Dân kinh doanh hy vọng sẽ bớt đi bảng hiệu 'Cho thuê nhà', 'cho thuê mặt bằng'

Gói hỗ trợ là động lực quan trọng giúp các hộ kinh doanh có thể nhanh chóng phục hồi, góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động và phát triển kinh tế tại các địa phương.

Ngay từ những ngày đầu năm 2022, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong hai năm 2022 và 2023. Trong đó có gói 110.000 tỷ đồng hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đây là động lực quan trọng giúp các hộ kinh doanh có thể nhanh chóng phục hồi, góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động và phát triển kinh tế tại các địa phương.

Những ngày trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, phố phường Hà Nội đã nhộn nhịp trở lại với kẻ bán, người mua. Mặc dù vậy, cứ cách vài chục cửa hàng lại có một tấm bảng “Cho thuê nhà” hoặc “cho thuê mặt bằng”. Điều đó cho thấy, các hộ kinh doanh vẫn chịu tác động nặng nề sau 2 năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành.

Hy vọng sau Tết, tình hình khả quan hơn, chị Bùi Thị Mai, một chủ cửa hàng bán quần áo tại phố Huế, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ, khách dù vắng vẻ, nhưng chị vẫn cố gắng để giữ lại nghiệp kinh doanh của gia đình mình. “Về thuế thì chính quyền địa phương rất quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi nhất. Các hộ kinh doanh chúng tôi không có vấn đề gì về phía chính quyền, chỉ là dịch bệnh xảy ra trên khắp thế giới và cả nước mình, nên cần phải đồng tâm, cùng vượt qua khó khăn”, chị Mai cho biết.

Phục hồi sản xuất kinh doanh là mong ước của nhiều hộ kinh doanh.

Phục hồi sản xuất kinh doanh là mong ước của nhiều hộ kinh doanh.

Đối với chính quyền các địa phương, dù đã tạo điều kiện tốt nhất cho các hộ kinh doanh phát triển, nhưng khi triển khai các gói hỗ trợ cần có hướng dẫn rõ ràng và dễ thực hiện, từ đó phát huy hiệu quả của các chính sách.

Theo ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đối với các hộ kinh doanh, quận đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ, như triển khai hiệu quả và đồng bộ công tác quản lý thuế, bám sát các hoạt động sản xuất, kinh doanh để có giải pháp kịp thời. “Chúng tôi cũng thành lập các tổ công tác làm đầu mối liên hệ với các hộ kinh doanh để nắm bắt những khó khăn và hỗ trợ kịp thời”, ông Quân nói.

Hộ kinh doanh được đánh giá là rất linh hoạt trong những lúc khủng hoảng. Sau dịch bệnh, nhiều hộ đã thích ứng nhanh chóng, tiết giảm chi phí và nỗ lực cung cấp hàng hóa, dịch vụ phù hợp nhất với người tiêu dùng.

Mặc dù vậy, các hộ kinh doanh đang rất cần sự hỗ trợ từ các bộ, ngành, địa phương. Trong gói hỗ trợ phải dành ra một chính sách để hướng vào khả năng tiếp cận nguồn vốn của những hộ kinh doanh. Đây sẽ là cơ hội cho những cơ sở kinh doanh nhỏ có thể hoạt động trở lại.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, việc Chính phủ có chủ trương sống chung với dịch đồng nghĩa với việc phải thích ứng với tình hình mới và người dân đều cảm thấy bình an trong quá trình sống chung với dịch.

“Chính phủ đã tạo ra cho người dân tâm lý bình tĩnh. Phương pháp của Chính phủ bây giờ đã có kinh nghiệm nên thực hiện từ trên xuống dưới giúp doanh nghiệp, người dân và các hộ kinh doanh cá thể cũng được tạo điều kiện tốt nhất để hoạt động kinh doanh. Sắp tới Chính phủ sẽ tiếp tục hành động để thực hiện hoàn thành những việc đó”, ông Thân cho biết./.

Thành Trung/VOV 1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dan-kinh-doanh-hy-vong-se-bot-di-bang-hieu-cho-thue-nha-cho-thue-mat-bang-post922442.vov