Đàm phán tư cách thành viên NATO của Thụy Điển không có tiến triển
Không có bước đột phá nào xảy ra trong cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Thụy Điển trong NATO giữa Tổng thư ký liên minh quân sự này là ông Jens Stoltenberg với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 4/6.
Theo hãng tin AP, NATO muốn kết nạp Thụy Điển trước thời điểm Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo khác trong khối có một cuộc gặp gỡ tại Lithuania ngày 11 và 12/7 sắp tới. Tuy nhiên cho tới hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary là 2 thành viên vẫn chưa tán thành việc này trong khi sự tham gia của Thụy Điển vào khối cần phải được phê chuẩn bởi tất cả 31 thành viên.
Chính phủ Hungary trì hoãn phê duyệt tư cách thành viên của Thụy Điển những chưa công bố lý do cụ thể. Trong khi đó, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Thụy Điển quá khoan dung đối với các tổ chức khủng bố và các mối đe dọa an ninh, bao gồm các nhóm chiến binh người Kurd và những người có liên quan đến âm mưu đảo chính năm 2016.
Vào tháng 1 đầu năm 2023, một cuộc biểu tình ở Stockholm liên quan đến việc đốt một bản sao của Kinh Qur'an đã khiến các cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Thụy Điển tại NATO kéo dài hơn nữa. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh đình chỉ toàn bộ các cuộc họp thảo luận về tư cách thành viên của Thụy Điển trong khi nước này cũng vấp phải nhiều chỉ trích từ cộng đồng người Hồi giáo.
Tới ngày 4/6, cuộc họp giữa ông Stoltenberg và ông Erdogan cũng không ghi nhận bất kỳ tiến triển đáng kể nào. Trong bối cảnh đó, ông Stoltenberg trả lời các phóng viên sau cuộc họp tại Istabul rằng ông cùng Tổng thống Erdogan đã nhất trí rằng cơ chế chung thường trực sẽ họp lại vào tuần tới, bắt đầu từ ngày 12/6.
Cơ chế chung thường trực được thiết lập để giải quyết những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về Thụy Điển và Phần Lan - nước đã trở thành thành viên thứ 31 của NATO hồi tháng 4/2023 trước đó.
AP trích dẫn ông Stoltenberg cho biết Thụy Điển cho tới hiện tại đã thực hiện nhiều động thái nhằm củng cố tư cách thành viên NATO thông qua các động thái sửa đổi hiến pháp, củng cố luật chống khủng bố và dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi nước này nộp đơn xin gia nhập chỉ hơn một năm trước. Với tư cách thành viên NATO, Thụy Điển sẽ trở nên “an toàn hơn, đồng thời NATO và Thổ Nhĩ Kỳ cũng mạnh hơn”, theo ông Stoltenberg.
Ở một diễn biến khác, trong khi cuộc hội đàm giữa Tổng thư ký NATO và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang diễn ra tại Istanbul, hàng trăm người đã tập trung tại Stockholm để biểu tình phản đối kế hoạch Thụy Điển trở thành thành viên NATO. Cụ thể, có tới 500 người đã tham gia vào một động thái mang tên “Nói không với NATO – nói không với luật của Erdogan ở Thụy Điển”.
Những người này giơ cao biểu ngữ của “Liên minh chống NATO”. Những thành viên tham gia bao gồm các tổ chức người Kurd, các nhóm cánh tả, những người theo chủ nghĩa vô chính phủ, các nhà hoạt động thanh niên và khí hậu cũng như những người phản đối luật chống khủng bố mới của Thụy Điển - luật có hiệu lực vào ngày 1/6 – và cả những người kêu gọi tự do truyền thông.
Nhận định về động thái của những người này, ông Stoltenberg khẳng định: “Quyền tự do hội họp và biểu đạt là những giá trị cốt lõi trong các xã hội dân chủ của chúng ta. Những quyền này phải được bảo vệ và duy trì”. Tuy nhiên, điều quan trọng là “hãy nhớ tại sao những cuộc biểu tình này lại diễn ra. Họ muốn ngăn Thụy Điển gia nhập NATO, muốn ngăn chặn sự hợp tác chống khủng bố của Thụy Điển với Thổ Nhĩ Kỳ và họ muốn làm cho NATO yếu đi. Chúng ta không nên cho phép họ thành công”.