Dặm dài đất Việt qua ngòi bút nữ người Ý
Cách đây 5 năm, khi cuốn sách “Vàng trên biển đá đen” (Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, năm 2018) của Elena Pucillo Truong ra đời đã nhanh chóng được bạn đọc đón nhận và một thời gian ngắn sau đó được Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh trao thưởng ở lĩnh vực văn học dịch. Không chỉ vì tác giả là một nữ tiến sĩ ngôn ngữ học người Ý viết về Việt Nam, mà với 11 tản văn và 14 truyện ngắn, tác phẩm thực sự lôi cuốn người đọc bởi những câu chuyện đậm chất nhân văn gắn liền với nhiều địa danh trên dặm dài đất Việt.
Vốn yêu Việt Nam và có chồng là người Việt, nhiều năm cùng chồng về sống ở TP. Hồ Chí Minh nên khi sáng tác, văn chương của Elena Pucillo Truong mang đậm sự trải nghiệm ở vùng đất mà tác giả gọi là quê hương thứ hai. Trong phần tản văn, bên cạnh việc khắc họa rõ nét chân dung những người bạn thân thiết, có nhiều tâm huyết cho văn học nghệ thuật như ở các bài viết: “Nụ cười phúc hậu giữa thu vàng”, “Tuổi trẻ hai lần thắm lại”, “Người lưu giữ yêu thương”, “Một đêm huyền diệu”, “Bình minh vàng trên biển”..., người đọc còn bắt gặp những trang viết lấp lánh sắc màu về những vùng đất mà tác giả đã đi qua, trải nghiệm, như: TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội… Là người nước ngoài nên Elena Pucillo Truong có cách cảm nhận rất riêng trong quá trình khám phá cảnh quan thiên nhiên, phong tục, ẩm thực, trang phục, phong cách giao tiếp, lòng hiếu khách… của người Việt. Tất cả được viết ra với giọng văn đằm thắm, tinh tế và đầy yêu thương, gần gũi.
Ở phần truyện ngắn, Elena Pucillo Truong đã đi sâu khai thác số phận của nhiều nhân vật. Đó là hình ảnh người mẹ cùng đứa con tìm gặp cô nhân tình của chồng mình với hy vọng cứu vãn hạnh phúc gia đình nhưng mọi chuyện đều bẽ bàng (trong truyện “Cuộc hẹn ở sân ga”); là chuyện về một bà cụ cô đơn và tuyệt vọng, đã chọn lấy cái chết trong hoàn cảnh bị con dâu và con trai bất hiếu (Con chim nhỏ trong lồng); là chuyện về một người đàn ông bôn ba, tìm cách kiếm tiền, mong được đền đáp công ơn cha mẹ, nhưng khi trở về thì hai đấng sinh thành không còn nữa (Dải ruy băng màu tím)…
14 truyện ngắn in trong cuốn sách của Elena Pucillo Truong là 14 câu chuyện được kể lại với những tình tiết sống động và luôn có kết thúc bất ngờ. Đặc biệt, những truyện ngắn trên đều được nữ tác giả người Ý đặt trong những bối cảnh cụ thể ở từng vùng đất. Truyện ngắn “Vàng trên biển đá đen” là một ví dụ. Ngoài câu chuyện cảm động về một cô giáo lên vùng cao dạy học, truyện còn mang đến cho người đọc hình ảnh về một Hà Giang hùng vỹ và đậm chất lãng mạn với những “triền núi thoai thoải có vô số những tảng đá nhọn màu đen nằm cạnh nhau, đỉnh hướng thẳng lên trời. Triền núi lồi lõm, uốn lượn và những tảng đá hình thù quái dị như những con sóng hình tai mèo đang phản chiếu ánh sáng mặt trời. Giống như một mặt biển màu đen xuất hiện thật bất ngờ, một biển đá đang chuyển động bỗng bị cầm tù dưới bùa phép của một phù thủy cao tay ấn, đứng im, để nguyên những con sóng đang chồm lên trời, với bọt biển, tung tóe giữa những vực sâu... tất cả đều bị giữ im, bất động đến muôn đời”.
Người chuyển ngữ “Vàng trên biển đá đen” của Elena Pucillo Truong ra tiếng Việt chính là chồng của nhà văn - ông Trương Văn Dân, cũng từng có nhiều tác phẩm sáng tác và dịch thuật được xuất bản ở Việt Nam. Xuất thân từ chàng sinh viên du học ngành hóa và công nghệ dược từ năm 1971, Trương Văn Dân yêu cô gái người Ý Elena Pucillo, rồi 13 năm sau họ thành vợ thành chồng. Năm 2012, rời công việc ở Ý, hai người cùng nhau trở về Việt Nam, bắt đầu hành trình sống và viết trên đất Việt.
HOÀNG ANH