Mỹ siết chặt kiểm soát lưu thông chip AI trên toàn cầu

Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục hạn chế xuất khẩu chip và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), một quyết định được cho là nhằm duy trì sức mạnh tính toán tiên tiến tại Mỹ và phân cấp khả năng tiếp cận công nghệ AI của thế giới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden có bài phát biểu về việc thúc đẩy phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách an toàn, bảo mật và đáng tin cậy tại Nhà Trắng vào ngày 30/10/2023. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Joe Biden có bài phát biểu về việc thúc đẩy phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách an toàn, bảo mật và đáng tin cậy tại Nhà Trắng vào ngày 30/10/2023. Ảnh: AFP

Hạn chế số lượng xuất khẩu

Theo các quy định mới mà chính phủ Mỹ công bố ngày 13/1, Washington sẽ giới hạn số lượng chip AI xuất khẩu sang hầu hết các quốc gia và cho phép các đồng minh thân cận nhất của Mỹ tiếp cận không giới hạn công nghệ AI của Mỹ; mặt khác vẫn duy trì lệnh chặn xuất khẩu sang Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên.

Các quy định mới được công bố trong những ngày cuối cùng của chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden. Chúng nhằm mục đích giúp Mỹ duy trì vị thế thống trị trong lĩnh vực AI bằng cách kiểm soát lĩnh vực này trên toàn cầu.

"Mỹ đang dẫn đầu về AI - cả về phát triển AI và thiết kế chip AI, và điều quan trọng là chúng ta phải duy trì được điều đó", Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo đánh giá.

Các quy định mới nhằm gia tăng nỗ lực kéo dài 4 năm qua của chính quyền Tổng thống Biden nhằm cản trở Trung Quốc tiếp cận các con chip tiên tiến có thể tăng cường năng lực quân sự của nước này; đồng thời tìm cách duy trì vị thế dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực AI bằng cách lấp các lỗ hổng và bổ sung các rào cản mới để kiểm soát dòng chảy chip bán dẫn và sự phát triển của AI trên toàn cầu.

Hiện chưa rõ chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ thực thi các quy định mới ra sao, nhưng hai chính quyền đều có chung quan điểm về mối đe dọa cạnh tranh từ Trung Quốc. Quy định mới sẽ có hiệu lực sau 120 ngày kể từ ngày công bố, giúp chính quyền của ông Trump có thời gian cân nhắc.

Các giới hạn mới sẽ được áp dụng đối với các đơn vị xử lý đồ họa tiên tiến (GPU) được dùng để cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu cần thiết để đào tạo các mô hình AI. Hầu hết các GPU đó đều do tập đoàn Nvidia có trụ sở tại thành phố Santa Clara, bang California sản xuất, trong khi Advanced Micro Devices cũng bán ra các sản phẩm chip AI.

Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn, chẳng hạn như Microsoft, Google và Amazon, có thể phải xin cấp phép hoạt động toàn cầu khi tiến hành xây dựng các trung tâm dữ liệu bởi đây là một nội dung quan trọng trong các quy định mới về việc miễn trừ các dự án của họ khỏi hạn ngạch quốc gia đối với chip AI.

Để có được con dấu phê duyệt, các công ty được ủy quyền phải tuân thủ các điều kiện và hạn chế nghiêm ngặt, bao gồm các yêu cầu về bảo mật,

Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Biden đã áp đặt các hạn chế toàn diện đối với khả năng Trung Quốc tiếp cận các con chip tiên tiến và thiết bị sản xuất chúng, đồng thời cập nhật các biện pháp kiểm soát hàng năm để thắt chặt các hạn chế.

Phân chia 3 cấp độ tiếp cận

Các quy định mới của Mỹ làm thay đổi bối cảnh phát triển các chip AI và trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới, nên đã vấp phải những chỉ trích mạnh mẽ trong ngành, kể cả là trước khi chúng được công bố.

Nvidia gọi quy định mới của Mỹ là "vượt quá giới hạn" và cho rằng Nhà Trắng nên siết chặt "công nghệ đã có sẵn trong các PC chơi game phổ thông và phần cứng tiêu dùng".

Tương tự, nhà cung cấp trung tâm dữ liệu Oracle đã lên tiếng cho rằng các quy định mới sẽ trao "hầu hết thị trường AI và GPU toàn cầu cho các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc của chúng tôi".

Các quy định áp đặt yêu cầu cấp phép trên toàn thế giới đối với một số chip nhất định đi kèm các trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, chúng cũng đặt ra các biện pháp kiểm soát đối với cái được gọi là "trọng số mô hình" của các mô hình AI "trọng số đóng" tiên tiến nhất. Trọng số mô hình giúp xác định việc ra quyết định trong học máy và thường là các yếu tố có giá trị nhất của một mô hình AI.

Quy định mới của Mỹ chia khả năng tiếp cận công nghệ chip AI của thế giới thành 3 cấp độ. Khoảng 18 quốc gia, bao gồm Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc và Hà Lan, về cơ bản sẽ được miễn trừ khỏi các quy định mới. Khoảng 120 quốc gia khác, bao gồm Singapore, Israel, Saudi Arabia và UAE sẽ bị áp dụng giới hạn quốc gia. Còn các quốc gia bị cấm vận vũ khí như Nga, Trung Quốc và Iran sẽ bị cấm hoàn toàn tiếp nhận công nghệ này.

Ngoài ra, các nhà cung cấp giải pháp có trụ sở tại Mỹ có khả năng nhận được các ủy quyền toàn cầu như AWS và Microsoft sẽ chỉ được phép triển khai 50% tổng công suất tính toán AI bên ngoài nước Mỹ, không quá 25% bên ngoài các quốc gia cấp 1 (18 quốc gia được miễn trừ) và không quá 7% tại một quốc gia không thuộc cấp 1.

Công nghệ AI có thể ứng dụng mạnh mẽ trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục và thực phẩm, cũng như dùng cho phát triển các dịch vụ tiện ích khác. Tuy nhiên, nó cũng bộc lộ mặt trái khi sử dụng để phát triển vũ khí sinh học và các loại vũ khí khác, các cuộc tấn công mạng và giám sát và các hành vi vi phạm nhân quyền khác.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng: "Mỹ cần chuẩn bị cho sự gia tăng nhanh chóng về năng lực AI trong những năm tới bởi điều này có thể có tác động chuyển đổi đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia".

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/my-siet-chat-kiem-soat-luu-thong-chip-ai-tren-toan-cau-d240562.html