Dấn bước để trưởng thành
Trang bị đủ ngoại ngữ và kỹ năng thiết yếu, nhiều bạn trẻ ngày nay mạnh dạn chu du khắp nơi. Hành trình khám phá bốn phương giúp họ làm đầy cảm xúc, thêm hiểu biết, vững chãi hơn
Đã đặt chân đến 36 tỉnh, thành trong nước cùng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Đặng Minh Quang (ngụ TP HCM) tin rằng xê dịch là chìa khóa để bạn trẻ lấy lại sự cân bằng cho cuộc sống sau bao áp lực làm việc và học tập.
"Không bây giờ thì bao giờ"
Với suy nghĩ sống trọn từng khoảnh khắc nên mỗi điểm đến với Minh Quang đều để lại dấu ấn sâu sắc. Đáng nhớ nhất là trải nghiệm mà Quang gọi là "kỷ lục cá nhân" vào giữa năm 2023: trong gần 1 tháng, anh đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, di chuyển bằng đủ loại phương tiện - từ máy bay, tàu lửa, xe buýt, phà, metro, tram (xe điện mặt đất), xe đạp...
Anh xem đó là một chương sách thú vị trong đời khi vượt qua hơn 50.000 km đường chim bay, gặp gỡ nhiều bạn mới và hội ngộ bạn cũ. Đa phần trong các chuyến du lịch, chàng trai 9X này đều đi một mình. Quang phân tích: "Tùy trường hợp mà chúng ta lựa chọn độc hành hoặc cần người đồng hành. Đi một mình thì có sự tự do và linh hoạt; tăng cơ hội khám phá bản thân, phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề. Còn có người cùng đi thì dễ chia sẻ vui buồn, tăng sự an toàn, hỗ trợ nhau giải quyết vấn đề phát sinh, giảm gánh nặng chi phí".
Anh cho rằng bạn trẻ dù tài chính hạn chế và non kinh nghiệm vẫn có thể lên đường: "Hãy bắt đầu những chuyến đi trong nước thông qua các sự kiện thiện nguyện của nhà trường, các tổ chức xã hội. Để tìm kiếm các chuyến đi xa hơn, đừng bỏ qua hoạt động trao đổi sinh viên, các dự án tình nguyện quốc tế, các cuộc thi và diễn đàn lãnh đạo trẻ, săn học bổng du học hoặc lập kế hoạch tiết kiệm để đầu tư đi du lịch tự túc".
Nguyễn Thị Thường, sinh viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam, đã có được chuyến đi nước ngoài đầu tiên trong đời từ một trong những cơ hội mà Minh Quang đề cập. Tình cờ đọc được bài đăng trên mạng xã hội của một bạn trẻ kể về những điều tuyệt vời đã góp nhặt từ chương trình "Lead the Change", Thường nộp đơn ứng tuyển 2 lần và đều trúng tuyển. Ở lần đầu tiên, cô không đủ kinh phí dù đã được học bổng tối đa - 40% của chương trình. Đến lần thứ 2, cô lấy hết can đảm đăng bài gây quỹ trên trang cá nhân và nhận được sự tiếp sức của nhiều người để đặt chân đến Singapore tham gia chương trình vào tháng 7 năm nay cùng 30 bạn trẻ đến từ nhiều nước khác.
Khẳng định mình ở xứ người
Từ lần xuất ngoại đầu đời, Nguyễn Thị Thường càng thấm thía thông điệp: "Hạnh phúc là một hành trình, chứ không phải một đích đến". Niềm vui và sự tri ân cuộc sống của Thường đã bắt đầu từ lúc nhận được giúp đỡ chứ không phải chỉ trong và sau chuyến đi.
Cô hiểu rằng biết lên tiếng nhờ hỗ trợ cũng là một loại năng lực và Thường đã chăm chỉ học tập ở đảo quốc sư tử để xứng đáng với niềm tin của mọi người cũng như duy trì tinh thần "Pay it forward - Đáp đền tiếp nối" về sau.
Còn Nguyễn Gia Huy (sinh năm 1996, quê Hà Nội) cũng đang có trải nghiệm đặc biệt. Tốt nghiệp chuyên ngành tài chính tại Trường Đại học Thăng Long và thạc sĩ quản lý ở Trường Đại học Temple (Nhật Bản), anh đang là trợ lý tài chính cho ông Iehiro Tokugawa - tộc trưởng của gia tộc Tokugawa đời thứ 19 và là Chủ tịch của Tokugawa Memorial Foundation. Gia Huy đồng thời phụ trách mảng marketing cho công ty.
Cần nhắc lại: Gia tộc Tokugawa là cái tên gắn liền với lịch sử của Nhật Bản, từng nắm giữ vai trò tướng quân - Shogun đứng đầu Mạc phủ thời Edo, đem lại hòa bình và thịnh vượng cho Nhật Bản. Tokugawa là chính quyền Mạc phủ ở Nhật Bản do Tokugawa Ieyasu thành lập và trị vì từ năm 1603 - 1868, còn gọi là thời kỳ Edo. Sau đó, gia tộc vẫn nắm giữ các vị trí khác nhau trong bộ máy chính trị Nhật Bản cho đến Shogun đời thứ 17. Tokugawa Memorial Foundation được thành lập vào năm 2003 và Gia Huy là người ngoại quốc đầu tiên được nhận vào làm cho gia tộc nổi tiếng này.
Chàng trai năng động, chịu khó từng có lúc nghi ngờ năng lực của bản thân, không có định hướng rõ ràng nhưng đã tự vực mình dậy. Gia Huy bộc bạch: "Chuyện có nên bước ra khỏi vòng tròn an toàn hay không còn phụ thuộc vào mục tiêu và ước mơ của mỗi người. Là một người Việt Nam, tôi luôn hướng về Tổ quốc, muốn làm những việc ý nghĩa, góp phần tạo nên hình ảnh đẹp của thế hệ trẻ".
Khối lượng công việc dày đặc, nhịp sống công nghiệp tất bật nơi xứ lạ khó làm Gia Huy nao núng. Không chỉ làm tròn việc, anh thậm chí hoàn thành trước thời hạn, sẵn sàng tìm tòi, bổ sung kiến thức mà không cần làm phiền ai xung quanh. Tự nhận mình không quá thông minh hay xuất sắc toàn diện, Gia Huy đề cao sự kiên trì và óc sáng tạo. Nỗ lực của anh đã được ghi nhận và anh lại có dịp thử sức trong những nhiệm vụ quan trọng hơn. Không có giới hạn nào cho những trái tim giàu khát vọng vươn cao, dám ra biển lớn. Mỗi bước chân đi là thêm một dịp học điều mới. Và bạn trẻ, sẽ "lớn" hơn, thêm năng lượng và bản lĩnh tạo dựng bao giá trị đáng quý cho mình, cho xã hội.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/dan-buoc-de-truong-thanh-20230805192747698.htm