Đàm phán thuế quan với Mỹ: Nhật Bản coi trọng kết quả thực chất

Thủ tướng Nhật Bản cho rằng điều quan trọng nhất trong đàm phán là đạt được nội dung thực chất, hơn là tìm cách đẩy nhanh tiến trình đàm phán và cho biết sẽ tăng cường phối hợp với Đông Nam Á.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba ngày 21/4 khẳng định ưu tiên của nước này trong các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ là đạt kết quả thực chất chứ không phải tốc độ.

Phát biểu tại phiên họp Ủy ban Ngân sách của Thượng viện, ông Ishiba cho rằng điều quan trọng nhất trong đàm phán là đạt được những nội dung thực chất, hơn là tìm cách đẩy nhanh tiến trình đàm phán.

Ông cũng lưu ý Nhật Bản sẽ không dễ dàng nhân nhượng trong những vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn an toàn ôtô và trao đổi song phương về nông sản.

Thủ tướng Ishiba cũng cho rằng Nhật Bản cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với các quốc gia khác, bao gồm những nước Đông Nam Á, trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Nhật Bản và Mỹ có thể trở thành mô hình tham khảo cho những thỏa thuận thương mại khác.

Trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump áp đặt mức thuế quan cao hơn đối với hàng nhập khẩu nhằm khắc phục tình trạng mất cân đối cán cân thương mại, Thủ tướng Ishiba cho rằng hai bên cần thảo luận về cách thức hợp tác, qua đó tạo thêm việc làm cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhật Bản và Mỹ đã khởi động vòng đàm phán thuế quan ở cấp bộ trưởng hồi tuần trước.

Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Ryosei Akazawa - trưởng đoàn đàm phán của Nhật Bản, đã có cuộc gặp Tổng thống Donald Trump, sau đó tiến hành đàm phán với phía Mỹ gồm Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và Đại diện Thương mại Jamieson Greer.

Sau các cuộc gặp, Bộ trưởng Akazawa cho biết đã đề nghị phía Mỹ xem xét lại các biện pháp thuế quan, song không tiết lộ chi tiết về tiến trình đàm phán song phương. Ông Akazawa cũng bác bỏ thông tin cho rằng vấn đề tỷ giá hối đoái nằm trong chương trình nghị sự đàm phán.

Thủ tướng Ishiba đã bày tỏ sẵn sàng công du Mỹ để gặp trực tiếp Tổng thống Trump trao đổi về vấn đề thuế quan, tùy thuộc vào tiến triển của các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng giữa hai nước.

Theo dự kiến, Bộ trưởng Akazawa sẽ có thêm một vòng đàm phán với phía Mỹ trước cuối tháng này.

Trong khi đó, các cơ quan liên quan đang thu xếp để Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Scott Bessent bên lề Hội nghị thường niên mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra trong tuần này, trong đó nhiều khả năng nội dung thảo luận sẽ tập trung vào các vấn đề liên quan đến tỷ giá và chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Nhật Bản.

 Cảng hàng hóa ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Cảng hàng hóa ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Mỹ tuyên bố áp thuế đối ứng 24% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản song mức thuế này đang được tạm hoãn áp dụng trong 90 ngày giống như đối với các đối tác thương mại khác.

Tuy nhiên, hàng hóa Nhật Bản khi vào Mỹ vẫn phải chịu mức thuế cơ bản 10% và ôtô của nước này cũng phải chịu mức thuế nhập khẩu 25%, bên cạnh mức thuế cao hơn đối với toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ.

Trước đó, Tổng thống Trump cho biết đã có "tiến bộ lớn" khi ông bất ngờ tham gia vào các cuộc đàm phán sơ bộ hôm 16/4 với phái đoàn thương mại Nhật Bản tại Washington, liên quan đến hàng loạt biện pháp thuế quan mà ông đã áp đặt lên hàng nhập khẩu toàn cầu.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội, Tổng thống Trump cho hay ông cảm thấy "rất vinh dự" khi vừa gặp phái đoàn thương mại Nhật Bản và đã đạt được "tiến bộ lớn."

Tuy nhiên, ông không cung cấp chi tiết về cuộc thảo luận.

Chuyên gia Tobias Harris thuộc công ty tư vấn rủi ro chính trị Japan Foresight nhận định rằng có vẻ chính quyền Tổng thống Trump thực sự muốn một thỏa thuận nhanh chóng. Điều này có thể đồng nghĩa đó sẽ là một thỏa thuận ít thực chất hơn.

Ông cũng cho rằng nếu Mỹ bắt đầu đưa ra yêu cầu về nông nghiệp và quy định về ôtô, vấn đề sẽ trở nên gây tranh cãi hơn và khó có thể hoàn tất nhanh chóng.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản vẫn giữ được sự lạc quan trong quý đầu tiên, ngay cả khi Mỹ cảnh báo áp thuế quan nặng nề lên những sản phẩm do các doanh nghiệp này sản xuất.

Trong khảo sát Tankan của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), các công ty tham gia được hỏi liệu điều kiện kinh doanh là “thuận lợi,” “không thuận lợi lắm” hay “không thuận lợi.” Chỉ số dương có nghĩa là những người trả lời "thuận lợi" nhiều hơn các công ty trả lời "không thuận lợi."

Theo kết quả khảo sát được công bố ngày 1/4, chỉ số chính cho các nhà sản xuất lớn là 12 điểm, cho thấy sự tin tưởng vào triển vọng kinh doanh. Con số này giảm từ 14 điểm vào tháng 12/2024 - và là lần giảm đầu tiên kể từ quý I năm ngoái.

Tuy nhiên, một số ngành vẫn ghi nhận những điểm sáng. Đơn cử như ngành sản xuất ôtô, chỉ số niềm tin đã tăng từ 8 điểm lên 13 điểm.

Dù dự báo cho quý 2 chỉ là 9 điểm, nhưng chuyên gia Shunpei Fujita của công ty Mitsubishi UFJ Research & Consulting cho rằng ngành này vẫn lạc quan hơn mong đợi.

Ông Fujita cho rằng niềm tin của các công ty sản xuất lớn có thể sẽ tiếp tục giảm sút.

Khảo sát Tankan cũng cho thấy điều kiện kinh doanh hiện tại của các công ty phi sản xuất lớn đã tăng lên mức 35 điểm, cao nhất kể từ tháng 8/1991, so với 33 điểm hồi tháng 12/2024.

Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi ngành du lịch nội địa đang bùng nổ và các doanh nghiệp có thể chuyển giao chi phí tăng thêm cho khách hàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/dam-phan-thue-quan-voi-my-nhat-ban-coi-trong-ket-qua-thuc-chat-post1034167.vnp