Dân chủ xã hội chủ nghĩa, động lực phát triển đất nước
Làm chủ là khát vọng có tính bản chất của con người. Trong quá trình vận động và phát triển của xã hội loài người, khát vọng ấy được hiện thực hóa ở mức độ khác nhau. Con người biết làm chủ trong quan hệ với tự nhiên, biết tận dụng các điều kiện thuận lợi để tồn tại và phát triển.
Khi xã hội loài người hình thành, con người với tư cách là thực thể xã hội, con người biết làm chủ xã hội với những cấp độ: Làm chủ bản thân, làm chủ gia đình, làm chủ cộng đồng và làm chủ xã hội. Làm chủ xã hội trở thành mục tiêu cao nhất trong quá trình vận động và phát triển xã hội loài người. Trong lịch sử, chế độ chính trị tốt đẹp nhất là chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN), đó là xã hội mà đại đa số người dân được xác định là chủ thể xã hội, nhân dân làm chủ xã hội. Khi nhân dân được làm chủ xã hội, được thụ hưởng những thành quả của mình tạo ra thì trở thành động lực to lớn thúc đẩy xã hội phát triển. Ở Việt Nam, khi Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, chế độ dân chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc hình thành. Từ đó, chế độ dân chủ trở thành mục tiêu và là động lực phát triển đất nước.
Mục tiêu xây dựng một nền dân chủ được hình thành từ đầu thế kỷ 20 với phong trào dân chủ tư sản do các nhà yêu nước tiền bối: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh khởi xướng. Do sự lựa chọn con đường, phương pháp cách mạng... sai lầm, phong trào cách mạng dân chủ tư sản ở Việt Nam thất bại. Vượt lên trên tư tưởng tiến bộ của các nhà yêu nước tiền bối, Hồ Chí Minh đã tiếp tục thực hiện mục tiêu: Giải phóng dân tộc, xây dựng nền dân chủ kiểu mới theo con đường cách mạng vô sản.
Từ khi thành lập Đảng đến Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất tâm thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giành quyền dân chủ nhân dân. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, chính quyền cách mạng được giành về tay nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: Nước ta là nước dân chủ; bao nhiêu lợi ích đều vì dân; bao nhiêu quyền hạn đều của dân; công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân; sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân; chính quyền từ xã đến chính phủ Trung ương do dân cử ra; đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên; nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr.698). Từ đó đến nay, tư tưởng dân chủ của Người đã được hiện thực hóa. Nhân dân thực sự trở thành chủ thể đất nước, từ người nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Mục tiêu xây dựng nền dân chủ ngày càng được mở rộng và phát huy cao độ, nhân dân hồ hởi, phấn khởi bước vào các cuộc kháng chiến, kiến quốc, chống thực dân, đế quốc, thống nhất đất nước, tiến hành đổi mới đất nước với tư thế người làm chủ đất nước.
Đảng ta xác định dân chủ là mục tiêu của mọi cuộc cách mạng. Tùy vào mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, tùy thuộc vào yêu cầu của các cuộc cách mạng mà có những hình thức dân chủ phù hợp. Chế độ dân chủ ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn, được luật hóa, phổ biến đến mọi người dân. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) một lần nữa tiếp tục nhất quán mục tiêu dân chủ: Xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một chế độ do nhân dân làm chủ, là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm.
Khi dân chủ trở thành mục tiêu của phát triển xã hội, nó thôi thúc nhân dân thực hiện công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân trở thành động lực cơ bản của mọi cuộc cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội VI của Đảng đã đánh dấu bước ngoặt lớn, đưa đất nước vào thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ. Nhân dân ta lại bước vào một giai đoạn mới, đó là đổi mới đất nước toàn diện: Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng nền dân chủ XHCN, nền văn hóa định hướng XHCN... hàng loạt vấn đề có tính chất mới mẻ, vừa làm, vừa tìm tòi sáng tạo. Quá trình đổi mới cho thấy, chừng nào dân chủ được phát huy, được mở rộng, chừng đó đất nước ta phát triển vượt bậc, bền vững. Bài học “dân là gốc, dân là chủ” ngày càng thấm nhuần trong đời sống xã hội.
Hiện nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng ta xác định: Công cuộc đổi mới phải dựa vào nhân dân, do nhân dân thực hiện thì mới thành công. Đảng, Nhà nước đặt niềm tin vào nhân dân. Do đó, Đảng chủ trương mở rộng dân chủ, xây dựng quy chế dân chủ nhằm thực hiện tốt hơn vấn đề dân chủ. Đặc biệt, trong quá trình đổi mới đã nảy sinh tiêu cực, đó là nạn tham nhũng. Đảng, Nhà nước ta đang cùng nhân dân thực hiện chống tham nhũng và đạt được những kết quả nhất định, được nhân dân đồng tình, tin tưởng, ủng hộ. Những vụ án tham nhũng lớn, những tiêu cực trong bộ máy hành chính, những sai phạm trong quản lý đất đai, môi trường, quản lý kinh tế lỏng lẻo, những biểu hiện suy thoái phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên... đều được nhân dân phát hiện, tố giác, giúp Đảng, Nhà nước làm sạch bộ máy.
Đảng ta xác định: Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc" thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN. Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay, trước bối cảnh khó khăn của thế giới, dân chủ XHCN ở nước ta đã, đang trở thành động lực thúc đẩy đất nước phát triển.