Nga nâng cấp hỏa lực cho UAV Shahed-136 với đầu đạn gần 90kg

Nga đã âm thầm nâng cấp loại máy bay không người lái (UAV) tấn công Shahed-136, bằng cách trang bị loại đầu đạn mới có trọng lượng lên đến 90kg, gần gấp đôi phiên bản cũ.

Thông tin do các cơ quan tình báo quân sự Ukraine tiết lộ trong tháng 5, cho thấy loại UAV này đang được sử dụng rộng rãi trong các đợt tấn công trên khắp lãnh thổ Ukraine, với khả năng gây thiệt hại lớn hơn đáng kể cho các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng trọng yếu.

UAV Shahed mới nhất của Nga hiện được trang bị đầu đạn nặng gần 90 kg. (Nguồn: X)

UAV Shahed mới nhất của Nga hiện được trang bị đầu đạn nặng gần 90 kg. (Nguồn: X)

Cấu hình UAV Shahed-136

Shahed-136, hay Geran-2 theo cách gọi của Nga, là UAV có thiết kế cánh tam giác, dài 3,5 mét, sải cánh 2,5 mét và trọng lượng cất cánh khoảng 200 kg. Được trang bị động cơ piston bốn xi-lanh Mado MD-550, được cho là phiên bản sao chép ngược từ động cơ Đức Limbach L550E, chiếc UAV này có thể bay với tốc độ lên đến 180km/h, ở độ cao từ 60 đến 4.000 mét và đạt tầm bay tối đa 2.000 km.

Với chi phí sản xuất tương đối thấp, dao động từ 20.000-50.000 USD/chiếc, Shahed-136 đã trở thành công cụ tấn công chủ lực trong chiến lược UAV cảm tử của Nga kể từ khi được ghi nhận lần đầu tại Ukraine vào tháng 9/2022. Theo Không quân Ukraine, hơn 14.700 UAV loại này đã được Nga phóng vào lãnh thổ Ukraine từ năm 2022 đến cuối năm 2024.

Trước đây, Shahed-136 chủ yếu mang loại đầu đạn OFZBCH-50 nặng 30-50kg, có khả năng phát nổ và phân mảnh, nhưng chỉ gây thiệt hại hạn chế đối với các mục tiêu được bọc thép hoặc các công trình kiên cố.

Các đầu đạn này chứa hỗn hợp TNT và RDX đã được làm loãng, đủ để phá hủy các mục tiêu nhẹ như pháo M777 của Mỹ hoặc xe bọc thép BTR-80, nhưng gần như vô dụng trước xe tăng chiến đấu chủ lực như T-90 của Nga hoặc các hầm chỉ huy được gia cố.

Tốc độ bay chậm và âm thanh động cơ lớn cũng khiến UAV này dễ bị phát hiện và đánh chặn, Ukraine tuyên bố có thể phá hủy tới 90% số UAV này nhờ các biện pháp phòng không kết hợp giữa súng, tên lửa vác vai và hệ thống tầm trung.

Hai biến thể đầu đạn mới

Với đầu đạn mới nặng 90kg, sức công phá của Shahed-136 đã được tăng cường đáng kể. Theo các chuyên gia Ukraine, có hai biến thể đầu đạn đang được sử dụng: một phiên bản do Nga sản xuất có tên KOFZBCH và một phiên bản của Iran gọi là OLA.

Phiên bản KOFZBCH tích hợp nhiều hiệu ứng cùng lúc, nổ mạnh, phân mảnh, tích nhiệt và cháy, nhờ sử dụng bột kim loại hydride trong thành phần thuốc nổ TGF-35P2, có thể tạo ra nhiệt độ lên đến 3.500 độ C, đặc biệt hiệu quả khi tấn công các kho đạn hoặc cơ sở chứa nhiên liệu.

Trong khi đó, phiên bản OLA của Iran sử dụng hợp chất octogen và nhôm, tập trung vào khả năng xuyên phá với hiệu ứng nổ mạnh và phân mảnh, phù hợp để đánh vào các công trình kiên cố như boongke hoặc nhà máy công nghiệp.

Khả năng gây sát thương của các đầu đạn mới được thể hiện rõ trong các mục tiêu mà Shahed-136 có thể loại bỏ. Nếu như đầu đạn 50kg chỉ đủ sức làm hỏng các hệ thống pháo nhẹ hoặc xe bọc thép mỏng giáp như BTR-80, thì đầu đạn 90kg có thể xuyên thủng lớp giáp lên đến 35mm của các phương tiện như BMP-3, hoặc thậm chí gây tổn thất nghiêm trọng cho xe tăng cũ như T-64 hoặc T-72 nếu trúng vào những điểm yếu như phần sau tháp pháo hay khoang động cơ.

Ngoài ra, đầu đạn nặng hơn còn đặc biệt nguy hiểm với cơ sở hạ tầng dân sự: các cuộc tấn công vào nhà máy điện, cầu và trung tâm đường sắt trước đây vốn cần nhiều đòn đánh mới tạo ra thiệt hại đáng kể, giờ đây có thể bị phá hủy chỉ bằng một đòn trúng đích từ đầu đạn 90kg, đặc biệt là với phiên bản OLA của Iran.

Các nhà phân tích lưu ý rằng sự thay đổi này không chỉ là nâng cấp kỹ thuật mà còn thể hiện sự điều chỉnh chiến lược của Nga sau hơn ba năm xung đột. Khi đầu chiến sự, giới quân sự Nga nhận ra rằng Shahed-136 phiên bản đầu có hiệu quả thấp trước các mục tiêu bọc thép hoặc cố định.

Giờ đây, việc nâng cấp đầu đạn và đa dạng hóa loại thuốc nổ, thậm chí thêm cả mảnh đạn cầu vonfram vào năm 2023 để tăng hiệu quả sát thương đối với mục tiêu mềm.

Chiến thuật "bầy đàn" của Nga, phóng hàng chục UAV từ một địa điểm, như sân bay Yeysk ở vùng Krasnodar, vẫn là xương sống trong các đợt tấn công nhằm làm quá tải hệ thống phòng không Ukraine.

Nỗ lực phòng thủ của Ukraine

Ukraine đã có nhiều sáng kiến ứng phó, như mạng lưới cảm biến âm thanh "Sky Fortress" giá rẻ, các đội phòng không cơ động với tên lửa vác vai Stinger, Igla và pháo tự hành Gepard của Đức đã giúp nâng cao hiệu quả đánh chặn UAV.

Tuy nhiên, sự gia tăng sức công phá từ các đầu đạn mới lại đặt ra bài toán mới: làm sao bảo vệ các mục tiêu quan trọng khi chỉ một UAV lọt qua cũng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng.

Trước thực tế đó, Ukraine đang thử nghiệm nhiều giải pháp mới như sử dụng UAV FPV để đánh chặn Shahed trên không, hoặc thậm chí phát triển UAV biển có khả năng mang vũ khí phòng không.

Ngoài ra, các hệ thống phòng thủ điểm như C-RAM do Mỹ sản xuất cũng đang được tính đến, nhằm đánh chặn Shahed trước khi UAV này tiếp cận mục tiêu.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nga-nang-cap-hoa-luc-cho-uav-shahed-136-voi-dau-dan-gan-90kg-169250522092220225.htm