Ðầm Thị Nại nằm phía đông bắc TP Quy Nhơn (Bình Định), là đầm nước mặn - lợ có diện tích tự nhiên khoảng 5.000 ha. Từ lâu, rừng ngập mặn nơi đây được ví là "lá phổi xanh" với hệ sinh thái đa dạng độc đáo, tạo sinh kế cho hàng trăm hộ dân phố biển Quy Nhơn.
Tháng 8/2019, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án khu du lịch sinh thái và biệt thự đầm Thị Nại do Công ty CP Thị Nại Eco Bay làm chủ đầu tư. Nhưng nội dung này chưa đánh giá tác động môi trường của hoạt động nạo vét, bơm hút bùn cát tại khu vực này.
Theo báo cáo của chủ đầu tư, dự án san lấp hơn 500.000 m2 để xây dựng biệt thự, công trình thương mại dịch vụ, công viên cây xanh, công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật... với vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.
Không gian xanh rộng lớn của đầm Thị Nại biến thành ao, hồ nham nhở. Trước sự phản đối của người dân, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Công ty CP Thị Nại Eco Bay tạm dừng các hoạt động bơm hút cát tại dự án khu du lịch sinh thái và biệt thự đầm Thị Nại. Ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết việc giao đất trước đây cho doanh nghiệp không phù hợp quy hoạch, làm phát sinh nhiều bất cập gây bức xúc cho người dân.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định cho hay việc hình thành các dự án trên đầm Thị Nại có nguy cơ gây tác động lớn đến hệ sinh thái, dòng chảy… Do vậy cơ quan chức năng cần thẩm định kỹ, tính toán giải pháp phù hợp để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Về lâu dài, UBND tỉnh Bình Định giao Sở Xây dựng lập đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu vực phía đông đầm Thị Nại.
"Trước đây, doanh nghiệp đăng ký thuê đất bao gồm cả phần diện tích mặt nước, rồi cả vùng đất liền kề mặt nước nên không phù hợp với quy hoạch", Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói.
Cây rừng ngập mặn bị cày xới chết khô khắp nơi ở đầm Thị Nại. Theo lãnh đạo địa phương, việc thu hồi quyết định cho doanh nghiệp thuê đất nhằm trả lại phần diện tích mặt nước để người dân đi lại, mưu sinh.
Ông Huỳnh Văn Ba (ngụ phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) nói doanh nghiệp bơm bùn, cát phá đầm thì dân không còn đường sống. "Nhà nước từng khuyến khích chúng tôi trồng rừng ngập mặn chắn gió, chắn sóng nhưng giờ đây lại cho doanh nghiệp phá hết. Tôi thấy bài toán phát triển kinh tế mâu thuẫn quá", ông Ba bộc bạch.
Việc doanh nghiệp đổ đất, cát xà bần xuống lấp lạch đã làm thu hẹp diện tích mặt nước lạch, giảm lưu lượng dòng chảy và mất nguồn sinh sống của các loài thủy hải sản sinh sống trên đầm Thị Nại.
Minh Hoàng