Dẫn dắt về công nghệ tôn mạ – là kết quả chứ không phải mục tiêu của doanh nghiệp
Sau 30 năm có mặt tại Việt Nam, BlueScope – thương hiệu tôn mạ đến từ nước Úc đã góp phần tạo nên những xu hướng mới về công nghệ cho thị trường này. Vì sao doanh nghiệp có được thành tích đó trong bối cảnh thị trường đầy cạnh tranh. Nội dung cuộc phỏng vấn của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn với ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc NS BlueScope Việt Nam dưới đây sẽ làm rõ hơn về điều này.
KTSG Online: Ông đánh giá thế nào về sự chuyển mình của thị trường tôn mạ Việt Nam trong vài chục năm qua?
– Ông VÕ MINH NHỰT: Tôi bắt đầu vào ngành này từ cách đây 30 năm, khi thị trường Việt Nam chưa phát triển, chỉ có một nhà xưởng sản xuất tấm tôn khổ 2,4 mét duy nhất, Việt Nam phải sử dụng khung kèo nhập khẩu từ Tiệp Khắc qua hoặc tìm kiếm mua tôn cũ, kho của Mỹ để lại…
Trước khi BlueScope đưa nhà máy sản xuất thép mạ hợp kim và mạ màu tại Biên Hòa đi vào hoạt động năm 1993 với công nghệ tôn mạ 2 lớp (nhôm – kẽm) đầu tiên trên thị trường thì công nghệ sản xuất tôn mạ của Việt Nam còn tương đối thô sơ với công nghệ mạ một lớp (tôn mạ kẽm). Sau đó 5-7 năm, các nhà sản xuất khác tại Việt Nam bắt đầu thay đổi công nghệ – chuyển từ công nghệ tôn 1 lớp qua công nghệ tôn lạnh 2 lớp, dần dần thúc đẩy công nghệ nội địa, phát triển sản phẩm và bắt đầu hình thành thị trường xuất khẩu.
KTSG Online: Theo ông, BlueScope đã tạo ra sự đột phá ra sao trong lĩnh vực tôn Việt?
– Sự thay đổi của ngành này tại Việt Nam không hoàn toàn đến từ BlueScope. Nhưng cách đây 30 năm khi nhà máy của chúng tôi ở mảng hạ nguồn (downstream) với thương hiệu BlueScope Lysaght được vận hành tại Việt Nam đã mang đến “làn gió mới” cho công nghệ sóng tôn lúc bấy giờ với tôn “không vít” Lysaght Klip-Lok có liên kết đai kẹp âm, hệ mái có thể tự do di trượt dưới sự giãn nở nhiệt. Giải pháp này đã mở đường cho sự ra đời của các dòng tôn “không vít” sau này, góp phần vào sự phát triển của công nghệ lợp tôn nói riêng và sự phát triển của ngành xây dựng nói chung.
Bên cạnh đó, nhà máy sản xuất tôn cuộn ở mảng trung nguồn (midstream) của BlueScope là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam sản xuất công nghệ mạ hợp kim nhôm kẽm (tôn 2 lớp). Nhưng đến nay đã có 17 nhà sản xuất tại Việt Nam chuyển qua công nghệ này với công suất hiện nay cung lớn hơn cầu nội địa khoảng 2,5 lần. Hầu hết các nhà sản xuất trong nước có thị trường xuất khẩu hơn 50% sản lượng.
Cách đây ba năm, BlueScope Việt Nam tiếp tục giới thiệu một tiêu chuẩn mới cho ngành hàng: tôn mạ theo tiêu chuẩn AM (Tôn mạ ma trận 4 lớp – Công nghệ ACTIVATE và INOK). Đây là công nghệ độc quyền có hiệu quả chống ăn mòn tiên tiến nhất thị trường hiện nay.
KTSG Online: Những thuận lợi và khó khăn khi một doanh nghiệp dẫn đầu về công nghệ, theo ông là gì?
– Về góc độ sản phẩm, các công nghệ được NS BlueScope Việt Nam áp dụng đến từ những thành quả nghiên cứu và phát triển của đội ngũ chuyên gia đến từ BlueScope Úc và quá trình chuyển giao công nghệ tại Việt Nam trong hơn hai năm. Quá trình này rất khắt khe bởi ngoài yếu tố công nghệ còn có bí quyết của quá trình sản xuất trong từng công đoạn.
Tại sao trong cả Đông Nam Á thì chỉ có NS BlueScope Việt Nam được chọn để ứng dụng công nghệ này ngoài nước Úc – vì họ thấy lực lượng sản xuất của chúng tôi đủ kinh nghiệm và có khả năng về kỹ thuật để kiểm soát rủi ro, cũng như Việt Nam chứng minh được chỉ số hiệu quả trong sản xuất qua nhiều năm liên tục. Điều này cũng đặt ra một thử thách: phải có đội ngũ giỏi để tiếp thu công nghệ.
Về thị trường, khi một công ty đưa ra công nghệ mới, khách hàng chưa biết thì phải xây dựng chiến lược marketing như thế nào, đầu tư thương hiệu ra sao, đào tạo cho khách hàng hiểu về sản phẩm mới như thế nào… Đây là một trong những khó khăn mà doanh nghiệp đi đầu về công nghệ phải vượt qua.
Song, có một điều làm chúng tôi rất vui là khi công ty cho ra đời những sản phẩm mới thì ngành hàng sẽ có xu hướng cùng đi theo, điều đó sẽ giúp thị trường ngày một nâng tầm về công nghệ và giúp cộng đồng ngày càng được hưởng lợi hơn.
KTSG Online: BlueScope có những chiến lược gì để dẫn dắt công nghệ/dẫn dắt ngành hàng bền vững, thưa ông?
Chiến lược của BlueScope chọn là cạnh tranh về giá trị sản phẩm, tạo những giá trị cho khách hàng chứ không cạnh tranh về giá cả.
Còn theo góc nhìn phát triển bền vững, hiện nay có vài việc mà BlueScope đang tập trung. Một phần đó là quy định từ tập đoàn bởi có những quy định buộc các doanh nghiệp tại các quốc gia phải làm như: an toàn sức khỏe cho nhân viên; trách nhiệm với nhà cung cấp; về tính chính trực trong kinh doanh – phòng chống vấn đề tham nhũng hàng năm cho nhân viên qua các khóa đào tạo hàng năm; đảm bảo vai trò bình đẳng của người phụ nữ…
Thậm chí có những việc NS BlueScope Việt Nam còn làm nhiều hơn quy định của tập đoàn như xây thêm phòng vệ sinh hoặc phòng thay đồ cho nữ, phòng vắt trữ sữa mẹ, tạo điều kiện để người phụ nữ không phải đi làm giờ giấc không thuận lợi…
Về vấn đề về biến đổi khí hậu, tập đoàn toàn cầu đưa chỉ tiêu xuống cho từng quốc gia – phải giảm 30% lượng thải C02 từ nay tới năm 2030 – mặc dù Chính phủ Việt Nam chưa đưa ra quy định cụ thể với BlueScope.
Ngoài những quy định của tập đoàn, ở Việt Nam NS BlueScope đang phấn đấu trong hai năm qua để chuẩn bị là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đạt chứng nhận quốc tế Responsible Steel về doanh nghiệp sản xuất thép có trách nhiệm – giải quyết các vấn đề về phát triển bền vững tuân theo các chuẩn mực của ESG dành riêng cho ngành thép (gồm 13 tiêu chuẩn ESG – về môi trường, xã hội, quản trị…).
Bên cạnh đó NS BlueScope Việt Nam cũng đang trên con đường để được cấp chứng nhận EPD vào giữa năm 2024. Để được chứng nhận này phải khai báo tất cả các sản phẩm làm ra trong quá trình từ sản xuất, sử dụng và tái tạo ảnh hưởng tới môi trường như thế nào. Từng khâu trong quá trình sản xuất có thể truy xuất được lượng khí thải C02 như thế nào… Khi có EPD, khách hàng sẽ biết được nhà máy của NS BlueScope Việt Nam thải khí C02 như thế nào trong toàn bộ chu kỳ của sản phẩm.
KTSG Online: Ông đánh giá sao về những khó khăn mà ngành hàng đang trải qua trong thời kỳ hiện tại, dự đoán cho tương tai sẽ như thế nào?
– Ngành thép đang khó khăn vì nhu cầu đang giảm rất nhiều. Nhu cầu dân dụng đang giảm mạnh do thắt chặt chi tiêu, giảm đầu tư xây nhà.
Còn về thị trường dự án, xây dựng công nghiệp, đầu tư tư nhân giảm khá nhiều. Phần vì lãi suất cao, phần vì thị trường xấu… ngoại trừ một phân khúc trong ngành công nghiệp còn phát triển là đầu tư FDI. Song, đó là những khó khăn hiện tại, ngắn hạn và sẽ qua đi. Tôi tin rằng thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển.
KTSG Online: Bên cạnh việc dẫn đầu về công nghệ, thành tựu nào mà BlueScope Việt Nam đã đạt được trong 30 năm qua và vì sao có được kết quả này?
– Đó là việc rất nhiều nhân viên của chúng tôi gắn bó trên 10 năm với công ty. Để giữ một nhân viên làm việc lâu năm thì thu nhập là điều quan trọng nhưng không phải là yếu tố lớn nhất. Nhân viên của chúng tôi đã nhìn thấy những điều mà họ muốn gắn bó: môi trường làm việc thoải mái, được học hỏi, phát triển và gắn kết.
Bên cạnh đó, được làm trong môi trường mà họ cảm nhận được giá trị cốt lõi mà công ty xây dựng được thì nhân viên sẽ cảm kích và muốn gắn bó. Do đó, giá trị cộng đồng mà doanh nghiệp mang lại phải cao hơn việc tạo ra lợi nhuận. Tất nhiên doanh nghiệp phải hướng tới lợi nhuận nhưng nó chỉ là kết quả. Doanh nghiệp khi mang lại giá trị và đóng góp giá trị cho xã hội thì lợi nhuận, kết quả kinh doanh sẽ tự đến.
KTSG Online: Xin ông cho biết kế hoạch và mục tiêu, định hướng sứ mệnh của doanh nghiệp dẫn đầu công nghệ trong thời gian tới ra sao?
– NS BlueScope Việt Nam không đặt mục tiêu dẫn đầu mà chỉ muốn làm tốt việc của mình. Dẫn đầu hay không là kết quả chứ không phải mục tiêu. Mục tiêu của chúng tôi là tạo được nhiều giá trị nhất cho khách hàng, cho cộng đồng nơi mình đầu tư sản xuất.
Giai đoạn sắp tới chúng tôi sẽ cùng với tập đoàn xây dựng hệ sinh thái của cả khu vực Đông Nam Á bao gồm khách hàng, những công ty trong ngành xây dựng, viện nghiên cứu… để có thể trao đổi và chia sẻ những vấn đề mới.