Đắm say Na-Lâm
Xứ Tuyên (Tuyên Quang) có miền sơn cước Na-Lâm (2 huyện Na Hang và Lâm Bình) hùng vĩ, nơi sản sinh ra những cô gái đẹp sắc nước hương trời, vang danh cả nước với câu truyền tụng “chè Thái, gái Tuyên”. Du khách đến đây sẽ bị níu chân bởi những nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn của đồng bào Dao, Tày, Mông… được gìn giữ bao đời nay.
Non nước hữu tình
Từ trung tâm Hà Nội, du khách chạy xe theo Quốc lộ 2B hoặc 2C khoảng 135km sẽ đến TP Tuyên Quang. Thành Tuyên nằm bên dòng sông Lô êm đềm cuốn hút du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên. Giữa trung tâm TP có Khu di tích Thành Nhà Mạc với niên đại 428 năm sừng sững, kiêu hãnh. Từ đây, du khách ngược dòng sông Lô rồi rẽ theo sông Gâm sẽ lên đến vùng đất Na-Lâm huyền diệu.
Hành trình dài men theo dòng sông Gâm sẽ đưa mọi người đến trung tâm huyện Na Hang. Cái tên “Na Hang” theo nghĩa tiếng Tày là miền ruộng dưới chân thung lũng. Đúng như cái tên gọi, khi đứng trên một con đèo cao nhìn xuống chúng ta sẽ thấy trung tâm huyện Na Hang được bao bọc bốn phía bởi những ngọn núi đá vôi trùng điệp. Ở giữa lòng thung lũng ấy, là sự hợp lưu của dòng sông Gâm và sông Năng tạo ra lòng hồ thủy điện Na Hang mênh mông sóng nước. Bên sông những thửa ruộng phù sa tốt tươi, trù phú hiện lên.
Nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ-Bản Bung rộng đến 21.000ha, hồ thủy điện Na Hang mùa thu như một viên ngọc bích khổng lồ xanh biếc. Con thuyền rẽ sóng đưa chúng tôi ra giữa lòng hồ. Bức tranh thiên nhiên hùng vĩ dần hiện ra trước mắt du khách. Những dải núi đá nhấp nhô trên sóng nước. Trên đỉnh mỗi quả núi cây cối um tùm tạo ra cảnh sắc ấn tượng tạo thành bức tranh thủy mặc khắc họa non nước. Giữa những dải núi như hút trọn tầm mắt, có một ngọn núi nhô hẳn lên, cao nhất khu vực mang tên Pác Tạ. Ngọn núi có dáng hình vô cùng thú vị. Pác Tạ theo tiếng Tày có nghĩa là “Vú của trời”. Hình hài của quả núi khiến nhiều người liên tưởng đến gò bồng đảo khổng lồ của người con gái hướng lên trời xanh. Trên đỉnh Pác Tạ có 2 ngôi đền linh thiêng là Pác Tạ và Pác Vãng. Du khách phải leo hàng trăm bậc đá mới lên vãn cảnh 2 ngôi đền trên.
Nếu Pác Tạ có dáng hình độc đáo, thú vị, thì núi Cọc Vài lại được xem là kỳ thú, hùng vĩ nhất vùng lòng hồ thủy điện Na Hang. Cọc Vài như một khối cột đá khổng lồ, sừng sững cao hơn 40m nhô lên khỏi mặt hồ. Cọc Vài gắn liền với truyền thuyết về chàng Tài Ngào người nhà trời, to lớn khổng lồ đem trâu thần xuống trần gian xẻ đá, ngăn sông. Cọc Vài chính là nơi buộc trâu của Tài Ngào. Hiện nay núi Cọc Vài đã được xem là biểu tượng của du lịch sinh thái Na Hang, và cả tỉnh Tuyên Quang. Vùng tham quan ở đây được đặt riêng tên “Lâm thủy Cọc Vài”.
Đi thuyền trên lòng hồ thủy điện Na Hang, thỉnh thoảng du khách còn được chiêm ngắm những ngọn thác trắng xóa đổ từ trên sườn núi xuống. Những ngọn thác ở đây mang vẻ đẹp vừa dịu dàng, đằm thắm như: thác Mơ, thác Khuổi Nhi, Khuổi Sung…
Mận Hồng Thái, gái Thượng Lâm
Nhiều người đã biết câu ca truyền tụng về vẻ đẹp người con gái Tuyên Quang. Nhưng đến vùng đất Na Hang, chúng ta sẽ biết thêm một câu ca tụng “Mận Hồng Thái, gái Thượng Lâm”. Xã Hồng Thái, huyện Na Hang nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, thời tiết quanh năm mát mẻ được ví như Sa Pa của Tuyên Quang. Bởi thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi nên cây mận ở Hồng Thái rất sai quả và vị ngon nhất ở Tuyên Quang.
Còn hỏi vùng đất nào có nhiều phụ nữ đẹp nhất xứ Tuyên, người dân sẽ chỉ bạn đến xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình. Sau hành trình gần 30km từ thị trấn Na Hang, chúng tôi đến Thượng Lâm. Chào đón chúng tôi đến đất Thượng Lâm là khung cảnh hùng vĩ của dải núi 99 ngọn gắn liền với loài chim Phượng hoàng. Bóng tối buông xuống miền núi rừng nhanh hơn. Mọi người cùng tìm đến một khu homestay du lịch cộng đồng của người Tày ở bản Nà Đông, Thượng Lâm để nghỉ qua đêm. Vừa được thưởng thức bữa ăn tối ấm cúng với món cá sông, nộm hoa chuối, bánh trưng đen... hấp dẫn, chúng tôi còn được chị Hà Thị Lan chủ nhà tiếp chuyện.
Theo chị Lan kể, người Tày đã định cư ở đây từ hàng ngàn năm trước và là cộng đồng đông nhất chiếm hơn 70% số dân số toàn xã Thượng Lâm. Khoảng 70-80 năm qua một số hộ người Kinh từ dưới xuôi lên đây khai hoang rồi định cư. Bên cạnh đó ở đây cũng có nhánh người Dao Đỏ và Mông Trắng sinh sống. Chính nhờ sự hôn phối giữa người Kinh với người Tày, người Dao, Mông nên thế hệ sau, đặc biệt các cô gái có vẻ đẹp lai đằm thắm, quyến rũ. Những cái tên như: Á hậu Nguyễn Minh Phương (Hoa hậu Việt Nam 1992), Á hậu Tô Hương Lan (Hoa hậu Việt Nam 1994), các miss girl, hot girl thế hệ 8X, 9X như: Trương Thị Ngọc Ánh, Ngô Tuyết Mai, Ngô Huyền Tranh… MC, phát thanh viên: Thu Hiền, Tùng Lâm… đều có vẻ đẹp “sắc nước hương trời”, cuốn hút bất kỳ ai từ cái nhìn đầu tiên.
Sự tinh túy, thuần khiết của những cô gái đẹp đất Thượng Lâm được ví như hương núi rừng hay những giọt sương đọng lại trên núi rừng sớm mai. Các anh chàng du khách đến Thượng Lâm ngoài ngắm cảnh, thưởng thực đặc sản đều hào hứng đi săn ảnh những thiếu nữ Tày, Dao, Mông Trắng mang sắc đẹp lai. Để cuốn hút du khách về với đất Thượng Lâm, hiện nay một số hộ dân ở đây đã lưu giữ, phục dựng một số nghề thủ công truyền thống. Bên khung cửi thiếu nữ Dao, hay Mông Trắng xinh đẹp, đoan trang ngồi dệt vải khiến du khách trầm trồ khen ngợi. Trên những bậc thang nhà sàn, hay bên sông Gâm, những cô gái Tày vận trang phục nâu đen truyền thống với chiếc vòng bạc to trên cổ thả hồn vào non nước. Chỉ cần thế thôi đã toát lên vẻ đẹp dịu dàng, thanh tú của những cô gái Tày nơi đây.
Nếu du khách muốn được lạc vào rừng hoa của những cô gái Tày, Dao xinh đẹp thì hãy lên Thượng Lâm, Lâm Bình vào mùa hội Lồng Tồng. Ngày hội, du khách sẽ được chiêm ngắm những bộ trang phục của những thiếu nữ Dao Đỏ, Tày đẹp, lộng lẫy nhất cùng gương mặt xinh tươi, rạng ngời.
Cuốn hút văn hóa bản địa
Đến vùng đất Na-Lâm du khách vừa say cảnh, vừa say người, và chẳng muốn về bởi sự cuốn hút của những nét văn hóa độc đáo, thú vị. Trong bữa cơm trên thuyền giữa lòng hồ Na Hang, du khách sẽ được nghe, xem những cô gái Tày xinh đẹp chơi đàn tính, hát then tình tứ. Người Tày ở Na Hang và cả Lâm Bình từ già đến trẻ, gái hay trai đều biết hát then, chơi đàn tính thuần thục. Họ không chỉ hát vào những ngày hội mà ngay trên ruộng, trên sông những lúc rảnh rỗi, câu hát Then lại vang lên đắm đuối. Lời hát trong trẻo, hòa vào tiếng sóng, tiếng chim rừng cứ dần dần ngấm vào người như loại men lá rượu ngô bản địa vậy. Người Tày còn hát để giao duyên cho những đôi trai gái đến tuổi cập kê tìm được nhau lên nghĩa vợ chồng.
Ở đất Na-Lâm, người phụ nữ vẫn giữ cho mình tập tính đẹp là sau khi kết hôn nếu sinh con gái thì sẽ truyền nghề thêu thùa, dệt vải cho con gái. Chính vì thế bên khung cửi hay dưới mái hiên nhà, du khách sẽ bắt gặp những thiếu nữ Tày, Dao Đỏ, Mông Trắng xinh đẹp đang dệt vải, thêu trang phục truyền thống. Những bộ trang phục do mẹ-con, chị-em Dao Đỏ thêu dệt vô cùng sặc sỡ, cầu kỳ, đẹp mắt. Ngoài thêu, dệt phụ nữ các dân tộc ở đây còn biết vào rừng hái lá thuốc chữa bệnh, trồng thảo dược trong vườn…
Đến đất Na-Lâm, du khách còn biết được về những nét văn hóa dân gian truyền miệng từ các cụ cao niên trong thôn, bản kể những truyền thuyết dân gian phong phú. Tại đây, chúng tôi bị lôi cuốn vào truyền thuyết về vợ chồng Nàng Mơ dưới chân núi Pác Ban gắn với ngọn thác Mơ, hay chuyện kể về 100 con chim Phượng Hoàng gắn với 99 đỉnh núi ở Thượng Lâm…
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/du-lich/dam-say-nalam-85728.html