Dân dĩ thực vi tiên
Dân vĩ thực vi tiên (Dân lấy ăn làm đầu) – câu nói này của người xưa đã truyền qua nhiều thế hệ, qua hàng thế kỷ. Nó không chỉ đúng trong lúc mưa thuận, gió hòa mà còn trúng trong lúc giông bão, khó khăn.
Hôm nay, câu nói này lại càng đúng. Người dân đang rất vất vả mưu sinh, sức dân đang hao mòn đi do nhiều khó khăn tích tụ khi tăng trưởng kinh tế thấp nhất, lại diễn ra sau mấy năm phong tỏa chống Covid-19.
Dù đã có một số chính sách hỗ trợ như miễn, giảm thuế, tiền thuê nhà, gói hỗ trợ lãi suất,… nhưng chưa thấm tháp vào đâu, mà chỉ so với nhu cầu tối thiểu của người dân là cơm, áo, gạo, tiền, vốn hàng ngày đè nặng do suy giảm kinh tế.
Hiện thực này đã được nhìn nhận xác đáng trong kỳ Quốc hội đang diễn ra. Ví dụ, báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Cử tri và nhân dân lo lắng nhận thấy do những bất ổn của tình hình thế giới tác động vào nước ta, các đơn hàng bị cắt giảm cho nên lao động, việc làm và thu nhập của một bộ phận lao động rất khó khăn tiếp tục sụt giảm. Sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp không hiệu quả, thua lỗ, thu nhập của người lao động ở nhiều ngành, nghề giảm sút khá nghiêm trọng, đời sống của một bộ phận người dân chưa được ổn định sau đại dịch COVID-19.
Cử tri và Nhân dân lo lắng nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì một số doanh nghiệp sẽ tiếp tục rời khỏi thị trường, đời sống của người lao động sẽ ngày càng khó khăn hơn.
Trong báo cáo đó có nhiều cụm từ “băn khoăn, lo lắng” mà người dân gửi gắm. Nỗi băn khoăn lo lắng đó được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị giải quyết cụ thể như có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và sớm phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định việc làm và thu nhập của Nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, người lao động mất việc, giãn việc ở các khu công nghiệp…
Báo cáo như vậy phản ánh đúng hoàn cảnh hiện nay của dân. Xin dẫn chứng một con số. Năm 2022 vẫn còn có tới 3,34 triệu hộ gia đình, chiếm tới 11% tổng số hộ gia đình trong toàn quốc, chỉ dùng vỏn vẹn chưa đến 25 kw/h điện một tháng. Hay nói cách khác, tính trung bình mỗi hộ có 4 người thì cả 4 người đó chỉ tiêu dùng chưa đến 1 số điện, hay khoảng 1.400 đồng một ngày.
Mà nhóm khá giả hơn gồm 4,7 triệu hộ khác, chiếm gần 17%, cũng có mức sử dụng điện bình quân chỉ 78 kWh mỗi tháng, hay chỉ hơn 4.000 đồng một ngày.
Mức tiêu dùng điện như vậy không ngạc nhiên so với một khảo sát mới công bố của Tổng cục Thống kê. Theo đó, năm 2022 chi tiêu bình quân đầu người một tháng xấp xỉ 2,8 triệu đồng, giảm 3,3 điểm % so với 2020. Chi tiêu bình quân đầu người một tháng ở thành thị là 3,3 triệu đồng (giảm 13,6 điểm % so với năm 2020), ở khu vực nông thôn gần 2,5 triệu đồng (tăng 4,7 điểm % so với năm 2020).
Hãy để ý những con số. Nó vậy để hiểu: đa số người dân còn nghèo đến thế nào; sức mua của dân, nhất là ở thành thị, đã bị bào mòn đến thế nào.
Một khảo sát khác (PAPI) của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc mới công bố cho biết thêm, đói nghèo vẫn là mối lo lắng nhất của người dân trong năm 2022 và tỉ lệ người trả lời điều kiện kinh tế của họ tồi tệ hơn đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2012, ngoại trừ năm 2021, khi dịch bệnh là mối lo lớn nhất.
Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam được trích dẫn trong các báo cáo ở Quốc hội, chỉ từ tháng 9/2022 đến tháng 01/2023, có gần 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc do đơn hàng giảm, trong đó lao động tại doanh nghiệp FDI chiếm 75%; 4 tháng đầu năm, tình trạng công nhân, đặc biệt là lao động trẻ bị giảm giờ làm, mất việc làm, nhận trợ cấp thất nghiệp tăng.
Còn Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, nguy cơ mất việc làm của số lao động trẻ cao gấp 3 lần so với những lứa tuổi lớn hơn.
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định thêm: đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn; an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững còn nhiều thách thức… Tình hình cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên nhất là ở các ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động, xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch..., ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống người dân, tiềm ẩn khó khăn về an sinh và trật tự an toàn xã hội trong thời điểm cuối năm.
Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài, người lao động lạm dụng bảo hiểm thất nghiệp, vừa đi làm vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Dân dĩ thực vi tiên. Trước mắt, cần thực hiện nhanh và hiệu quả những chính sách kích cầu qua tài khóa, tiền tệ đã ban hành nhưng được triển khai rất chậm chạp.
Về lâu dài, muốn hỗ trợ cho người dân và nền kinh tế một cách hiệu quả, hiệu lực cần chính sách trọng cung, hay tháo bỏ rào cản, tạo thuận lợi, tạo cơ hội trong môi trường kinh doanh, giảm thiểu những gánh nặng thủ tục hành chính cho dân và bảo vệ quyền tài sản của dân qua các thiết chế pháp luật.
Xin một lần nữa nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 10/5 vừa qua: kiểm tra làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, người đứng đầu trong xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật có nhiều sơ hở, bất cập để tổ chức, cá nhân lợi dụng trục lợi; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, không để cài cắm “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong ban hành chính sách, pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước và xã hội.
Yêu cầu của Tổng Bí thư rất thiết thực khi có ước tính rằng, có “hàng ngàn” giấy phép con đã mọc ra gần đây.
Cắt giảm núi giấy phép đó; giảm thiểu hoạt động thanh tra, kiểm tra, bãi bỏ thủ tục hành chính… để dân và doanh nghiệp làm ăn thuận lợi sẽ có hàng ngàn, hàng vạn sáng kiến được phát huy, nguồn lực được huy động, chất xám trí tuệ được giải phóng, và niềm tin trong dân được vun đắp.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dan-di-thuc-vi-tien-2146538.html