Dân du mục kỹ thuật số 'ngán' thủ tục thị thực ở Đông Nam Á
Trong thời gian gần đây, các nước Đông Nam Á đua nhau triển khai loại thị thực mới để thu hút dân du mục kỹ thuật số (digital nomads), tức những người thích xê dịch và có thể làm việc từ xa qua internet.
(KTSG Online) – Trong thời gian gần đây, các nước Đông Nam Á đua nhau triển khai loại thị thực mới để thu hút dân du mục kỹ thuật số (digital nomads), tức những người thích xê dịch và có thể làm việc từ xa qua internet.
Tuy nhiên, thủ tục cấp loại thị thực này còn quá khắt khe, khiến nhiều người bỏ qua và chọn thị thực du lịch thông thường để có thể đến các nước trong khu vực du lịch, kết hợp làm việc.
Quy trình xét duyệt khó khăn
Trong 18 tháng qua, chuyên gia tiếp thị Angela Wong ở Singapore đã rong ruổi khắp Đông Nam Á để du lịch đồng thời làm việc từ phòng trọ của Airbnb, khách sạn và bãi biển. Vì vậy, thị thực du mục kỹ thuật số mới của một số nước Đông Nam Á, nơi nổi tiếng với thời tiết ấm áp và chi phí sinh hoạt rẻ sẽ là một lợi ích.
Từ tháng 7 năm nay, Thái Lan đã nâng thời hạn thị thực dành cho dân du mục kỹ thuật số cũng như người lao động tự do làm xừ xa từ 60 ngày lên 5 năm, với mỗi lần lưu trú giới hạn trong 180 ngày. Đồng thời cho phép người có thị thực mang theo vợ/chồng và con cái.
Hồi đầu năm, Indonesia cũng giới thiệu thị thực KITAS E33G có thời hạn cư trú một năm dành cho người lao động nước ngoài làm việc từ xa. Trong khi đó, chính phủ Philippines cũng tuyên bố sẽ ra mắt thị thực du mục kỹ thuật số trong năm nay.
Tuy nhiên, những người có khả năng đến những nước này bằng thị thực du lịch thì lại thấy không đáng để mất sức cho quy trình xin cấp thị thực du mục kỹ thuật số đòi hỏi quá nhiều giấy tờ.
“Tại sao phải trải qua quy trình đăng ký đòi hỏi các mẫu đơn, bằng chứng về việc làm, các bản sao kê ngân hàng mất nhiều thời gian để hoàn thành và mất nhiều tháng để xét duyệt trong khi tôi có thể lên chuyến bay tới Bangkok ngay vào sáng mai bằng thị thực du lịch?”, Angela Wong nói.
Sự thất vọng của Wong nêu bật những khó khăn mà các nước Đông Nám Á đang đối mặt khi muốn tận dụng cơn bùng nổ làm việc từ xa.
Chi tiêu của dân du mục kỹ thuật số hứa hẹn giúp thúc đẩy nền kinh tế địa phương nhưng nhiều người chỉ ở lưu trú trong thời gian ngắn. Các chính phủ trong khu vực muốn thu hút những lao động nước ngoài có tay nghề làm việc từ xa lưu trú lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn.
Brittany Loeffler, đồng sáng lập của Nomads Embassy, một nền tảng hỗ trợ xin thị thực cho dân du mục kỹ thuật số cho biết, Ý, Bồ Đào Nha, Estonia, Hy Lạp, Malta và Tây Ban Nha tiên phong cung cấp loại thị thực này. Trong khi đó, Đông Nam Á, một điểm du lịch nổi tiếng đối với khách du lịch tiết kiệm, bị tụt lại phía sau.
“Khu vực này có hệ thống phê duyệt thị thực khá khó khăn so với các nước ở châu Âu. Các chính phủ ở Đông Nam Á rất kén chọn, thời gian xử lý thị thực lâu và có quy định về thuế không rõ ràng hoặc thay đổi đột ngột”, Loeffler nhận xét.
Đòi hỏi chứng minh thu nhập tối thiểu hàng năm
Thị thực làm việc từ xa KITAS E33G của Indonesia cho phép một cá nhân cư trú ở nước này để làm việc trong một năm và mang theo thành viên gia đình. Với thị thực kinh doanh hoặc xã hội thông thường, du khách nước ngoài vẫn có thể cư trú ở Indonesia tổng cộng tối đa 6 tháng với điều kiện là rời nước này và nhập cảnh lại hai tháng một lần.
Bas de Jong, đối tác sáng lập của hãng luật PNB của Indonesia, cho biết hầu hết dân du mục kỹ thuật số quan tâm đến điểm đến nghỉ mát nổi tiếng ở Bali sẽ chọn loại thị thực công tác hoặc du lịch một lần. Loại thị thực này cho phép cư trú tối đa hai tháng trong mỗi chuyến du lịch đến Indonesia. Nếu muốn, sau thời hạn 2 tháng đó, du khách có thể rời Indonesia rồi tái nhập cảnh để cư trú thêm 2 tháng nữa. Khách có thể làm như vậy 2 lần để cư trú ở Indonesia thêm 4 tháng.
Theo Bas de Jong, vấn đề gây khó khăn chính đối với hầu đương đơn xin cấp thị thực E33G là yêu cầu chứng minh mức lương hàng năm tối thiểu 60.000 đô la Mỹ.
Thị thực du mục kỹ thuật số của Thái Lan cũng yêu cầu đương đơn chứng minh có ít nhất 500.000 baht (13.900 đô la Mỹ) trong tài khoản ngân hàng. Nikorndej Balankura, Vụ trưởng Vụ Thông tin của Bộ Ngoại Thái Lan, cho biết thị thực du mục kỹ thuật số sẽ tạo điều kiện thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế trong nước.
Thế nhưng, Sutharm Valaisathien, đối tác cấp cao của hãng luật quốc tế ILCT, trụ sở tại Bangkok lại không thấy có nhiều nhu cầu đối với loại thị thực này.
Năm 2022, Malaysia ra mắt thị thực Rantau Nomad Pass dành cho dân du mục kỹ thuật số. Tuy nhiên, các quy định liên quan được áp dụng nghiêm ngặt.
Sarah Huang, đối tác của hãng luật Peter Huang & Richard ở Malaysia cho biết, quy trình xét duyệt thị thực này rất khắt khe vì Malaysia chỉ ưu tiên các đương đơn người làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và dịch vụ kỹ thuật số.
Hồi tháng 6, Malaysia mở rộng tiêu chí xét duyệt thị thực du mục kỹ thuật số để bao gồm thêm các ứng viên làm việc trong những lĩnh vực như tư vấn pháp lý, quản lý phát triển kinh doanh, quan hệ công chúng và kế toán. Tuy nhiên, những người này cần phải chứng minh có thu nhập tối thiểu 60.000 đô la Mỹ mỗi năm.
Cho đến nay, chương trình thị thực Rantau =Nomad Pass đã nhận được 3.218 đơn đăng ký, trong đó 1.506 đơn đã được phê duyệt. Năm nước có nhiều đương đơn đăng ký nhất là Nga, Pakistan, Anh, Nhật Bản và Úc.
Ưa chuộng thị thực du lịch thông thường
Faustine Schricke, người đã sống và làm việc ở đảo Bali được 14 năm, cho rằng chính phủ Indonesia đang gặp khó khăn trong việc tìm ra giải pháp phù hợp cho những người nước ngoài muốn làm việc từ xa ở nước này.
“Bạn vẫn thấy rất nhiều người nước ngoài đến Indonesia làm việc bằng thị thực du lịch thông thường vì thị thực du mục kỹ thuật số E33G có nhiều quy định rối rắm”, cô nói.
Ee Ming Toh, một freelancer 32 tuổi, người Singapore, đã trở thành dân du mục kỹ thuật số để tránh giá thuê nhà cao ở thành phố này. Trụ sở chính của công ty nằm ở Singapore nhưng trong năm nay, cô làm việc từ xa ở Malaysia, Việt Nam và dự định tới Campuchia, Thái Lan, Nhật Bản và Nepal trong vài tháng tới bằng thị thực du lịch.
“Thị thực này phù hợp nhất với tôi”, cô nói và phàn nàn về những rắc rối của thị thực du mục kỹ thuật số.
Angela Wong, chuyên gia tiếp thị, cũng có quan điểm tương tự, cho biết ngay khi được yêu cầu cung cấp bằng chứng về thu nhập, lý lịch công việc tra lý lịch và những thứ tương tự là đã muốn từ bỏ vì các quy định khắt khe.
Hình thức làm việc từ xa ở nước ngoài xuất hiện kể từ khi Internet và du lịch toàn cầu phát triểm. Thế nhưng, thuật ngữ “dân du mục kỹ thuật số” mới chỉ được phổ biến trong những năm gần đây. Năm năm trước, các chương trình thị thực du mục kỹ thuật số không tồn tại. Estonia trở thành nước đầu tiên triển khai chương trình như vậy vào năm 2020 khi nhiều người bắt đầu làm việc từ xa trong đại dịch Covid-19.
Theo một cuộc khảo sát gần đây của YouGov, dân du mục kỹ thuật số ưa thích các nước ở châu Á vì văn hóa làm việc năng động, cơ sở hạ tầng bao gồm Internet đáng tin cậy cũng như các lựa chọn thị thực linh hoạt.
Theo Financial Times, VOA