Đam mê và cống hiến

. 'Nếu đam mê và cống hiến hết mình, bạn sẽ tìm thấy nhiều cơ hội và sự phát triển ở bất kỳ lĩnh vực nào', TS. Nguyễn Thanh Đức (38 tuổi), nghiên cứu viên cao cấp của Prenuvo (Canada), đã minh chứng cho điều mình nói từ thành công qua nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong y tế. Anh là cựu học sinh chuyên Lý, Trường THPT Chuyên Lê Khiết.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) với chuyên ngành kỹ thuật điện - điện tử, anh Đức học thạc sĩ 2 năm tại Phần Lan. Tại đây, anh được tiếp xúc với nhiều công nghệ hiện đại và mở rộng kiến thức về kỹ thuật.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Đức nghiên cứu sản phẩm AI để chẩn đoán và phân tích bệnh phình mạch máu não trên hình ảnh MRI não. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Đức nghiên cứu sản phẩm AI để chẩn đoán và phân tích bệnh phình mạch máu não trên hình ảnh MRI não. Ảnh: NVCC

Đầu năm 2015, anh Đức nhận học bổng toàn phần nghiên cứu sinh tại Viện GIST (Viện Khoa học Kỹ thuật Gwangju, Hàn Quốc) chuyên ngành điện tử viễn thông. Tình cờ trong một lần qua viện nghiên cứu, anh nhìn thấy các áp phích quảng cáo về hình ảnh nghiên cứu AI trong y tế. “Thời điểm đó, AI chưa thực sự trở thành một công nghệ đột phá như hiện nay, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế. Chính vì vậy, đây là cơ hội để tôi tiên phong nghiên cứu và ứng dụng AI vào y tế. Hơn nữa, bản thân thích khám phá những điều mới mẻ, vì vậy tôi quyết định dừng chương trình nghiên cứu sinh ngành điện tử viễn thông để tập trung vào nghiên cứu AI trong chẩn đoán hình ảnh y tế. Dù biết sẽ có nhiều thách thức phía trước nhưng tôi có niềm tin vào chính mình”, anh Đức chia sẻ.

Hơn ai hết, anh Đức hiểu rằng, sự chuyển hướng sang một lĩnh vực hoàn toàn mới như AI trong y tế sẽ rất khó khăn và đầy thách thức. “Đó là những năm cực kỳ khó khăn đối với tôi. Tôi không chỉ dành thời gian để học về khoa học thần kinh, hình ảnh y tế, mà còn phải học cơ sở lý thuyết về AI, những kiến thức rất mới với tôi. Song, tôi may mắn vì được rèn giũa chịu đựng áp lực và không ngừng phấn đấu vươn lên từ những năm tháng học ở Trường THPT Chuyên Lê Khiết. Nhờ đó, tôi từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức ở một lĩnh vực hoàn toàn mới. Giờ nhìn lại, tôi thấy quyết định chuyển hướng là hoàn toàn đúng đắn và là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp”, anh Đức bộc bạch.

Năm đầu tiên chuyển hướng sang lĩnh vực mới, anh Đức tìm đến GS.TS, bác sĩ Boreom Lee - nguyên Trưởng khoa Khoa học kỹ thuật y sinh, Viện GIST. Ông đã có nhiều đề tài nghiên cứu về ứng dụng AI để chẩn đoán các bệnh về não. Thầy giáo hướng dẫn đã đưa cho anh những cuốn sách về khoa học thần kinh, hình ảnh y tế và AI. Anh phải tự đọc và báo cáo trước nhóm. Sau đó, thầy giáo sẽ có câu hỏi cũng như góp ý.

Anh Đức đã dành thời gian đọc và trình bày các báo cáo mới nhất của các nhóm nghiên cứu trên thế giới về các mô hình, kỹ thuật AI, các ứng dụng phương pháp AI mới nhất trong chẩn đoán và phát hiện các bất thường trên hình ảnh y tế: X-ray, MRI, CT, hình ảnh tế bào học. Ngoài ra, anh còn được thầy giáo hướng dẫn tạo điều kiện tham gia hội nghị về y tế lớn trên thế giới. Qua đó, giúp anh cập nhật kiến thức mới nhất về AI nói chung và AI trong y tế nói riêng để đưa ra các giải pháp trong luận án tiến sĩ.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Đức cùng đồng nghiệp báo cáo sản phẩm khoa học tại Hội nghị ISMRM năm 2023 - Hội nghị hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hình ảnh y học cộng hưởng từ MRI. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Đức cùng đồng nghiệp báo cáo sản phẩm khoa học tại Hội nghị ISMRM năm 2023 - Hội nghị hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hình ảnh y học cộng hưởng từ MRI. Ảnh: NVCC

“Nếu đam mê và cống hiến hết mình, bạn sẽ tìm thấy nhiều cơ hội và sự phát triển ở bất kỳ lĩnh vực nào”, TS.Nguyễn Thanh Đức đã minh chứng cho điều mình nói. Anh là sinh viên quốc tế đạt thành tích xuất sắc nhất đợt tốt nghiệp năm 2020 tại Viện GIST. Đầu năm 2021, anh được nhận kinh phí tài trợ toàn phần cho nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện GIST và Bệnh viện Thần kinh Montreal, thuộc Trường Đại học McGill (Canada). Với dự án “Nghiên cứu và phát triển hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI và dữ liệu lớn hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh Alzheimer dựa trên hình ảnh MRI sọ não ở Việt Nam”, anh Đức cùng các cộng sự đã vinh dự đoạt giải Nhì Giải thưởng Sáng tạo TP.Hồ Chí Minh năm 2020 và giải Ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 năm 2020 - 2021.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Đức hiện là nghiên cứu viên cao cấp của Prenuvo (Canada), một công ty công nghệ dùng hình ảnh cộng hưởng từ toàn thân để sàng lọc và phát hiện sớm ung thư và một số bệnh nghiêm trọng khác. Tiến sĩ trẻ người Quảng Ngãi này vẫn miệt mài theo đuổi đam mê và cống hiến trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực y tế để nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

TRỊNH PHƯƠNG

Trình bày: P.DUNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/media/emagazine/202501/emagazine-dam-me-va-cong-hien-9af42c3/