Đàm phán bán TikTok cho Microsoft, CEO ByteDance bị dân Trung Quốc gọi là kẻ phản bội
Người dùng internet Trung Quốc gọi nhà sáng lập kiêm CEO ByteDance, Trương Nhất Minh là 'kẻ phản bội' sau việc đàm phán bán TikTok ở Mỹ cho Microsoft.
Bán TikTok hoặc bị cấm ở Mỹ?
ByteDance có thể sẽ không lùi bước trong tham vọng trở thành công ty công nghệ toàn cầu ngay cả khi TikTok mất thị trường lớn nhất là Ấn Độ và đối mặt với những thách thức không thể vượt qua ở Mỹ. Thế nhưng, một số người dùng internet Trung Quốc đang công kích CEO 37 tuổi của công ty có trụ sở tại Bắc Kinh vì đáp ứng nhu cầu từ Mỹ.
Trong tuyên bố vào cuối ngày 2.8, ByteDance cho biết “vẫn cam kết với tầm nhìn của mình để trở thành một công ty toàn cầu hóa bất chấp những thách thức được đặt ra”.
Sau nhiều tháng nỗ lực xoa dịu các nhà lãnh đạo Mỹ và thu hút công chúng, TikTok đành miễn cưỡng chấp nhận nhượng bộ. “Chúng tôi phải đối mặt với khả năng thực sự buộc phải bán mảng kinh doanh TikTok ở Mỹ bởi CFIUS (Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ - PV) hoặc lệnh hành pháp cấm ứng dụng TikTok ở Mỹ. Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định mình là một doanh nghiệp tư nhân và sẵn sàng áp dụng các giải pháp kỹ thuật, thậm chí nhiều hơn để giải tỏa mối lo ngại của CFIUS. Tuy vậy, họ vẫn cho rằng ByteDance phải bán TikTok ở Mỹ", ông Trương Nhất Minh đã viết trong một bức thư gửi nhân viên vào hôm nay.
Câu chuyện về TikTok đang phát triển khó lường theo mỗi giờ.
Tối 2.8, Microsoft xác nhận đã đối thoại với Tổng thống Donald Trump để theo đuổi việc mua TikTok ở Mỹ từ ByteDance. Điều đáng nói là hôm 31.7, ông Trump cho biết sẽ cấm TikTok chứ không ủng hộ việc công ty Mỹ mua và sở hữu ứng dụng chia sẻ video ngắn của Trung Quốc.
Song theo Reuters, Tổng thống Trump đã thay đổi suy nghĩ sau khi nhận lời khuyên từ một số cố vấn của ông và nhiều người trong đảng Cộng hòa. Lý do vì cấm TikTok có thể làm người dùng Mỹ trẻ tuổi quay lưng với ông Trump trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới và có khả năng sẽ gây ra làn sóng thách thức pháp lý.
Ông Trương Nhất Minh nói với nhân viên rằng ByteDance đã khởi xướng các cuộc thảo luận sơ bộ với một công ty công nghệ (không nhắc đến Microsoft) để giúp dọn đường cho họ tiếp tục cung cấp ứng dụng TikTok tại Mỹ.
Trước đó, tối 1.8, Tổng giám đốc TikTok ở Mỹ, bà Vanessa Pappas đăng video clip trấn an người dùng khi khẳng định “TikTok không có kế hoạch đi đâu cả”.
Trương Nhất Minh dù thất vọng nhưng dường như không nao núng khi viết thư gửi nhân viên: “Chúng tôi không đồng ý với kết luận của CFIUS vì luôn cam kết về sự an toàn của người dùng, tính trung lập của nền tảng và tính minh bạch. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu quyết định của họ trong môi trường vĩ mô hiện tại”.
Dân mạng Trung Quốc phẫn nộ
Những lời phản hồi trên của ByteDance không làm hài lòng một số người Trung Quốc. Trên Weibo, mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc, hàng trăm người dùng ẩn danh đã bình luận dưới một bài đăng về bức thư của Trương Nhất Minh. Trong đó có người chửi ông là “kẻ phản bội Trung Quốc”, “kẻ hèn nhát”, “kẻ biện hộ người Mỹ”,…
“Zhang Yiming từng ca ngợi Mỹ vì đã cho phép tranh luận, không giống như ở Trung Quốc, nơi các ý kiến là một chiều. Bây giờ ông bị tát vào mặt. Tại sao ông không tranh cãi với Mỹ?”. Đó là một trong những bình luận phổ biến nhất với hơn 3.600 lượt thích.
Người bình luận còn đề cập đến một số bài viết của Trương Nhất Minh về Weibo từ đầu những năm 2010, trong đó một số người đánh giá ông phóng khoáng và đưa doanh nhân này vào hàng ngũ trí thức công cộng. Thuật ngữ này trong những năm gần đây được coi là xúc phạm, vì những người Trung Quốc yêu nước trên internet coi nhóm đó là những người không biết gì và tôn thờ các giá trị phương Tây.
Ông Rich Bishop, CEO AppInChina (nền tảng giúp các ứng dụng và game quốc tế được xuất bản lên Google Play Store ở Trung Quốc) nhận xét về chuyện của ByteDance: “Quan điểm chung của người dùng phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc rằng đây là biện pháp ăn miếng trả miếng như một phần của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang căng thẳng. Họ cũng tin rằng bước đi được thực hiện do thành công của TikTok, vì giờ đây nó đã trở thành mối đe dọa đối với các nền tảng của Mỹ như Facebook và Twitter”.
Tài khoản Trương Nhất Minh trên Weibo hiện bị đình chỉ, có lẽ nhằm ngăn chặn làn sóng những người Trung Quốc bày tỏ sự tức giận dưới bài viết của ông.
Thật khó để đánh giá mức độ phẫn nộ từ người Trung Quốc với quyết định bán TikTok ở Mỹ cho Microsoft của ByteDance, hoặc những người bình luận công kích Trương Nhất Minh có được chính phủ trả tiền không?
Mặc cơn thịnh nộ trên mạng nhắm vào CEO ByteDance, chính quyền Bắc Kinh tỏ ra khá cam chịu khi một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ đơn thuần phủ nhận cáo buộc của Mỹ chống lại TikTok: “Không có bằng chứng cụ thể nào được chính phủ Hoa Kỳ nêu công khai để hỗ trợ cho tuyên bố của mình rằng TikTok là mối đe dọa an ninh quốc gia”.
Điều nhiều người quan tâm là Chính phủ Trung Quốc có làm gì để trả đũa Mỹ?
Đồng nghiệp thông cảm
Các công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư ở Trung Quốc tỏ ra thông cảm hơn với ByteDance. Nhiều người thấy rằng nếu thỏa thuận với Microsoft được thông qua, đó có thể là kết quả tồi tệ nhất với TikTok.
“Họ bị mắc kẹt giữa một tảng đá và một nơi khó khăn. Chúng tôi đang ở trong một môi trường pháp lý thay đổi nhanh chóng. Tôi nghĩ rằng người tiêu dùng có thể muốn tiếp tục sử dụng dịch vụ và đây là một cách tiềm năng để thực hiện điều đó. Rõ ràng, tôi không nghĩ rằng đó là những gì ByteDance thực sự muốn”, ông William Bao Bean, Giám đốc điều hành của trung tâm sáng tạo tư nhân Chinaccelerator ở Bắc Kinh, nhận xét.
Ông Rich Bishop, CEO AppInChina thì nhắc đến thái độ không đối đầu của Microsoft với Bắc Kinh: “Tôi nghĩ rằng đó là một kết quả tốt cho tất cả các bên. Microsoft tất nhiên được hưởng lợi rất nhiều từ việc tham gia vào phương tiện truyền thông xã hội. ByteDance được khoản thanh toán tốt. ByteDance và Chính phủ Trung Quốc tương đối thân thiện với Microsoft”.
Sau vấn đề của TikTok ở Mỹ, các công ty Trung Quốc muốn toàn cầu hóa có thể sẽ chuyển hướng sang khu vực Đông Nam Á, châu Phi và Nam Mỹ.
“Vấn đề quan trọng là giành được cơ hội ở Mỹ, Canada, Úc hoặc Ấn Độ. Cơ hội thành công ở châu Âu cũng trở nên nhỏ hơn và rủi ro đang gia tăng rất nhiều” là lời than thở từ cựu CEO người Mỹ của một doanh nghiệp Trung Quốc khổng lồ, yêu cầu giấu tên.