Điểm nóng xung đột ngày 15-5: Thực hư việc Ba Lan có kế hoạch đưa quân tới Ukraine
Mỹ đang xem xét khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình phương Tây tại Ukraine nếu đạt được thỏa thuận ngừng bắn toàn diện với Nga.
Thông tin trên được tiết lộ bởi trung tướng về hưu Keith Kellogg, người đang là đặc phái viên Mỹ về Ukraine.
Quan chức Washington cho biết các nước như Anh, Pháp, Đức và có thể cả Ba Lan sẽ tham gia lực lượng này, hoạt động ở phía Tây sông Dnipro, tức khu vực ngoài tầm ảnh hưởng trực tiếp của Nga.
"Chúng tôi đang nói đến một lực lượng duy trì ổn định... Lực lượng này sẽ đóng quân ở khu vực ngoài tầm ảnh hưởng trực tiếp của Nga" – Fox News dẫn lời đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump hôm 14-5.

Ba Lan phủ nhận cùng phương Tây cử binh sĩ tới Ukraine. Ảnh: AP
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Władysław Kosiniak-Kamysz nhanh chóng bác bỏ thông tin từ đặc phái viên Mỹ.
"Ba Lan không có bất kỳ kế hoạch gửi quân nào đến Ukraine" – ông Kosiniak-Kamysz viết trên mạng xã hội, đồng thời nói thêm vai trò của Ba Lan là "bảo vệ sườn phía Đông của NATO cũng như chỉ cung cấp hỗ trợ hậu cần cho Ukraine".
Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radosław Sikorski cũng lên tiếng xác nhận lập trường tương tự, cho thấy sự thống nhất nội bộ trong chính quyền Warsaw trước những diễn biến ngoại giao mới.
Trong khi đó, các nước châu Âu khác như Anh và Pháp đang bàn bạc khả năng gửi từ 10.000 - 30.000 quân gìn giữ hòa bình đến Ukraine.
Tướng Kellogg dự kiến cùng đặc phái viên Mỹ về Nga Steve Witkoff tham gia cuộc hội đàm Kiev – Moscow tại Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15-5.
Mỹ kỳ vọng nếu có lệnh ngừng bắn sẽ tiếp tục đàm phán về các vấn đề như nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, hồi hương trẻ em Ukraine và đặc biệt là tư cách thành viên NATO của Ukraine, điều mà Nga coi là "lằn ranh đỏ".
Ông Kellogg cũng đề cập khả năng triển khai lực lượng giám sát quốc tế tại phía Đông sông Dnipro với sự tham gia của một quốc gia thứ ba "để có thể giám sát lệnh ngừng bắn".
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump, người đang có chuyến công du Trung Đông, được cho là có thể tới Thổ Nhĩ Kỳ nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đồng ý góp mặt.
EU tung gói trừng phạt mới nhắm vào Nga
Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí thông qua gói trừng phạt thứ 17 đối với Nga". Các bộ trưởng ngoại giao EU dự kiến sẽ phê duyệt lệnh trừng phạt mới vào ngày 20-5 tới.
TASS dẫn các nguồn tin nội bộ EU cho biết gói trừng phạt thứ 17 nhắm vào khoảng 60 cá nhân, pháp nhân Nga và các đối tác của nước này. EU cũng đưa vào "danh sách đen" khoảng 50-150 tàu chở dầu Nga xuất khẩu.
Gói trừng phạt thứ 16 trước đó của EU đối với Moscow có hiệu lực vào ngày 24-2.