Đàm phán hạt nhân Mỹ- Iran bắt đầu chuyển sang giai đoạn khó khăn hơn

Mỹ và Iran đều cho thấy sự lạc quan thận trọng sau vòng đàm phán thứ 3 tại Oman. Giai đoạn thảo luận sắp tới được dự báo là khó khăn hơn khi đi sâu hơn vào những vấn đề kỹ thuật, trong đó có chương trình làm giàu urani và tên lửa của Iran.

Mỹ và Iran ngày 26/4 đã tiến hành đàm phán cả ở cấp cao và cấp chuyên gia. Phái đoàn Iran do Ngoại trưởng Abbas Araghchi dẫn đầu, trong khi phía Mỹ là Đặc phái viên về Trung Đông Steve Witkoff. Các quan chức chính quyền Tổng thống Donald Trump mô tả các cuộc thảo luận diễn ra tích cực và hiệu quả. Dù vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng đã có thêm tiến triển trong việc đạt được thỏa thuận. Hai bên đã nhất trí sẽ sớm gặp lại nhau.

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian thăm quan triển lãm thành tựu hạt nhân ở Tehran, ngày 9/4/2025. Ảnh: WANA/Reuters

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian thăm quan triển lãm thành tựu hạt nhân ở Tehran, ngày 9/4/2025. Ảnh: WANA/Reuters

Giới quan sát nhận định vòng đàm phán thứ 3 này là giai đoạn đàm phán kỹ thuật khó khăn hơn khi Mỹ đưa ra các điều kiện của mình. Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi hôm qua cho biết vẫn còn những khác biệt về các vấn đề chính và nước này hy vọng nhưng thận trọng về việc đạt được thỏa thuận.

“Tôi xin nói rõ, chúng tôi chỉ thảo luận các vấn đề liên quan đến năng lượng hạt nhân. Chúng tôi không đàm phán bất kỳ vấn đề nào khác. Khi nói “liên quan đến hạt nhân”, chúng tôi muốn nói đến việc xây dựng lòng tin vào chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Các cuộc thảo luận về chương trình hạt nhân và lệnh trừng phạt diễn ra cùng nhau nhưng nó chỉ được biết đến là vấn đề hạt nhân. Chúng tôi chỉ thảo luận vấn đề này và sẽ không chấp nhận đàm phán bất kỳ vấn đề nào khác. Và trong ba vòng đàm phán vừa qua, điều này đã được cả hai bên tôn trọng”, ông Araghchi nhấn mạnh.

Đáng chú ý, vòng đàm phán mới nhất này giữa Mỹ và Iran lần đầu tiên có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế. Và Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi hi vọng từ những vòng tiếp theo sẽ có thêm các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) khi các bên đi sâu hơn về các chi tiết của vấn đề hạt nhân.

Năm 2015, Iran và nhóm P+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đức) đã đạt được thỏa thuận, theo đó Iran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đã làm tê liệt nền kinh tế đất nước.

Năm 2018, trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đã đã đơn phương rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt với nước Cộng hòa Hồi giáo. Iran đã trả đũa bằng cách tăng cường làm giàu urani lên độ tinh khiết 60%, gần với mức khoảng 90% cần thiết để chế tạo bom hạt nhân.

Mặc dù các bên vẫn cam kết tiếp tục đàm phán, những rào cản kỹ thuật và chính trị, đặc biệt liên quan đến mức độ làm giàu urani và chương trình tên lửa của Iran tiếp tục là các yếu tố chính gây cản trở việc đạt được một thỏa thuận mới.

Kể từ khi trở lại Nhà trắng vào đầu năm nay, Tổng thống Donald Trump nhiều lần tuyên bố, ông muốn một thỏa thuận “mạnh mẽ hơn” với Iran so với thỏa thuận năm 2015.

“Tình hình Iran đang diễn biến rất tốt. Chúng tôi đã có nhiều cuộc đàm phán với Iran và tôi nghĩ rằng sẽ có một thỏa thuận. Tôi muốn có một thỏa thuận hơn là một giải pháp thay thế khác. Điều đó sẽ tốt cho toàn thế giới”, Tổng thống Trump cho biết.

Tờ WSJ dẫn các nguồn tin cấp cao cho biết, Mỹ đã yêu cầu Iran hạn chế mức độ làm giàu urani xuống dưới ngưỡng có thể sử dụng để sản xuất vũ khí hạt nhân và muốn gắn chương trình phát triển tên lửa với nội dung đàm phán thỏa thuận mới nhằm hạn chế khả năng của Iran sản xuất và triển khai tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, Iran phản đối mạnh mẽ, cho rằng đây là lĩnh vực thuộc chủ quyền quốc gia và không liên quan đến các cuộc thương lượng hạt nhân. Vòng đàm phán tiếp theo giữa Mỹ và Iran dự kiến sẽ diễn ra vào tuần tới.

Thu Hoài/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dam-phan-hat-nhan-my-iran-bat-dau-chuyen-sang-giai-doan-kho-khan-hon-post1195234.vov