Đàm phán hạt nhân Iran: Hai bên đều đánh giá tích cực, nhóm châu Âu cảnh báo Tehran cố tình 'câu giờ'

Nhóm các nước châu Âu E3 (gồm Anh, Đức, Pháp) vừa cảnh báo Iran đang cố tình kéo dài các cuộc đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới nhằm cản trở khả năng áp đặt trừng phạt nếu không đạt được thỏa thuận.

Iran và Mỹ đã đạt được sự hiểu biết lẫn nhau sau cuộc đàm phán ngày 23/5 tại Rome, Italy. (Nguồn: Reuters)

Iran và Mỹ đã đạt được sự hiểu biết lẫn nhau sau cuộc đàm phán ngày 23/5 tại Rome, Italy. (Nguồn: Reuters)

Theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Iran ký với Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Liên minh châu Âu (EU), còn có tên là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), các quốc gia tham gia có quyền áp đặt các lệnh trừng phạt toàn diện của Hội đồng Bảo an LHQ đối với Iran thông qua một cơ chế gọi là "snapback" (kích hoạt nhanh), nhằm đáp trả những vi phạm nghiêm trọng của Tehran đối với các cam kết hạt nhân.

Tuy nhiên, theo báo Jerusalem Post, cơ chế này sẽ không còn hiệu lực sau tháng 10 tới, khi mốc thời gian "hoàng hôn" (sunset date) chính thức có hiệu lực.

Các bên ký kết tại châu Âu đã khẳng định rõ với Iran rằng, nếu không đạt được một thỏa thuận hạt nhân "ý nghĩa" mới trước tháng 5, họ sẽ kích hoạt cơ chế này, dẫn đến việc áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc đối với Iran.

Một số nguồn tin châu Âu nhận định: "Các cuộc đàm phán cần có lộ trình thời gian cụ thể; nếu không, Iran sẽ cố tình kéo dài để tạo ra sự đối đầu giữa Mỹ và châu Âu nhằm ngăn chặn việc sử dụng cơ chế trừng phạt".

Về phía Iran, trong một tuyên bố ngày 25/5, Ngoại trưởng Abbas Araghchi cảnh báo: "Nếu các nước châu Âu kích hoạt cơ chế snapback theo thỏa thuận hạt nhân, Iran sẽ đáp trả một cách mạnh mẽ".

Phản ứng của châu Âu được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân gián tiếp giữa Mỹ và Iran vẫn chưa có kết quả cụ thể.

Cuộc đàm phán giữa hai nước bắt đầu từ tháng 4, là cấp độ tiếp xúc cao nhất giữa hai bên kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA từ năm 2018 dưới nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump.

Từ khi trở lại nắm quyền, ông Trump tiếp tục chiến dịch “gây áp lực tối đa” với Iran, ủng hộ đối thoại nhưng cảnh báo sẵn sàng hành động quân sự nếu ngoại giao thất bại. Trong khi đó, Tehran mong muốn đạt một thỏa thuận mới nhằm nới lỏng các lệnh trừng phạt vốn đã giáng đòn nặng nề vào nền kinh tế nước này.

Cả Mỹ và Iran đều coi việc Tehran tiếp tục làm giàu uranium là “lằn ranh đỏ”, đồng thời hai bên cũng chưa đạt được đồng thuận về việc Iran có bắt buộc phải chuyển toàn bộ kho dự trữ uranium ra nước ngoài hay không.

Cho đến cuộc đàm phán mới đây nhất, diễn ra ngày 23/5 tại Rome (Italy), cả hai nước đều đưa ra những đánh giá tích cực.

Ngày 23/5, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi cho biết, nước này và Mỹ đã đạt được sự hiểu biết lẫn nhau sâu sắc hơn sau vòng đàm phán hạt nhân mới nhất tại Rome (Italy), song thừa nhận các cuộc đàm phán là vấn đề rất phức tạp và khó có thể giải quyết "trong 2 hoặc 3 cuộc gặp".

Theo ông Araghchi, Oman, quốc gia đóng vai trò là trung gian đàm phán, đã đề xuất các cơ chế để loại bỏ những trở ngại nhằm đạt được một thỏa thuận giữa Tehran và Washington, đồng thời bày tỏ hy vọng hai bên sẽ đạt được tiến bộ trong các vòng đàm phán tiếp theo.

Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump ngày 25/5 cho biết, các nhà đàm phán nước này đã có các cuộc hội đàm "rất tốt đẹp" với một phái đoàn Iran vào cuối tuần qua và "có thể có một số tin tốt về vấn đề Iran".

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dam-phan-hat-nhan-iran-hai-ben-deu-danh-gia-tich-cuc-nhom-chau-au-canh-bao-tehran-co-tinh-cau-gio-315528.html