Đàm phán chấm dứt xung đột ở Ukraine và Dải Gaza, khi nào và như thế nào
Xung đột ở Ukraine kéo dài gần hai năm. Giao tranh giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza tròn hai tháng. Câu hỏi ám ảnh cộng đồng quốc tế và người dân ở các quốc gia can dự, bao giờ chiến sự kết thúc và kết thúc theo hình thức nào?
Đàm phán phức tạp, phụ thuộc nhiều nhân tố
Trước kia, chiến tranh thường kết thúc kiểu “lấm lưng trắng bụng”, một bên bị đo ván (knock-out), không thể tiếp tục hoạt động, chấp nhận thay đổi thể chế chính trị, bị chia tách lãnh thổ. Những thập niên gần đây, xuất hiện các trường hợp đàm phán kết thúc chiến tranh. Vì sao và điều kiện nào dẫn đến đàm phán?
Một là, xuất hiện những loại hình chiến tranh mới, diễn biến và kết cục phức tạp, khó dự báo. Trong các loại hình mới như chiến tranh phi quy ước, chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh phức hợp…, vai trò, tác động của các hoạt động phi quân sự (kinh tế, ngoại giao, văn hóa, thông tin truyền thông…) ngày càng lớn. Bên yếu hơn có thể vận dụng các thủ đoạn, biện pháp “phi đối xứng”, giảm phần nào sự chênh lệch tương quan tổng lực, đưa cuộc chiến vào thế giằng co, kéo dài. Bên mạnh hơn không dễ giành thắng lợi trong thời gian ngắn, thậm chí bị sa lầy. Có thể thắng nhưng sau đó cuộc chiến lại bùng phát.
Sự can dự và tác động của các nhân tố bên ngoài ngày càng lớn đến tương quan sức mạnh và cục diện của cuộc xung đột. Sự chi viện, hỗ trợ vũ khí, tài chính, chính trị, ngoại giao… của phương Tây là nhân tố không thể thiếu để Ukraine phòng thủ, tiến hành các đòn phản công, hy vọng đảo ngược cục diện chiến trường. Hamas được sự hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp từ các tổ chức Hồi giáo vũ trang Hezbollah, Houthi và Iran… giảm bớt phần nào sự chênh lệch sức mạnh với Israel, để tìm kiếm một kết cục có thể chấp nhận được.
Những nhân tố đó làm cho xung đột dễ kéo dài, có thể sa lầy, diễn biến và kết cục khó lường, buộc các bên phải tính đến phương án khác.
Hai là, hậu quả thảm khốc, tác động đa chiều, khó đong đếm đến nhiều quốc gia, khu vực. Các bên đều có thể bị tổn thất về quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao…; số thường dân thiệt mạng lớn, cơ sở hạ tầng bị tàn phá, để lại hậu quả lớn về kinh tế - xã hội cho nhiều thế hệ.
Không chỉ các nước trực tiếp tham chiến, mà khu vực, thế giới cũng bị ảnh hưởng. Lệnh trừng phạt, cấm vận đặt nhiều nước trước tình thế chọn bên, gây chia rẽ, phân tán nguồn lực, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn đến suy thoái kinh tế. Dòng người tị nạn, di cư gây bất ổn xã hội cho nhiều nước.
Xung đột càng kéo dài thì tác động tiêu cực càng lớn. Thông tin, truyền thông phát triển làm cho thế giới cảm nhận hậu quả chiến tranh một cách nhanh chóng, trực quan, cụ thể, rõ ràng hơn. Điều này buộc các nhà lãnh đạo phải cân nhắc thận trọng các quyết định liên quan đến xung đột.
Ba là, hậu quả nhiều mặt thúc đẩy phong trào phản đối chiến tranh, kêu gọi ngừng bắn, đàm phán hòa bình ở các nước tham chiến, can dự và ở nhiều quốc gia khác trong khu vực, trên thế giới. Điều đó tạo áp lực đáng kể đối với các chính phủ và các tổ chức quốc tế, nhất là các bên trực tiếp tham chiến. Đòi hỏi các bên hành động, hướng tới ngừng bắn, đàm phán, tìm giải pháp kết thúc xung đột.
Các nước lớn có vai trò rất quan trọng thúc đẩy đàm phán. Tuy nhiên, việc một số nước lớn lợi dụng chiến sự làm đối thủ suy yếu, buộc các nước khác phụ thuộc, tranh giành ảnh hưởng, địa bàn chiến lược sẽ cản trở giải pháp đàm phán.
Bốn là, khó nhưng vẫn có hy vọng. Khả năng đàm phán và tiến trình đàm phán phụ thuộc vào nhiều nhân tố, cả bên trong và bên ngoài, khách quan và chủ quan. Tương quan sức mạnh, mục đích, mục tiêu, chiến lược, chiến thuật của các bên là nhân tố quyết định trực tiếp. Mục tiêu càng cao, càng đối lập nhau, thì khả năng đàm phán càng thấp và tiến trình đàm phán càng phức tạp, kéo dài.
Cái khó nhất là lập trường các bên quá xa nhau, thậm chí là đối lập. Bên yếu thế hơn thường muốn đàm phán, nhưng cố để không quá thua thiệt. Bên mạnh muốn giành thắng lợi hoàn toàn; chỉ chấp nhận đàm phán khi tổn thất đáng kể, bị phản đối mạnh, khó giành thắng lợi trong thời gian ngắn, có nguy cơ sa lầy.
Cái khó nhất là lập trường các bên quá xa nhau, thậm chí là đối lập.
Đàm phán nhằm kết thúc xung đột có lợi nhất, nhưng cũng có thể để tranh thủ thời gian củng cố lực lượng, hạn chế đà tiến công của đối phương hoặc để đối phó với áp lực trong nước và quốc tế. Quá trình đàm phán có thể đan xen hoạt động quân sự, gây sức ép, buộc đối phương chấp nhận điều kiện bất lợi.
Biến động chính trị tại nước tham chiến, hoặc ở các nước lớn liên quan trực tiếp có thể tác động đến khả năng và tiến trình đàm phán. Nếu phe ủng hộ giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp phi quân sự giành quyền lãnh đạo, thì khả năng thúc đẩy đàm phán lớn hơn và ngược lại.
Như vậy, đàm phán là một giải pháp quan trọng để có thể kết thúc xung đột, giảm bớt tổn thất cho các bên, có lợi cho hòa bình thế giới, nhưng mở đầu và quá trình rất khó khăn, phức tạp. Ngoài các nhân tố chung, diễn biến còn phụ thuộc vào tình hình cụ thể của mỗi cuộc chiến.
Đàm phán ở Ukraine hãy còn xa
Đến nay, Nga cơ bản giữ được Crimea, các khu vực thuộc 2 nước cộng hòa tự trị ly khai đã sáp nhập và mở rộng một số địa bàn quan trọng; không để xảy ra bất ổn kinh tế - xã hội; tiêu hao một phần tiềm lực quân sự, kinh tế của Ukraine… Nhưng mục tiêu phi quân sự hóa, trung lập hóa ở Ukraine cơ bản chưa thực hiện được. Nga cũng chịu những tổn thất không nhỏ, tiêu tốn nhiều nguồn lực.
Việc các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga bị tấn công, gây thiệt hại vật chất, làm bộc lộ hạn chế của hệ thống phòng thủ, tác động nhất định đến tâm lý, tinh thần người dân. Các mối quan hệ giữa Nga với EU hầu như đình trệ. Mâu thuẫn giữa các nước từng là thành viên Liên Xô, tổ chức hiệp ước Warsaw với Nga ngày càng sâu sắc. Một số đối tác gần gũi của Nga ở Trung Á, Caucasus có xu hướng ngả theo phương Tây.
Nga cố gắng kiểm soát các khu vực chiếm giữ và mở rộng ra một số mục tiêu quan trọng. Phát triển tiến công quy mô lớn vào phần lớn lãnh thổ Ukraine, đòi hỏi huy động nhiều lực lượng, có thể khiến Nga gặp khó khăn hơn. Tiếp tục cuộc chiến tiêu hao, kích thích nhân tố gây biến động chính trị - xã hội Ukraine, đẩy Kiev vào thế phải chấp nhận điều kiện, có thể là phương án tốt. Nhưng không loại trừ Moscow bị sa lầy, rơi vào ý đồ của phương Tây.
Chiến dịch phản công của Ukraine cơ bản không đạt được mục tiêu. Xuất hiện những dấu hiệu rạn nứt nội bộ giữa một số tướng lĩnh quân đội với chính phủ Tổng thống Zelensky và giữa một số nước EU với Ukraine. Phương Tây vẫn cam kết viện trợ vũ khí, tài chính cho Ukraine, nhưng chậm hơn. Có dấu hiệu một số nước muốn Ukraine đàm phán với Nga và sẵn sàng làm trung gian. Tuy nhiên, Ukraine vẫn quyết chống trả, hy vọng đảo ngược cục diện.
Mùa Đông không thuận lợi cho mở rộng hoạt động quân sự, chủ yếu là các hoạt động chiến thuật, phá hoại, tập kích hỏa lực đường không, khó dẫn đến đột biến về quân sự. Cục diện chiến trường chưa rõ ràng, các bên vẫn tuyên bố cứng rắn, quyết không lùi và chưa có dấu hiệu rõ ràng nào về đàm phán. Nhưng cũng không thể kéo dài mãi cuộc xung đột. Nếu không ngã ngũ bằng quân sự, thì sẽ phải tính đến các phương án khác.
Tuy khó dự báo thời điểm, kết quả đàm phán, nhưng có thể đưa ra một số kịch bản. Thứ nhất, Nga giành ưu thế, nhưng chưa đủ để kết thúc thắng lợi cuộc xung đột. Ukraine tổn thất nặng nề, gặp nhiều khó khăn, chịu sức ép lớn từ bên trong và bên ngoài, phải chấp nhận ngừng bắn, đàm phán. Thứ hai, Nga bị tổn thất, gặp khó khăn, chịu sức ép lớn từ bên ngoài, đi đến thỏa thuận ngừng bắn, đàm phán, nhưng vẫn giữ “vùng lãnh thổ mới”. Thứ ba, cuộc chiến bế tắc, cả Nga và Ukraine cùng thỏa hiệp về một thỏa thuận hòa bình lâu dài.
Kịch bản thứ hai ít khả năng xảy ra; khả năng kịch bản thứ ba còn thấp hơn nữa. Tiến trình thỏa thuận đàm phán phải qua nhiều bước, mở đầu bằng ngừng bắn tạm thời hoặc lâu dài, “đóng băng xung đột” với các điều kiện cụ thể. Chấp nhận ngừng bắn, “đóng băng xung đột” rất khó nhưng đổ vỡ thì dễ, từ bất cứ bên nào.
Vướng mắc cơ bản là Ukraine rất khó chấp nhận từ bỏ lãnh thổ. Trừ khi có đột biến trên chiến trường, đột biến chính trị bên trong và phương Tây tác động, hạn chế cung cấp vũ khí, tài chính cho Ukraine. Theo ông Châu Lực, nguyên Phó trưởng Ban liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Ngoại sự Chính hiệp Trung Quốc khóa XIII, chìa khóa giải quyết xung đột ở Ukraine nằm trong tay các nước phương Tây. Nhưng đến nay họ chưa có động thái gì. Có chăng khi Nga chấp nhận thỏa hiệp với phương Tây. Mà điều này cũng rất khó.
Có thể nói kịch bản đàm phán còn xa lắm, khó xảy ra trong tương lai gần. Nếu không có đột biến, thời điểm đàm phán sớm nhất có thể vào những tháng cuối năm 2024, khi cục diện chiến trường rõ ràng hơn và sau bầu cử Tổng thống Mỹ lần thứ 60.
Dải Gaza, hy vọng mong manh
Khoảng lặng 7 ngày ngừng bắn quý và hiếm hoi chấm dứt. Ngay sau đó là giao tranh ác liệt chưa từng có. Không quá bất ngờ, bởi đây là xung đột phức tạp, kéo dài và khó giải quyết nhất thế giới, kéo theo hơn 6 cuộc chiến tranh ở Trung Đông và nhiều vụ đụng độ đẫm máu.
Thực trạng đó do 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, mâu thuẫn sâu sắc, phức tạp, chồng chất, dai dẳng, xuyên suốt từ lịch sử về lãnh thổ, sắc tộc, văn hóa, tôn giáo… Bản chất của nó là xung đột về quyền cùng tồn tại của hai nhà nước, hai dân tộc, rất khó hóa giải. Thứ hai, mâu thuẫn nội bộ giữa các phe phái ở Israel và Palestine, cản trở chính phủ “vượt rào”, thỏa hiệp, tìm giải pháp đột phá giải quyết mâu thuẫn. Thứ ba, toan tính lợi ích chiến lược của các nước trong khu vực và các nước khác, nhất là nước lớn. Mỹ và một số nước “quay xe”, không coi việc Tel Aviv lập các khu tái định cư ở Bờ Tây là vi phạm luật pháp quốc tế; công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, càng làm tình hình thêm phức tạp. Quan điểm khác nhau, tác động trái chiều đẩy giải pháp đàm phán ra xa.
Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế phản đối bạo lực gây tổn thất sinh mạng nhiều thường dân, kêu gọi chấm dứt xung đột. Israel vẫn tiếp tục tiến công với phạm vi rộng hơn, quy mô, cường độ lớn hơn. Israel muốn tận dụng thời cơ, xóa sổ tận gốc Hamas, quản lý Dải Gaza, ngăn chặn lâu dài các hành động quân sự chống Tel Aviv. Hamas không chấp nhận bị loại bỏ cả về quân sự, chính trị, kiên quyết chống trả. Palestine muốn Israel ngừng chiến, rút khỏi Dải Gaza, chấp nhận đường biên giới theo đề xuất của Liên hợp quốc.
Hai nhà nước cùng tồn tại, cùng chung sống là giải pháp duy nhất mang lại hòa bình cho Israel, Palestine và khu vực. Nhưng mục tiêu, lập trường của Israeel và Hamas đối lập nhau. Áp lực quốc tế, hành động của các nước khác, nhất là nước lớn chưa đủ mạnh để thúc đẩy thỏa hiệp, ngừng bắn lâu dài, tiến tới đàm phán. Một số nước và tổ chức Hồi giáo khác có thể là nhân tố khiến xung đột lan rộng.
Do đó, hy vọng đàm phán ở Dải Gaza vẫn mong manh. Xung đột tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo. Thời gian để Israel thực hiện mục tiêu cơ bản đề ra ở Dải Gaza, kết thúc chiến dịch tiến công từ 1 đến 2 tháng. Tel Aviv có thể tính tới giải pháp đàm phán trên thế mạnh với những điều kiện tiên quyết mà Palestine khó chấp nhận. Điều cần thiết nhất là sự thỏa hiệp của các bên, nhất là của Israel.
Nếu các bên không thỏa hiệp, tình hình lặp lại như trước đây. Chiến sự kết thúc một thời gian, rồi có thể bùng phát, như các cuộc chiến tranh, xung đột trước đây. Đi đến đàm phán đã khó, kết thúc để các bên cùng chấp nhận được càng khó hơn.