Dân chủ để xây dựng nông thôn mới
Xã Hồng Thái (Na Hang) có 316 hộ với 1.539 nhân khẩu, 100% dân tộc thiểu số; dân tộc Mông, Dao chiếm đa số. Từ một xã chỉ đạt 1 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM) vào năm 2011, đến năm 2019, xã đã về đích NTM theo đúng lộ trình. Để có thành quả đó, hệ thống chính trị của xã đã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, coi đây là 'chìa khóa vạn năng' để giải quyết mọi khó khăn.
Dân tự bàn bạc và quyết định
Anh Triệu Văn Keo, Trưởng thôn Pắc Khoang nhấn mạnh, chi bộ và đảng viên nắm vững các chủ trương, chính sách trong xây dựng NTM thống nhất và đưa ra họp thôn để người dân tự bàn bạc, quyết định. Nhất là đối với chủ trương và mức đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng theo chủ trương Nhà nước và Nhân dân cùng làm, nhân dân giải phóng mặt bằng... Thời gian qua, 10 hộ dân của thôn đã hiến hàng nghìn m2 đất để xây dựng các công trình hạ tầng. Hiện nay, 100% tuyến đường trong thôn được bê tông hóa, nhà văn hóa thôn được xây dựng mới, trường mầm non sửa chữa khang trang hơn; 100% hộ dân xây dựng 3 công trình vệ sinh hợp vệ sinh.
Thiết thực xây dựng nông thôn mới, hội viên phụ nữ thôn Pắc Khoang, xã Hồng Thái
tích cực thực hiện “Mỗi hội viên một vườn rau sạch”.
Thôn Khuổi Phầy có trên 40 hộ dân đều là đồng bào Mông sinh sống. Bí thư Chi bộ thôn Hoàng Văn Tài cho biết, năm 2019, sau khi nhà văn hóa thôn hoàn thành theo chương trình Nhà nước và Nhân dân cùng làm, người dân nhận ra chính họ được hưởng thụ từ công trình. Từ đó đến nay, khi thôn triển khai chủ trương nào mà phải huy động đến sức người, sức của, 100% hộ dân đồng tình ngay. Đảng viên trong chi bộ bàn bạc, thống nhất dự toán rồi triển khai họp thôn thống nhất cách đóng, mức đóng, cách triển khai. Đơn cử, nhân dân thống nhất lấy 100 triệu đồng tiền được chi trả từ bảo vệ rừng theo Nghị quyết 75 của Chính phủ để mua sắm thiết bị, xây dựng công trình phụ trợ của nhà văn hóa. Chi bộ chỉ đạo công khai, minh bạch từng khoản chi tiêu đến đảng viên, nhân dân. Qua đó, càng củng cố lòng tin của nhân dân với chi bộ.
Cách làm như Chi bộ thôn Pắc Khoang, Khuổi Phầy chỉ là một trong những hình thức phát huy dân chủ. Điều cốt lõi là người dân được tự quyết định, bàn bạc những nội dung liên quan đến quyền lợi thụ hưởng. Theo đồng chí Đàng Thị Hiền, Bí thư Đảng ủy xã, trong xây dựng NTM, khó khăn nhất là huy động nguồn lực của người dân để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn, thực hiện tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 17 về môi trường. Đảng ủy đã chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội, UBND xã thực hiện tốt công tác dân vận gắn với quy chế dân chủ ở cơ sở. Cơ chế “Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, các đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và thụ hưởng” ngày càng được phát huy. Quá trình xây dựng NTM của địa phương không có đơn thư, khiếu nại, tố cáo của người dân.
Dân biết, dân hiểu, dân sẽ đồng thuận
Ông Hoàng Văn Thống, thôn Khuổi Phầy thuộc hộ nghèo. Ban đầu, ông chưa đồng thuận với chủ trương hiến đất xây dựng nhà văn hóa, chợ Khuổi Phầy. Chi bộ vận động, tuyên truyền, ông Thống thấy được tầm quan trọng của kết cấu hạ tầng trong xây dựng NTM của địa phương. Ông vui vẻ hiến 3.000m2 đất sản xuất không đòi hỏi đền bù. Sau ông Thống, ông Hoàng Văn Sám cũng đã hiến 600m2 đất để làm đường dẫn vào nhà văn hóa thôn.
Những tấm gương điển hình như ông Thống, ông Sám đã chứng minh khi dân biết, dân hiểu, dân sẽ đồng thuận. Đây là giải pháp trọng yếu để phát huy nguồn lực từ dân trong xây dựng NTM. Năm 2019, xã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Tổng số nguồn vốn xây dựng NTM là trên 84,11 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư gần 2,7 tỷ đồng. Ngoài ra, người dân đóng góp hàng nghìn m2 đất để xây dựng công trình cơ sở hạ tầng. Mặc dù là nguồn lực nhỏ bé so với đầu tư của Nhà nước song đó là nỗ lực của xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với chỉ trên 300 hộ dân, tỷ lệ hộ nghèo từng chiếm gần 66%.
Thực hành dân chủ trong xây dựng NTM, thời gian qua, tại trụ sở làm việc của xã, các chủ trương, nội dung, công trình, kế hoạch về xây dựng NTM được niêm yết công khai và thông báo rộng rãi trên hệ thống truyền thanh. Từ xã đến thôn công khai minh bạch việc thu, chi ngân sách, dự toán, quyết toán các công trình xây dựng. Các thôn triển khai, tổ chức họp dân, lấy ý kiến nhân dân, mở “Hòm thư góp ý” đặt tại các nhà văn hóa thôn. Đồng thời, tuyên truyền những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, biểu dương những điển hình, điểm sáng thực hiện quy chế dân chủ về xây dựng NTM, tạo sức lan tỏa sâu rộng cho phong trào. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể xã chủ động thực hiện các tiêu chí bằng những phần việc thiết thực, cụ thể gắn với các phong trào thi đua; phối hợp làm tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội. Trong đó, trọng tâm là huy động nhân dân, đoàn viên, hội viên tham gia thực hiện các việc khó, việc phát sinh trong xây dựng NTM. Đảng ủy, UBND xã lãnh đạo, phát huy hiệu quả vai trò của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.
Theo đồng chí Đặng Trung Dũng, Chủ tịch UBND xã, đầu tháng 8-2021, Đảng ủy, UBND xã đã họp triển khai đến chi bộ, thôn và nhân dân về kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2023. Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục làm tốt công tác dân vận gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hành dân chủ gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Qua đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, đảng viên trong xây dựng NTM nâng cao.