Dân chủ luôn đi đôi với kỷ cương
Ngày 1-7, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 chính thức có hiệu lực. Đạo luật là cơ sở pháp lý rất quan trọng để thể chế hóa quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ra đời đã đập tan mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Dân chủ cơ sở là một bước tiến mới trong nhận thức lý luận dân chủ và dân chủ hóa ở nước ta. Cấp cơ sở là nơi trực tiếp làm việc với nhân dân, trực tiếp triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, do đó có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ trong cơ cấu tổ chức quyền lực nhà nước mà còn là yếu tố chi phối mạnh mẽ đến đời sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển đất nước
Đảng ta ngay từ ngày đầu thành lập cho đến mãi mãi về sau chỉ có một mục đích duy nhất là phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Nhà nước của ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân, đảm bảo cho nhân dân có đầy đủ mọi quyền lợi của công dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ vai trò của dân chủ, coi dân chủ là động lực của sự phát triển. Người khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đày tớ cho dân”. Sinh thời, Người luôn căn dặn: Phải ra sức thực hành dân chủ, thật sự tôn trọng quyền làm chủ của quần chúng, dân chủ về kinh tế, dân chủ về chính trị.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, quan điểm xuyên suốt của Đảng ta là: Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Đại hội VI của Đảng mở đầu công cuộc đổi mới đã đề ra phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và đúc kết bài học kinh nghiệm: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”. Tinh thần đó đã nhất quán, xuyên suốt các kỳ đại hội tiếp theo của Đảng.
Ngày 18-2-1998, Bộ Chính trị (khóa VIII) ban hành Chỉ thị số 30 “Về xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở”. Đảng ta coi đây là một khâu quan trọng và cấp bách để phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nơi thực hiện quyền làm chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục kế thừa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát” song nhấn mạnh và bổ sung thêm yếu tố “dân thụ hưởng”. Động lực chính là lợi ích, lợi ích phải hài hòa giữa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước với phương châm tổng quát, tạo thành một vòng tròn khép kín và biện chứng, đó là: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Câu trả lời đanh thép đối với các thế lực thù địch
Trong những năm qua, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với âm mưu ngày càng thâm độc, tính chất ngày càng quyết liệt. Dân chủ, nhân quyền là chiêu bài chúng vẫn dùng để lợi dụng kích động, gây rối, phá hoại, gây mất ổn định chính trị - xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngay sau khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội thông qua, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị đã tìm mọi cách phủ nhận, hạ thấp giá trị của luật. Chúng đã xuyên tạc giá trị của luật bằng những lập luận mang tính áp đặt, ngụy biện, nhằm phủ nhận quan điểm đúng đắn của Đảng, chính sách tốt đẹp của Nhà nước ta trong bảo đảm các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Nhiều trang báo, trang thông tin từ nước ngoài (như: BBC tiếng Việt, RFA…) dẫn một số bài viết đánh tráo khái niệm nhằm làm cho mọi người tin rằng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở của Việt Nam chỉ là mang tính chỉnh sửa về hình thức; cho rằng các quy định của luật không đúng bản chất của dân chủ… Mục đích cuối cùng của các thế lực thù địch vẫn là cổ vũ cho chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập tại Việt Nam để đa dạng hóa đường lối cho nhân dân lựa chọn thông qua bầu cử tự do thì mới đảm bảo cho một nền dân chủ.
Cho dù các thế lực phản động có xuyên tạc, chống phá thế nào thì thực tế những gì diễn ra tại Việt Nam đang khẳng định bầu không khí dân chủ trong Đảng, trong xã hội mở rộng hơn. Dân chủ trực tiếp ở cơ sở được mở rộng, nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân được bảo vệ. Với mục tiêu, quan điểm và những quy định mới trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, chúng ta không cho phép bất cứ thế lực nào phủ nhận, xuyên tạc, hạ thấp giá trị của luật này.
Dân chủ luôn đi đôi với kỷ cương, kỷ luật
Với đạo luật này, thực hiện dân chủ ở cơ sở không còn là khẩu hiệu chung chung mà đã trở thành quy phạm pháp luật quy định cụ thể về quyền của người dân, nhân dân đã có công cụ pháp lý vững chắc để thực hiện quyền làm chủ của mình. Người dân được biết, được bàn, được giải phóng sức sản xuất và sáng tạo, được kiểm tra, giám sát, tài chính công khai, minh bạch hơn, từ đó nhân dân có điều kiện thực tế để thụ hưởng những thành tựu mà dân chủ mang lại.
Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành đã thể chế hóa quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, hiện thực nguyện vọng, tâm tư của người dân về quyền làm chủ của mình. Mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân cần nhận thức đúng về các quyền dân chủ. Điều quan trọng là khi thực thi các quyền dân chủ cần phải hiểu rằng: Dân chủ luôn đi đôi với kỷ cương, kỷ luật; dân chủ luôn gắn với pháp chế, trật tự xã hội, tuân phủ pháp luật. Có như vậy, các quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở mới thực sự là hành lang pháp lý để bảo vệ các quyền dân chủ cho nhân dân, đồng thời ngăn chặn các hành vi vi phạm dân chủ từ bất kỳ lực lượng, tổ chức, cá nhân nào.