bùi, vun đắp tình cảm gắn bó để gia đình thực sự là tổ ấm, là nơi trở về, nơi sẻ chia, đùm bọc trong tình thân ấm áp. Từ đó cũng phát huy giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống của dân tộc.

Rượu cần làm cho các món ăn của người Tây Nguyên thêm đậm đà

Rượu cần làm cho các món ăn của người Tây Nguyên thêm đậm đà

Hội thi đã làm nên một bữa đại tiệc nhiều màu sắc, giàu ý nghĩa; không chỉ là sân chơi bổ ích, thú vị và đầy ý nghĩa mà còn là dịp để các gia đình đại diện các dân tộc anh em có cơ hội giao lưu văn hóa ẩm thực, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để làm ra những món ăn ngon, bảo tồn những món ăn truyền thống, tạo nên những bữa cơm ấm áp. Đồng thời, thêm yêu quý và trân trọng ý nghĩa của bữa cơm gia đình Việt Nam, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em qua sự hiểu biết lẫn nhau về nếp ăn, ý ở; cùng nhau thực hiện có hiệu quả việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202406/dam-da-phong-vi-am-thuc-hoi-thi-bua-com-gia-dinh-am-ap-yeu-thuong-ee200b3/