Đám mây hình nấm xuất hiện trên bầu trời nước Mỹ

Những đám mây lửa đang xuất hiện trên bầu trời, hệ quả của trận cháy rừng tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ, tiềm ẩn những nguy cơ chết chóc bên trong.

Khói bụi và nhiệt độ cao báo động từ đám cháy rừng khổng lồ tại Đông Nam tiểu bang Oregon, Mỹ đang tạo ra các "đám mây lửa", tên khoa học là mây pyrocumulus, hình nấm khổng lồ trên không trung.

Đám mây này mang bên trong những cột khói và tro bụi, vươn tới độ cao hơn 10 km, có thể quan sát từ khoảng cách hơn 160 km, tiềm ẩn những nguy cơ chết chóc cho con người.

 Mây lửa xuất hiện phía trên đám cháy rừng Bootleg Fire. Ảnh: AP.

Mây lửa xuất hiện phía trên đám cháy rừng Bootleg Fire. Ảnh: AP.

Mây lửa xuất hiện

Trận cháy rừng tạo ra đám mây lửa khổng lồ được đặt tên Bootleg Fire, đây là đám cháy rừng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Hôm 16/7, ngọn lửa đã lan rộng trên diện tích gần 200 km2, lớn hơn thành phố New York.

Sự nguy hiểm từ đám cháy đã buộc nhà chức trách phải rút hết các đội cứu hỏa. Các nhà khí tượng học cho biết họ quan sát thấy những hình thái cực đoan hơn của đám mây lửa đang hình thành, thậm chí đám mây có thể tạo ra một dạng thời tiết riêng của nó, bao gồm "những cơn lốc lửa".

Những diễn biến cực đoan hơn của đám cháy rừng, bao gồm sự hình thành của các đám mây lửa cực đoan hơn, được dự đoán sẽ kéo dài và trở nên tồi tệ hơn nữa trong những ngày tới, khi cháy rừng ngày càng nghiêm trọng.

Mây lửa có hình dạng giống như đám mây giông khổng lồ xuất hiện phía trên một cột khói lớn được tạo ra bởi đám cháy rừng. Đỉnh của đám mây có hình dạng hơi dẹt, thay vì có hình tròn như mây giông bình thường.

Tại Oregon, nhà chức trách cho biết những đám mây thường xuất hiện từ 15h-17h hàng ngày, khi mặt trời chiếu xuyên qua lớp khói và đốt nóng bề mặt bên dưới, tạo ra luồng không khí nóng bốc hơi lên trên.

 Đám cháy rừng nghiêm trọng ở Oregon. Ảnh: AP.

Đám cháy rừng nghiêm trọng ở Oregon. Ảnh: AP.

Trong đám cháy hiện nay, những đám mây lớn và nguy hiểm nhất xuất hiện phía trên khu vực lửa cháy dữ dội nhất, nơi đa phần cây cối bị thiêu trụi ngay lập tức trong nhiệt độ rất cao.

Đã 4 ngày liên tiếp, đám cháy rừng Bootleg Fire tạo ra nhiều đám mây lửa bốc cao gần 10 km trong khí quyển. Người dân từ cách xa đám cháy gần 200 km cũng có thể quan sát được, nhà chức trách cho biết.

Đám cháy rừng tạo ra hiện tượng mây lửa sẽ tiếp tục diễn biến tồi tệ hơn vào cuối tuần này.

Khi không khí phía trên đám cháy rừng bị đốt nóng cực độ, chúng sẽ bốc hơi lên cao thành một cột khí lớn. Khi không khí với độ ẩm cao bốc lên, chúng sẽ đẩy cột khói đi vào bầu khí quyển, nơi hơi ẩm ngưng tụ thành những giọt nhỏ. Hiện tượng này tạo ra những đám mây lửa trông giống như mây giông.

Tuy nhiên, mây lửa không chỉ mang nước như mây giông bình thường. Bên trong các đám mây lửa là tro bụi và các phân tử bốc lên từ đám cháy rừng, vì thế mây lửa có màu xám đen đáng sợ.

Các đám mây nguy hiểm như thế nào?

Khi một đám mây lửa hình thành phía trên đám cháy rừng, các nhà khí tượng học bắt đầu quan sát kỹ sự phát triển của nó bởi có khả năng sẽ xuất hiện một dạng mây thậm chí cực đoan hơn là mây pyrocumulonimbus.

NASA gọi mây pyrocumulonimbus là "con rồng thở ra lửa của các loại mây", bởi những đám mây dạng này lớn và có nhiệt độ cao tới mức tự thân chúng tạo ra những điều kiện thời tiết riêng.

Trong kịch bản tồi tệ nhất, mây pyrocumulonimbus có thể tạo ra một "cơn lốc lửa", sấm và sét, nhưng không có mưa, cùng những trận gió với nhiệt độ cao nguy hiểm bên dưới.

Tới lúc này, phần lớn các đám mây tạo ra từ đám cháy Bootleg Fire mới chỉ là dạng mây lửa, ít cực đoan hơn. Tuy nhiên, Cơ quan Khí tượng Quốc gia Mỹ hôm 14/7 đã phát hiện một đám mây pyrocumulonimbus hình thành thông qua ảnh vệ tinh.

Cả mây lửa pyrocumulus và mây pyrocumulonimbus đều mang tới những hiểm họa nghiêm trọng cho con người. Nhiều đám mây lửa đã liên tục xuất hiện những ngày qua ở bờ Tây nước Mỹ. Một trong số chúng tạo ra gió mạnh và trút than hồng, tro bụi xuống lực lượng cứu hỏa hôm 15/7.

 Đám mây pyrocumulonimbus trong trận cháy rừng Creek Fire ở California năm 2020. Ảnh: San Francisco Chronicle.

Đám mây pyrocumulonimbus trong trận cháy rừng Creek Fire ở California năm 2020. Ảnh: San Francisco Chronicle.

Vụ việc hôm 15/7 đã buộc nhà chức trách rút tất cả lực lượng cứu hỏa và phương tiện khỏi khu vực nơi đám mây lửa hoành hành. Nhà chức trách cho biết chưa có báo cáo thương vong sau vụ việc.

Các đám mây lửa, hay thậm chí là mây pyrocumulonimbus, đang ngày càng trở nên phổ biến hơn, trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây ra những trận cháy rừng kéo dài và khốc liệt tại bờ Tây lục địa Bắc Mỹ hay Australia.

Các chuyên gia Cơ quan Nghiên cứu Hải quân Mỹ hôm 16/7 cho biết đã ghi nhận "số lượng kỷ lục" mây cực đoan do cháy rừng gây ra tại Bắc Mỹ trong mùa hè này. Ngoài tiểu bang Oregon, mây lửa cũng được ghi nhận tại tiểu bang Montana của Mỹ và bang British Columbia của Canada.

Tại British Columbia, đám cháy rừng hồi tháng 6 nhấn chìm toàn bộ một thị trấn cũng tạo ra một đám mây pyrocumulonimbus.

Cháy rừng tại California trong năm 2020 và những năm trước đó cũng từng tạo ra các đám mây lửa. Đám cháy Creek Fire ở Fresno mùa thu năm 2020 tạo ra một đám mây pyrocumulonimbus lớn, bay lên độ cao 15 km.

Những trận cháy rừng thảm khốc tại Australia tháng 1/2020 cũng từng tạo ra các đám mây pyrocumulonimbus.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dam-may-hinh-nam-xuat-hien-tren-bau-troi-nuoc-my-post1239793.html