Đàm phán hòa bình Ukraine bắt đầu ở London sau khi bị hạ cấp
Các quan chức Mỹ, Anh, Đức, Pháp và Ukraine đã bắt đầu cuộc họp tại London vào ngày 23/4 để thảo luận về con đường chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine - trang Sky News đưa tin.

Cố vấn Ngoại giao Pháp Emmanuel Bonne, người đứng đầu văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak, Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, cố vấn an ninh quốc gia Anh Jonathan Powell và cố vấn an ninh quốc gia Đức Jens Plotner tại bàn đàm phán ở Paris (Pháp) ngày 17/4/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Cuộc họp dự kiến được tổ chức ở cấp bộ trưởng, nhưng đã bị hạ cấp sau khi Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hủy tham dự.
Động thái của ông Rubio diễn ra sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky bác công nhận việc Nga sáp nhập Crimea như một phần của thỏa thuận tiềm tàng. Kế hoạch hòa bình của Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là bao gồm việc Washington công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với bán đảo Crimea.
Phái đoàn Ukraine, bao gồm Chánh Văn phòng Tổng thống Andriy Yermak, Bộ trưởng Ngoại giao Andrii Sybiha và Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov, hiện đang gặp gỡ các cố vấn an ninh quốc gia châu Âu cũng như các quan chức Mỹ.
Tại London, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha vẫn dự kiến sẽ có cuộc gặp song phương với người đồng cấp Anh David Lammy.
Theo một nguồn tin chính thức nói với tờ Washington Post, giới lãnh đạo Mỹ đã tức giận vì Ukraine từ chối nhượng lãnh thổ cho Nga và khăng khăng yêu cầu đòi ngừng bắn hoàn toàn như là bước đi đầu tiên hướng tới hòa bình, dẫn đến việc các cuộc đàm phán bị gián đoạn.
"Bất chấp mọi thứ, chúng tôi vẫn tiếp tục nỗ lực vì hòa bình", ông Yermak nói khi đến London. "Hôm nay, chúng ta sẽ thảo luận về các cách thức đạt được lệnh ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện như là bước đầu tiên hướng tới một giải pháp toàn diện và đạt được một nền hòa bình công bằng và lâu dài".
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yuliia Svyrydenko cũng tuyên bố, Kiev "sẵn sàng đàm phán, nhưng không đầu hàng", nhấn mạnh nhu cầu đảm bảo an ninh và từ chối công nhận việc Nga sáp nhập lãnh thổ Ukraine.
Việc hạ cấp cuộc đàm phán tại London diễn ra trong bối cảnh có dấu hiệu gia tăng sự thất vọng ở Washington.
Trước đó, Tổng thống Trump đã nói rằng đất nước ông sẽ từ bỏ các nỗ lực hòa bình trong những ngày tới nếu như đàm phán không đạt tiến triển.
"Chúng tôi sẽ không tiếp tục nỗ lực này trong nhiều tuần và nhiều tháng nữa", Ngoại trưởng Rubio nói với các phóng viên sau các cuộc đàm phán tại Paris. Ông cảnh báo rằng Tổng thống Trump có thể sớm chuyển sang "các ưu tiên khác".
Tờ Al Jazeera cho hay, theo các quan chức được thông báo về đề xuất do Mỹ lưu hành tại Paris, khuôn khổ này bao gồm một điều khoản gây tranh cãi yêu cầu Ukraine phải công nhận việc Nga sáp nhập Crimea.
Văn bản, được các quan chức Mỹ mô tả là “lời đề nghị cuối cùng” của ông Trump, đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ Kiev.
“Không có gì để nói cả. Điều này vi phạm Hiến pháp của chúng tôi. Đây là lãnh thổ của chúng tôi – lãnh thổ của người dân Ukraine", Tổng thống Zelensky phát biểu trong một cuộc họp báo tại tại Kiev ngày 22/4.
Crimea, bị Nga sáp nhập vào năm 2014, là một trong số nhiều nhượng bộ tiềm năng mà Kiev lo ngại có thể được xem xét, cùng với những lo ngại rằng họ có thể bị yêu cầu nhượng bộ thêm ở các khu vực Kherson, Donetsk, Luhansk và Zaporizhia.
Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, Yuri Ushakov, cho biết đặc phái viên của Tổng thống Mỹ, Witkoff dự kiến sẽ trở lại Moskva trong tuần này để thảo luận thêm.
Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã cảnh báo không nên vội vã trong quá trình này. "Vấn đề giải quyết phức tạp đến mức sẽ là sai lầm nếu đặt ra một số giới hạn chặt chẽ và cố gắng đặt ra một khung thời gian ngắn cho một giải pháp, một giải pháp khả thi - đó sẽ là một nhiệm vụ vô nghĩa", ông nói.