Dân bất an khi 'ao' dưới chân cầu
Tại sao lại xuất hiện 'hố sâu' như cái 'ao' dưới chân cầu. Đây là điều mà những ai đã từng đi qua đường dân sinh dưới chân cầu Vàm Nhon, thuộc đường tỉnh 922, ấp Định Hòa A, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ đều thắc mắc. Chính quyền địa phương nhiều lần kiến nghị Chủ đầu tư có giải pháp trả lại nguyên trạng để đảm bảo an toàn cho người dân nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Dự án đường tỉnh 922 nối từ quốc lộ 91B đến Cờ Ðỏ có chiều dài hơn 29,5km, với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, đi qua địa bàn 4 quận, huyện gồm: Bình Thủy, Ô Môn, Thới Lai và Cờ Ðỏ, tuyến đường đã rút ngắn khoảng cách di chuyển từ Cờ Đỏ đến TP. Cần Thơ, giúp lưu thông hàng hóa nông sản thuận tiện, thúc đẩy kinh tế, xã hội của TP. Cần Thơ và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, từ khi tuyến đường hoàn thành đến nay, tâm trạng chung của nhiều hộ dân sống xung quanh chân cầu Vàm Nhon, đường tỉnh 922, thuộc ấp Định Hòa A, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ luôn bất an.
Nói bất an vì dưới chân cầu Vàm Nhon xuất hiện một “hố sâu” với chiều ngang khoảng 4-5m, chiều dài hơn 30m. Hố sâu này được người dân ví von như cái “ao” và đã tồn tại cách đây nhiều năm mà chưa có giải pháp để xử lý. Cũng vì lẽ đó mà cái “ao” dưới chân cầu Vàm Nhon tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, tai nạn giao thông thường trực đối với các phương tiện đi khi di chuyển vào ban đêm.
Cầu Vàm Nhon là một trong nhiều cây cầu thuộc dự án đường tỉnh 922, từ lúc thi công đến khi cầu hoàn thành thì cái “ao” cũng xuất hiện. Sinh sống gần khu vực cầu Vàm Nhon, ông Trần Hoài Phương không khỏi bức xúc khi cái “ao” bất đắc dĩ phát sinh nhiều rắc rối. Nước thì ngập quanh năm, đủ thứ rác bị vứt xuống, gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cao.
Cái “ao” dưới chân cầu không có rào chắn, nằm cặp sát đường giao thông nông thôn, xe cộ lưu thông nhiều, học sinh hàng ngày qua lại đông, nếu như bất cẩn sẽ xảy ra đuối nước. Người dân ở khu vực này đã nhiều lần kiến nghị có giải pháp để xử lý cái ao Vàm Nhon dưới chân cầu nhưng đến nay chưa được giải quyết.
“Sau khi hoàn thành cây cầu thì để lại một cái hố, trước đây nghe nói xã đã kiến nghị lên cấp trên, công trình được hứa hẹn sẽ san lấp, bơm cát để trả lại mặt bằng như hiện trạng ban đầu, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được giải quyết”, ông Trần Hoài Phương cho biết.
Đặt vấn đề với Chủ đầu tư Dự án đường tỉnh 922 về việc có giải pháp san lấp cái “ao” bất đắc dĩ này, tại cuộc họp báo chí quý III/2024 do UBND Cần Thơ tổ chức vào giữa tháng 10 vừa qua, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ Nguyễn Văn Mười, Chủ đầu tư Dự án đường tỉnh 922 cho rằng, việc này vân chưa có hướng xử lý.
“Chỗ cây cầu Vàm Nhon do bị đọng là do cây cầu mình làm rồi xung quanh đắp đê, đường dân sinh chính giữa, bị quằn thành ra ngập nước. Vấn đề này phải chịu thôi chứ giờ chưa biết xử lý thế nào”.
“Phải chịu thôi, chứ giờ chưa biết sao để xử lý”
Đây là câu trả lời của Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ, Chủ đầu tư Dự án đường tỉnh 922. Rõ ràng chủ đầu tư đang đẩy người dân và chính quyền vào thế khó.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Định Môn, huyện Thới Lai cho biết, địa phương đã nhiều lần kiến nghị và người dân cũng bức xúc vụ việc này, mong muốn Ban quản lý dự án thành phố có giải pháp để xử lý dứt điểm “hố sâu” dưới chân cầu Vàm Nhon, trả lại hiện trạng để đảm an toàn giao thông và giữ vệ sinh môi trường.
“Chưa khi nào sụt lún mà độ sâu tới 1,5m. Năm 2023, có vận động người ta đổ đất xuống cũng được một mớ, việc đó giống như “dã tràng xe cát” đâu có thấm thía gì. Nguyện vọng nếu san lấp được thì càng tốt, trả lại hiện trạng, đó là đất thịt. Còn đắp mang cá cầu hay taluy lộ ra, cái đó đã có trong thiết kế rồi. Đề nghị lấp lại, nếu không làm được thì phải có rào chắn để đảm bảo an toàn. Một là có khả năng trẻ em xảy ra đuối nước, thứ hai là đảm bảo được an toàn giao thông, bởi vì nó nằm gần đường, không sớm thì muộn sẽ xảy ra tai nạn”, ông Nguyễn Văn Toàn cho biết.
Lý giải hướng xử lý về cái “ao” dưới chân cầu Vàm Nhon, ông Lê Minh Cường, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ cho rằng, cốt đường dân sinh và cốt đường giao thông của huyện Thới Lai phải làm cao hơn mực nước lũ nên sẽ hình thành giống như một cái ao. Việc hoàn trả đất thịt cho hố sâu thì Ban không thực hiện do không có kinh phí. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn giao thông Ban sẽ phối hợp và triển khai để giải quyết “hố sâu” dưới chân cầu Vàm Nhon.
“Hai bên là taluy thì đất tự nhiên là đất đường và ruộng thấp, khi làm cầu thì có đường dân sinh hai bên taluy cầu, cốt đường dân sinh và cốt đường giao thông của huyện Thới Lai phải làm cao hơn mực nước lũ 5 tấc thì đường sẽ cao hơn mặt tự nhiên nên nó hình thành giống như một cái ao. Lỗi này không phải lỗi của nhà thầu, địa phương có yêu cầu lấp đi trong kinh phí dự án không có. Ban đang nghiên cứu giải pháp để làm sao để thoát nước được hai bên, công việc này cần phải xã hội hóa”, ông Lê Minh Cường cho biết.
Thực tế minh chứng các dự án giao thông đưa vào hoạt động đã tạo động lực trong phát triển kinh tế, xã hội, rút ngắn khoảng cách di chuyển, giúp người dân lưu thông, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, thuận tiện. Để hoàn thành dự án đường tỉnh 922, tuyến giao thông huyết mạch kết nối 4 quận, huyện của Cần Thơ, người dân trong vùng dự án đã nhường chỗ ở, nơi thờ tự, vườn tược để dự án hoàn thành theo tiến độ.
Câu chuyện cái “ao” dưới chân cầu Vàm Nhon rất nhỏ nhưng cần được xử lý dứt điểm để người dân khỏi thấp thỏm, lo âu, học sinh đến trường được an toàn. Việc xử lý dứt điển vấn đề cũng thể hiện trách nhiệm của Chủ đầu tư cần phải làm khi hoàn trả mặt bằng, đảm bảo cảnh quan môi trường, mỹ quan và tạo niềm tin với người dân ở những công trình triển khai tiếp theo.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dan-bat-an-khi-ao-duoi-chan-cau-post1132564.vov