Đắm say câu Ghẹo

Trên đất Nam Cường, xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông, mỗi khi câu Hát Ghẹo ngọt ngào cất lên là những nhọc nhằn, vất vả dường như được xua đi, câu ca đã tiếp thêm niềm vui, tình yêu lao động, làm phong phú thêm đời sống tinh thần và cũng làm tình người Nam Cường thêm gắn bó, thắm thiết, sâu đậm…

Phường Ghẹo Nam Cường biểu diễn Hát Ghẹo trong các lễ hội mùa Xuân.

Thiên phú đất đai màu mỡ, người Nam Cường cần cù, chịu khó, hăng say lao động, yêu câu ca, tiếng hát. Theo lời các bậc lão niên trong làng kể lại: Hát Ghẹo có từ lâu đời trên đất Thanh Uyên, nguồn gốc gắn liền câu chuyện thắm đượm nghĩa tình về mối giao hảo của dân làng Nam Cường với các thôn Hùng Nhĩ, Thục Luyện (huyện Thanh Sơn). Năm xưa ngôi đình thờ Xuân Nương công chúa bị cháy, trai tráng Nam Cường lên đại ngàn tìm gỗ, nghỉ chân tại Thục Luyện được người dân nhiệt tình thiết đãi, rồi sau lại cùng lên rừng lấy gỗ, đóng bè thả trôi theo dòng sông Bứa về xuôi. Bè trôi đến Hùng Nhĩ thì bị mắc cạn, các cô gái của thôn đi làm nương về thấy vậy xuống giúp, họ bảo nhau vừa hát đối đáp vừa đẩy, như vậy thác thần mới để bè qua. Quả nhiên bè nhích dần rồi trôi về xuôi. Cảm kích trước tấm lòng của người làng Hùng Nhĩ và Thục Luyện, làng Nam Cường đã kết nghĩa với hai làng. Từ đó mối giao hảo được gắn bó chặt chẽ, nhân dân giữa các làng đi lại vui chơi, ca hát. Điệu hát đẩy bè năm nào chính là điệu Hát Ghẹo hay còn tên gọi khác là Hát Nước nghĩa.

Người cao tuổi trong làng tâm huyết với việc gìn giữ làn điệu mượt mà của quê hương.

Trai gái các làng kết nghĩa gọi nhau là “liền anh”, “liền cô” hay “quan anh”, “quan cô”. Người Nam Cường quan niệm các làng kết nghĩa như anh em trong gia đình nên trai gái giữa các làng không lấy nhau. Hát là để kết tình, kết nghĩa chứ không phải kết duyên, bởi vậy mà câu Ghẹo mang trong mình nét duyên dáng riêng, vừa dí dỏm, vừa uyên bác. Với ca từ dung dị, gần gũi nhưng đậm chất thơ, khi du dương bay bổng, lúc đằm thắm dịu dàng, khi giãi bày tâm sự, lúc lại chòng ghẹo, bóng gió… cùng với cách hát luyến láy ngân nga mềm mại mang đặc trưng thổ ngữ của người Nam Cường đã làm nên nét đặc sắc của làn điệu Ghẹo, chạm tới trái tim người nghe.

Các quan anh, quan cô.

Là lối hát giao duyên, đối đáp nên Hát Ghẹo không quá cầu kỳ về không gian cũng như lễ nghi tổ chức. Địa điểm thường là ở nhà, nhưng cũng có khi là trên đường lúc tiễn bạn. Hát Ghẹo thường được biểu diễn trong các lễ hội ở làng Nam Cường vào dịp hội xuân, tháng Chín âm lịch và dịp Giỗ Tổ Hùng Vương như là cách người dân Nam Cường tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên và nhắc nhớ với thế hệ sau trân trọng và bảo tồn di sản đáng tự hào của người dân Nam Cường. Một cuộc hát gồm bốn chặng: Ví đãi trầu; giọng sổng; sang giọng và ví tiễn chân. Vốn là sản phẩm được sáng tạo ra từ quá trình lao động, được trao truyền qua nhiều thế hệ theo lối truyền miệng, bởi vậy mà Ghẹo không có tuổi, có vô số bài hát, tuy nhiên đến nay dần bị thất truyền, hiện chỉ còn khoảng 30 bài hát. Trước đây các làng kết nghĩa vẫn thường xuyên qua lại vui chơi, ca hát nhưng hiện chỉ có Nam Cường còn giữ được làn điệu Ghẹo và truyền dạy lại cho thế hệ sau.

Để gìn giữ, bảo tồn Hát Ghẹo, năm 1995 phường Hát Ghẹo được khôi phục và duy trì đến nay với 42 thành viên tham gia. Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Doanh - Trưởng phường Ghẹo Nam Cường là người tâm huyết với việc gìn giữ làn điệu mượt mà của quê hương trăn trở: Để Ghẹo không bị mai một chúng tôi đã tích cực truyền lại cho thế hệ sau, hiện đã nối tiếp được ba thế hệ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người, nhiều nơi chưa biết, chưa hiểu được nét đẹp của Hát Ghẹo. Tôi rất mong các cấp, các ngành, tiếp tục quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản để câu Ghẹo không bị mai một”. Những năm gần đây, Hát Ghẹo đã được đưa vào trường học tiểu học của xã như một môn ngoại khóa, thể hiện nỗ lực, quyết tâm gìn giữ câu hát quê hương của chính quyền địa phương.

Trải qua thời gian, đã có những lúc câu Hát Ghẹo bị mai một. Thế nhưng trong sâu thẳm tiềm thức của người dân Nam Cường, Thanh Uyên nói chung và đặc biệt là các nghệ nhân cao tuổi như bà Doanh nói riêng luôn coi Ghẹo là một phần đời sống tinh thần không thể thiếu, là “báu vật” của người dân nơi đây.

Thùy Phương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-hoc-nghe-thuat/dam-say-cau-gheo/190409.htm