Đậm đà sắc màu 'Đêm hội trăng rằm' nơi địa đầu Tổ quốc

Hòa chung không khí vui tươi của cả nước, Lễ hội đường phố thành phố Hà Giang được tổ chức vào tối 15.8 (âm lịch) đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, mang đến cho các em thiếu niên, nhi đồng đêm rằm Trung thu thật ý nghĩa. Năm nay, với các mô hình đèn Trung thu lung linh sắc màu, vừa truyền thống xen lẫn hiện đại, đêm hội đã thu hút hàng nghìn người dân, du khách và các em nhỏ đến xem, cỗ vũ.

Các mô hình lung linh sắc màu được rước trên các trục đường của thành phố. ảnh: Hải Quỳnh

Các mô hình lung linh sắc màu được rước trên các trục đường của thành phố. ảnh: Hải Quỳnh

Đã thành thông lệ, “Đêm hội trăng rằm” chủ đề của Lễ hội đường phố được thành phố Hà Giang tổ chức từ năm 2011 cho đến nay, thể hiện sự quan tâm của địa phương và toàn xã hội đối với các em thiếu niên, nhi đồng, với mong muốn tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ. Nhờ công tác chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, các cơ quan, trường học, các xã, phường đã đem đến 73 mô hình để tham gia diễu hành từ Quảng trường 26.3 về các trục đường chính trên địa bàn thành phố. Dẫn đầu đoàn là kiệu rước chân dung Bác Hồ kính yêu, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, người luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt cho trẻ em. Bên cạnh rất nhiều mô hình đa dạng, độc đáo mang biểu tượng linh vật dân gian, gắn với đời sống lao động, sản xuất của đồng bào như: Mặt trăng, chú Cuội, cá chép, con rồng, nhà sàn cùng với những mô hình về biển đảo quê hương, hành tinh xanh, cá voi, hội tụ dưới ánh trăng rằm…, tạo nên bức tranh lung linh, huyền ảo giữa lòng thành phố trẻ nơi biên cương Tổ quốc.

Ấn tượng mô hình “Hãy bảo vệ loài động vật Sếu đầu đỏ” của phường Minh Khai.

Ấn tượng mô hình “Hãy bảo vệ loài động vật Sếu đầu đỏ” của phường Minh Khai.

Đến với Lễ hội đường phố, xã Phương Độ có mô hình “Nhà sàn, ruộng bậc thang, con đường bê tông nở hoa”, đó là thành quả của quá trình xây dựng Nông thôn mới gắn với việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, Dao sinh sống trong các bản làng bình yên. Nhà sàn mái cọ, bếp lửa luôn cháy đỏ, ao cá, vẻ đẹp bất tận mùa nước đổ, mùa lúa chín của những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ tại các thôn Nà Thác, Khuổi My, Lùng Vài là những điểm nhấn thu hút đông đảo khách du lịch thập phương đến thăm quan hàng năm. Ngoài ra, mô hình “Đôi chim Phượng hoàng” như một sự khẳng định cho tinh thần trách nhiệm, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trên toàn diện các lĩnh vực KT - XH.

Các đội múa lân cũng góp phần cho đêm hội thêm phần náo nhiệt. ảnh: Quỳnh Hương

Các đội múa lân cũng góp phần cho đêm hội thêm phần náo nhiệt. ảnh: Quỳnh Hương

Trong sự hân hoan phấn khởi, những ngày qua, phường Trần Phú đã tổ chức rất nhiều hoạt động vui Tết Trung thu cho thiếu nhi. Nổi bật nhất, trong 18 mô hình của phường, tổ 12 tham gia diễu hành với mô hình “Quả cầu bay trên vũ trụ hành tinh xanh”, nhắn nhủ thông điệp “Hãy chung tay bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Cũng tạo nên nét riêng biệt không kém, bằng đôi bàn tay khéo léo, nhân dân tổ 13, phường Minh Khai có mô hình “Hãy bảo vệ loài động vật Sếu đầu đỏ”, loài chim quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam, kêu gọi mọi người cùng nhau bảo tồn, tạo môi trường sinh thái tự nhiên để nhân rộng và phát triển loài động vật này.

Các em học sinh rước đèn ông Sao trong “Đêm hội trăng rằm”. ảnh: Mộc Lan

Các em học sinh rước đèn ông Sao trong “Đêm hội trăng rằm”. ảnh: Mộc Lan

Trong tiếng trống rộn rã, là giây phút đoàn viên của bao gia đình, sân chơi bổ ích cho học sinh sau những trang sách. Hòa mình cùng dòng người đông đúc, các em Hoàng Thọ Mạnh, Trịnh Thảo Quyên, ở phường Quang Trung vui mừng bày tỏ: “Em rất thích thú khi được tận mắt nhìn thấy những hình ảnh gần gũi, thân thuộc trong thế giới trẻ thơ. “Đêm hội trăng rằm” là kỷ niệm khó quên, chúng em hứa sẽ chăm ngoan, học giỏi để không phụ công lao của cha mẹ, các thầy, cô giáo”. Chị Hoàng Thị Hồng, phường Nguyễn Trãi chia sẻ: “Con tôi thích xem, nghe những câu chuyện cổ tích ngày xưa nên cháu háo hức đi chơi Trung thu. Tôi mong rằng, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức lễ hội vào những năm sau để trẻ em được vui chơi, học hành và khám phá những điều thú vị, mới mẻ”.

Đồng chí Nguyễn Danh Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội đường phố, cho biết: Lễ hội đường phố góp phần thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, nhằm cỗ vũ, động viên nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Giang, Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đồng thời, đây cũng là dịp để khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc; quảng bá, giới thiệu với bạn bè, du khách gần xa về tiềm năng du lịch, con người Hà Giang thân thiện, mến khách. Với quy mô tổ chức lớn hơn năm trước cùng việc làm tốt công tác xã hội hóa, sẽ là cơ sở để thành phố tiếp tục tổ chức lễ hội trong những năm tới.

Ghi chép của Mộc Lan

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/201909/dam-da-sac-mau-dem-hoi-trang-ram-noi-dia-dau-to-quoc-749968/