Dân chủ ở cơ sở: Đừng công khai, minh bạch kiểu chiếu lệ
Đại biểu Quốc hội cho rằng nhiều địa phương thực hiện công khai thông tin một cách chiếu lệ. Nếu công khai không kèm theo sự minh bạch thì sẽ không đảm bảo được quyền lợi của người dân, không phát huy được dân chủ ở cơ sở.
Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở vừa được Quốc hội thảo luận sôi nổi và thẳng thắn trên nghị trường, tại Kỳ họp thứ 3, với 151 ý kiến tại tổ và 20 ý kiến trên hội trường, 3 ý kiến tranh luận.
Đại biểu Quốc hội nhất trí cao với sự cần thiết phải ban hành luật, bày tỏ thống nhất với nhiều nội dung cơ bản được thiết kế trong dự thảo, song cũng phân tích và yêu cầu phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn nữa.
Dù để cập đến góc độ nào của dự thảo luật thì điều có thể dễ nhận thấy nhất trong phiên thảo luận chính là về công khai, minh bạch, mà theo lời Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà – đây là vấn đề rất quan trọng trong bắt đầu khởi sự của phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng".
Theo đại biểu Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai), nhiều nơi vẫn còn xảy ra tình trạng thông báo mang tính chất hình thức, vắn tắt những nội dung nhạy cảm, nhất là về lĩnh vực quy hoạch đất đai; việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án hoặc kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, đảng viên, công chức cấp xã và cán bộ thôn; công tác thi đua, khen thưởng..
“Hơn nữa, hiện nay pháp luật chỉ quy định về nội dung, hình thức công khai mà thiếu quy định về tính minh bạch trong công khai của chính quyền cấp xã. Vì vậy, nhiều địa phương thực hiện công khai một cách chiếu lệ. Nếu công khai không kèm theo sự minh bạch thì sẽ không đảm bảo được quyền lợi của người dân” – ông Sùng A Lềnh nhấn mạnh và đề nghị nghiên cứu quy định một số hình thức công khai bắt buộc đang thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn để có cơ sở tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát đối với trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin của cơ quan, đơn vị.
Cũng chính vì vậy mà đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) bày tỏ rất tâm đắc và đồng tình với mục đích xây dựng luật là "để đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị".
“Nhìn lại những vụ đại án tham nhũng trong thời gian vừa qua tôi thấy rằng mục đích này nêu ra rất xác đáng” – ông nói, bởi “nếu chúng ta làm tốt dân chủ ở cơ sở chắc chắn chúng ta sẽ tránh được những vi phạm phải xử lý như thời gian vừa qua. Ví dụ như vụ trang thiết bị y tế hay chế phẩm xử lý nước Hồ Tây… ngoài điểm giống nhau là thực hiện đúng các quy trình, có đầy đủ các cơ quan có chức năng tham gia còn có một điều cũng giống nhau nữa là không được minh bạch, không được công khai, không được thông tin để cho người dân biết.
“Người dân chỉ nghe thấy thông tin mang tính chất như đồn thổi với nhau, không chính thống và đến lúc sự việc xảy ra thì đồn thổi đấy lại trở thành sự thật. Điều đó chứng tỏ nếu chúng ta công khai dân chủ để mọi người được biết thì tôi nghĩ tất cả những vụ này đều được ngăn chặn trước” – đại biểu nêu quan điểm.
Cũng theo đại biểu, nếu thực hiện tốt dân chủ cơ sở, công khai minh bạch để người dân biết được thông tin, nắm được mọi hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong việc sử dụng các nguồn lực công có liên quan đến người dân, đến cộng đồng thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ nhận được rất nhiều các ý kiến tham gia đóng góp để mang lại kết quả, quyết định đó tốt hơn và đồng thời sẽ tránh được các sai phạm.
Ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, về nguyên lý, cứ bất kể vấn đề gì liên quan đến quản lý các nguồn lực công, liên quan đến người dân thì cần phải công khai, trừ những vấn đề thuộc về bí mật nhà nước. Luật không nên quy định công khai những gì, vì trên thực tế cuộc sống sẽ thay đổi rất nhiều, sẽ phát sinh ra việc khác mà luật không thể sửa ngay, mà luật chỉ nên thể hiện những gì thuộc về bí mật nhà nước, thuộc về quy định cấm thì không được công khai, còn lại tất cả các quyết định liên quan đến nguồn lực công, liên quan đến người dân thì đều phải thực hiện công khai.
Cũng đề cập những nội dung chính quyền cấp xã phải công khai, đại biểu Lê Tất Hiếu (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm nội dung là dự thảo quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất; các đề án định canh, định cư vùng kinh tế, phương án phát triển các ngành nghề; dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh việc quản lý, sử dụng quỹ đất của cấp xã.
Đánh giá hình thức công khai, niêm yết và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp xã được thể hiện trong dự thảo phù hợp với việc hiện đại hóa, đặc biệt là công nghệ thông tin hiện nay trong thời kỳ 4.0, tuy nhiên, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đề nghị, bên cạnh đăng tải lên trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử thì nơi chưa có cũng phải áp dụng hình thức công khai khác.
Ngoài ra, cần cân nhắc bổ sung các quy định căn cứ điều kiện thực tế chính quyền cơ sở có thể lựa chọn cung cấp thêm nội dung thông tin công khai để nhân dân biết với các điều kiện không thuộc trường hợp thông tin không được tiếp cận hoặc thông tin được tiếp cận có điều kiện theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin và các luật khác có liên quan.
Ông Thạch Phước Bình cũng lưu ý luật cần làm rõ việc công khai thông tin về trách nhiệm lấy ý kiến nhân dân, ý kiến các đối tượng chịu sự tác động trong quá trình chính quyền cơ sở ban hành các quyết định quản lý hành chính có liên quan đến lợi ích của cộng đồng dân cư hoặc có nội dung xác lập nghĩa vụ làm chấm dứt, hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đối tượng thi hành./.