Dám nghĩ, dám làm và tâm huyết với nghệ thuật múa lân

Đó là câu chuyện của thanh niên trẻ Đặng Văn Tuyến (SN 1995) ở Ấp 1, xã Mỹ Tân, TP Cao Lãnh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) lân sư rồng Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường.

Anh Đặng Văn Tuyến (bên trái) hướng dẫn cho thành viên trong đội kỹ thuật sản xuất đầu lân

Anh Đặng Văn Tuyến (bên trái) hướng dẫn cho thành viên trong đội kỹ thuật sản xuất đầu lân

Với niềm đam mê nghệ thuật múa lân ngay từ nhỏ, sau quá trình trau dồi, học hỏi kinh nghiệm từ những đoàn lân đi trước, năm 2009, anh Tuyến quyết định mua 1 đầu lân về tập biểu diễn phục vụ cho bà con trong xóm. Dần dần, anh nắm được kỹ thuật và đào tạo thêm 10 thanh niên cùng đi biểu diễn. Cũng từ đây, thầy trò anh thành lập CLB múa lân sư rồng, bắt đầu mở rộng địa bàn biểu diễn. Sau nhiều lần đổi tên, hiện CLB của anh mang tên “Lân sư rồng Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường”, có 30 thành viên, từ 12 - 24 tuổi.

Đầu năm 2015, từ sự đam mê, gắn bó với múa lân, anh đã tìm tòi học hỏi kỹ thuật và chính thức sản xuất thành công những đầu lân, đầu rồng đầu tiên. Từ đó, đến nay, cơ sở sản xuất của anh trở thành một trong số ít cơ sở sản xuất lân sư rồng tại TP Cao Lãnh. Hiện, cơ sở sản xuất lân sư rồng của anh Tuyến có 15 thành viên, thu nhập ổn định mỗi tháng từ 4,5 đến 10 triệu đồng/người, tùy từng công đoạn phụ trách.

Theo anh Tuyến, để sản xuất ra một đầu lân, đầu rồng phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ làm khung cho đến cắt, may, làm phụ kiện trang trí... Tất cả đều đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ đến từng chi tiết của đôi bàn tay và sự sáng tạo của người làm nghề. Việc khó nhất là phải vẽ làm sao để tạo hình đôi mắt lân có hồn và chiều sâu, bởi lân có mạnh mẽ, hung dữ hay hiền lành đều được thể hiện qua đôi mắt. Do đó, người thợ phải đặt cả tâm hồn và cảm xúc của mình vào công việc.

Hàng năm, tuy bận việc sản xuất nhưng anh vẫn cùng với các môn sinh của mình tham gia biểu diễn trong các ngày lễ, ngày hội lớn tại nhiều địa phương. Qua đó, tạo thêm nguồn thu nhập, giúp các em có điều kiện hỗ trợ gia đình, ổn định cuộc sống, đồng thời tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích giúp các em rèn luyện thể lực, ý chí, đạo đức, góp phần nuôi dưỡng niềm đam mê, bảo tồn nghệ thuật múa lân sư rồng của dân tộc.

Chị Lê Thị Duy Linh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, Bí thư Thành đoàn Cao Lãnh nhận xét: “Mô hình sản xuất lân sư rồng của anh Đặng Văn Tuyến đã tạo việc làm cho nhiều bạn trẻ tại địa phương. Mô hình của bạn Tuyến cũng là tấm gương khởi nghiệp hiệu quả, giúp các bạn thanh niên tự tin, mạnh dạn hơn trong quá trình khởi nghiệp sắp tới.

Với tinh thần nhiệt huyết, sáng tạo của tuổi trẻ, anh Đặng Văn Tuyến đã thành công với mô hình khởi nghiệp của mình. Đối với anh, khởi nghiệp không chỉ nâng cao thu nhập cho bản thân, mà còn tạo nhiều việc làm cho xã hội, truyền cảm hứng, cổ vũ, động viên thanh niên tự tin trong lao động, sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Liễu Hiền

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/xa-hoi/dam-nghi-dam-lam-va-tam-huyet-voi-nghe-thuat-mua-lan-124729.aspx