Đàm phán về công ước thuế toàn cầu của Liên hợp quốc:Thách thức từ nhiều quốc gia phát triển

Nhằm đối phó với tình trạng trốn thuế của các cá nhân và doanh nghiệp giàu có trên toàn cầu, Liên hợp quốc đã chính thức khởi động đàm phán về một công ước khung mang lại công bằng, minh bạch và tránh thất thoát gần 500 tỷ USD mỗi năm do chuyển lợi nhuận bất hợp pháp, cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, quá trình đàm phán đang đứng trước nhiều thách thức bởi sự phản đối của nhiều quốc gia phát triển.

Liên hợp quốc đã chính thức khởi động đàm phán công ước khung về thuế toàn cầu.

Liên hợp quốc đã chính thức khởi động đàm phán công ước khung về thuế toàn cầu.

Theo diễn giải của Liên hợp quốc, một công ước thuế sẽ đại diện cho sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận thuế quốc tế, có khả năng tác động đáng kể đến cấu trúc hệ thống tài chính toàn cầu và cách sử dụng tiền thuế vì lợi ích công cộng. Đây là lý do tại sao Ủy ban đặc biệt của Liên hợp quốc phê duyệt một gói hướng dẫn mới, hướng tới xây dựng một hệ thống thuế quốc tế hợp pháp, công bằng, ổn định, toàn diện và hiệu quả. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các quốc gia ứng phó với những thách thức hiện tại liên quan đến thuế, từ số hóa đến hoạt động toàn cầu của các doanh nghiệp đa quốc gia, cũng như huy động nguồn lực trong nước và sử dụng chính sách thuế cho phát triển bền vững.

Hiện nay, các chính sách thuế quốc tế chủ yếu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) gồm các nước giàu quyết định. Các quốc gia đang phát triển từ lâu đã chỉ trích sự bất bình đẳng về vấn đề này khi họ không có tiếng nói đủ mạnh trong các vấn đề quan trọng như chính sách thuế toàn cầu.

Liên minh toàn cầu vì công lý thuế (GATJ) đã vận động thành lập một cơ quan thuế liên chính phủ tại Liên hợp quốc để các quốc gia có thể xử lý hiệu quả tình trạng gian lận thuế và dòng tiền bất hợp pháp, đồng thời gia tăng nguồn lực cho khu vực tài chính công và giải quyết bất bình đẳng. Theo đó, mỗi ngày, hơn một tỷ USD bị mất do các tập đoàn đa quốc gia và giới siêu giàu gian lận thuế. Jeannie Manipon, thành viên Ủy ban điều phối của GATJ và đồng điều phối viên của Công lý thuế và tài khóa châu Á (TAFJA) đã nhấn mạnh về tình trạng gian lận này: "Những khoản thất thoát thuế này cản trở nghiêm trọng khả năng của các chính phủ trong việc tăng doanh thu cần thiết để tài trợ cho các dịch vụ công thiết yếu, bảo trợ xã hội, phát triển bền vững”.

Việc khởi động đàm phán về công ước thuế của Liên hợp quốc đã nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia nghèo trên thế giới. Lãnh đạo Liên đoàn Công đoàn quốc tế (ITUC) cùng với tổ chức Dịch vụ công quốc tế (PSI) đã gửi thư chung tới Liên hợp quốc, nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc tiếp cận cuộc đàm phán này trên tinh thần đoàn kết. Bằng cách ưu tiên ra quyết định dựa trên đa số và đẩy nhanh việc đánh thuế thu nhập doanh nghiệp và vốn, các quốc gia thành viên có thể bảo đảm công ước khung thực hiện về một hệ thống thuế toàn cầu công bằng hơn, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người - không chỉ một số ít người giàu nhất”.

Đến nay, ý tưởng về công ước thuế toàn cầu đã nhận được sự ủng hộ từ 125 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Tuy nhiên, Mỹ cùng một số quốc gia phát triển khác đã bỏ phiếu phản đối từ cuối năm 2024. Washington cho rằng, các điều khoản của công ước không phù hợp với lợi ích của nước này, đồng thời có thể hạn chế quyền tự do xây dựng chính sách thuế phù hợp với lợi ích quốc gia. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Ủy ban đàm phán, ngày 3-2, Mỹ đã tuyên bố rút khỏi tiến trình, với lý do hiệp ước này không phù hợp với các ưu tiên của Mỹ và có thể gây trở ngại không thể chấp nhận đối với khả năng ban hành chính sách thuế của các quốc gia. Tương tự Mỹ, Chính phủ Anh vừa bỏ phiếu chặn kế hoạch đàm phán xây dựng công ước thuế của Liên hợp quốc. Nhiều nền kinh tế lớn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia, Israel và New Zealand cũng đã phản đối các điều khoản hướng dẫn ban đầu, do Ủy ban đặc biệt của Liên hợp quốc đưa ra.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách phát triển kinh tế và xã hội Junhua Li cho biết, công ước thuế toàn cầu sẽ bảo đảm các công ty đa quốc gia lớn phải nộp đủ thuế, bất kể hoạt động ở đâu và dự kiến sẽ tạo ra nguồn thuế bổ sung đáng kể cho nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ở Nam bán cầu. Do đó, sự phản đối của nhiều quốc gia phát triển đối với kế hoạch này sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng bổ sung nguồn lực thúc đẩy các chính sách phù hợp với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dam-phan-ve-cong-uoc-thue-toan-cau-cua-lien-hop-quoc-thach-thuc-tu-nhieu-quoc-gia-phat-trien-692647.html