Đàm phán Nga - Ukraine, bàn cờ thử nghiệm cho trật tự thế giới
Các tín hiệu gần đây từ Moscow và Kiev về khả năng hòa đàm, cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ Nga và Mỹ cùng sự tham gia tích cực trong vai trò trung gian của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Vatican đã mở ra chương mới cho xung đột Nga - Ukraine.
Nga và Ukraine đã đàm phán trực tiếp hôm 16/5 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 3 năm sau vòng thương lượng đầu tiên kể từ khi xung đột giữa hai bên bùng phát vào cuối tháng 2/2022. Trong cuộc đối thoại lần này, các đại diện của Moscow và Kiev đã thảo luận về việc xây dựng bản ghi nhớ nhằm tiến tới một thỏa thuận hòa bình, bao gồm cả khả năng thiết lập lệnh ngừng bắn tạm thời.
Tuy nhiên, đằng sau những tín hiệu ngoại giao tích cực trên là một bàn cờ chiến lược đa tầng, nơi không chỉ vận mệnh của Ukraine mà cả tương lai của trật tự thế giới được cân nhắc. Điều đó ám chỉ cuộc khủng hoảng này không đơn thuần là xung đột trong khu vực, mà còn là phép thử lớn đối với cân bằng quyền lực toàn cầu.

Ảnh minh họa: Istock
Bàn cờ lợi ích và toan tính chiến lược
Không giống các cuộc hòa đàm truyền thống chỉ xoay quanh ngừng bắn và trao đổi tù binh, các tín hiệu hiện nay mang tính cấu trúc hơn. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này sẵn sàng đề xuất một bản ghi nhớ nêu rõ nguyên tắc và thời gian cho một thỏa thuận hòa bình tiềm năng, phản ánh Moscow dường như đang chuẩn bị một ván cờ dài hơi với các mục tiêu chiến lược được tính toán kỹ lưỡng.
Đối với Mỹ, cuộc điện đàm hôm 19/5 giữa Tổng thống Donald Trump với người đồng cấp Nga Putin mang nhiều lớp ý nghĩa. Một mặt, động thái cho thấy xu hướng “thỏa thuận hóa” các xung đột của ông Trump, vốn đã thể hiện trong chính sách ứng phó với Triều Tiên hay Taliban ở Afghanistan trước đây. Mặt khác, động thái đặt nước Mỹ trở lại vai trò trung gian giữa các cực quyền lực, điều Washington không thể bỏ qua trong giai đoạn cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.
Về phía Nga, việc ông Putin mô tả cuộc điện đàm là “thẳng thắn và hiệu quả” trở thành bước đi chiến lược nhằm thiết lập hình ảnh nước Nga như một đối tác đối thoại có trách nhiệm, đồng thời chủ động trong việc điều phối tiến trình hậu xung đột. Trong khi chiến sự vẫn diễn ra ác liệt ở miền đông Ukraine, Moscow dường như đang tìm cách chuyển hóa ưu thế thực địa thành đòn bẩy chính trị. Có thể thấy, dù đề xuất ngừng bắn là chiến thuật tạm thời, mục tiêu dài hạn của Nga vẫn là tái thiết lập trật tự an ninh khu vực theo hướng giảm thiểu ảnh hưởng của phương Tây.
Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky vẫn giữ lập trường cứng rắn về chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt trong bối cảnh Kiev kỳ vọng vào hội nghị hòa bình quốc tế dự kiến diễn ra tại Thụy Sĩ vào mùa hè này. Song, tình trạng giao tranh ác liệt trên tiền tuyến, chi phí xung đột tăng cao và dấu hiệu mệt mỏi từ các nhà tài trợ phương Tây đang đẩy Ukraine vào tình thế phải xem xét lại chiến lược đối ngoại.
Sự khác biệt trong điều kiện khởi đầu đàm phán cho thấy đây không chỉ là câu chuyện giữa hai quốc gia, mà là phép thử cho cách thế giới định hình trật tự hậu xung đột.
Phép thử trật tự toàn cầu trên bàn đàm phán
Sự trở lại của vai trò trung gian đang định hình lại quỹ đạo đàm phán Nga - Ukraine và đánh dấu bước chuyển từ ngoại giao hình thức sang ngoại giao tác động, nơi vai trò cá nhân có ảnh hưởng vượt lên trên tiến trình thể chế.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu các bên trung gian như Mỹ, đặc biệt là Tổng thống Donald Trump hay Thổ Nhĩ Kỳ và Vatican không giữ được tính trung lập cũng như sự đồng thuận quốc tế, họ có thể trở thành tác nhân trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng hậu xung đột, thay vì là chất xúc tác cho hòa bình thực chất.
Cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm qua giữa Nga - Ukraine đã làm lộ rõ lỗ hổng trong hệ thống luật pháp và an ninh toàn cầu, khi các thể chế như Liên Hợp Quốc hay tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chưa thể ngăn chặn hay giải quyết xung đột một cách hiệu quả. “Nếu thất bại, đàm phán sẽ mở đường cho một trật tự mới, nơi vũ lực lấn át pháp lý. Nếu thành công, đó sẽ là mô hình xử lý xung đột kiểu mới trong thế kỷ 21", cựu Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ Richard Haass nhận định.
Một thỏa thuận ngừng bắn nếu đạt được vẫn sẽ phải vượt qua hàng loạt thách thức như các vấn đề về kiểm soát lãnh thổ, bảo đảm an ninh lâu dài, trách nhiệm pháp lý quốc tế và tái thiết sau xung đột. Dẫu vậy, chính việc các bên sẵn sàng đối thoại đã mang lại tín hiệu tích cực về hòa bình dù mong manh đang được đặt lên bàn thương lượng, thay vì bị tiếng súng lấn át. Đây không chỉ là nỗ lực của khu vực, mà là thước đo cho năng lực của cộng đồng quốc tế trong việc xử lý khủng hoảng bằng giải pháp chính trị thay vì đối đầu quân sự.
Đàm phán Nga - Ukraine đang đặt ra một phép thử cho các thiết chế toàn cầu và những nguyên tắc nền tảng của quan hệ quốc tế. Khi xung đột hiện đại không còn phân định rõ thắng - thua, ngoại giao chính là chiến lược dài hạn.
Trong ngắn hạn, nhiều khả năng Nga sẽ tận dụng bàn đàm phán để hợp thức hóa một số lợi ích đã đạt được trên thực địa như duy trì quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ then chốt ở miền đông và miền Nam Ukraine. Kiev cũng sẽ tìm cách bảo vệ các nguyên tắc chủ quyền lãnh thổ, trong khi vẫn để ngỏ cánh cửa ngoại giao để không đánh mất vai trò như bên thiện chí trong mắt cộng đồng quốc tế. Chính quyền Zelensky đồng thời có thể sử dụng các cuộc hòa đàm làm đòn bẩy ngoại giao để buộc Nga nhượng bộ từng phần và tranh thủ thời gian củng cố năng lực quân sự.
Câu hỏi đặt ra là, liệu thế giới có học được cách dập tắt xung đột trước khi nó lan rộng hay vẫn mãi lặp lại vòng xoáy bạo lực - hòa đàm như lịch sử từng chứng kiến hay không?